Mảnh đời người phụ nữ bị tàu hỏa cán cụt tay ở ga Sài Gòn

Mỗi khi nghe tiếng còi, nếu đúng là tàu về đường ray mình phụ trách, chị Thu Lan sẽ nhanh chóng bật dậy tiến về phía đó chờ để trèo lên toa tìm kiếm phế liệu mưu sinh.

7 tiếng mỗi ngày tại ga Sài Gòn

2h sáng tại đường ray ga Sài Gòn, tiếng còi tàu cứ nối tiếp nhau liên hồi, hết đợt này lại đến đợt khác, inh ỏi và kéo dài bất tận như muốn xé toạc màn đêm tĩnh mịch. Những ai không chịu nổi âm thanh lớn sẽ rất khó chịu và chỉ mong được sớm rời khỏi nơi này để về nhà chìm vào giấc ngủ vội.

Nhưng đó là lúc chị Nguyễn Thị Thu Lan nặng nhọc vác chiếc bao to bước lên trên các toa tàu bắt đầu công việc thu lượm ve chai mưu sinh.

Người phụ nữ 33 tuổi kể mỗi khi nghe tiếng còi, nếu đúng là tàu về đường ray mà chị phụ trách thì sẽ nhanh chóng bật dậy, nhưng nếu không phải chị lại ngồi thừ người xuống. Nhiều lúc tất bật đến mức khi đang phân loại ve chai ở dưới, chưa kịp mang bao ve chai xuống thì tàu phải lăn bánh về vị trí dừng đỗ, chị lại phải nhảy gấp lên toa, lôi "hàng" xuống.

Cuộc mưu sinh bên đường ray ga Sài Gòn của người phụ nữ ve chai Bị tàu hỏa cán cụt tay từ năm lên 6 tuổi, cuộc đời chị Thu Lan vất vả kể từ đó đến nay khi hàng ngày phải mưu sinh lượm ve chai ở ga Sài Gòn.

Những đêm đầu năm mới Mậu Tuất, ga Sài Gòn trở nên tấp nập hơn bình thường khi lần lượt từng đoàn tàu ken đặc người từ các tỉnh, thành phố trở lại sau quãng thời gian nghỉ Tết.

Từ nhà tới ga Sài Gòn, dù chỉ cách một đoạn ngắn, người phụ nữ đặc biệt phải bước qua một đoạn hẻm cực nhỏ, chui qua lỗ chó, men theo đường mòn um tùm cỏ. Đợi tất cả các hành khách đã xuống tàu xong, chị Lan mới lên tàu, mò mẫm trong bóng tối để nhặt nhạnh tất cả phế liệu, vỏ hộp, manh chiếu cho vào bao nylon chuẩn bị sẵn.

Chị làm công việc trên các toa rất thầm lặng, luôn nhường bước, lối đi cho hành khách, tiếp viên trên tàu. Chị không lớn tiếng với ai, đôi khi hỏi thăm những người làm nhiều công việc khác trên tàu vài câu bâng quơ. Mỗi khi xong việc ở một đoàn tàu, chị lại trải chiếu ngồi ở một góc sân ga đợi tiếp. Bên cạnh là những bao ve chai nhặt được, mắt lim dim vì thiếu ngủ.

Công việc hàng ngày của chị Lan là vào ga lúc lượng tàu đổ về nhiều nhất, thường là 2h đến 7h sáng và 16h đến 18h. Mỗi chuyến tàu về, hành khách thường để lại rất nhiều chai nước suối bằng nhựa, lon nước ngọt, vỏ hộp, manh chiếu...

Chị còn phải tìm trong những thùng rác trên tàu, dùng tay không lùa đi những hộp cơm còn ít đồ ăn thừa và bao nhiêu thứ rác thải khác để tận dụng cho bằng hết những phế liệu. Phải làm như vậy vì "địa bàn" của chị chỉ được chia phần 2 toa tàu, bên cạnh các toa khác của đồng nghiệp ve chai.

Sau khi đã nhặt hết những thứ mà mọi người coi là rác thải, chị rời tàu, tỉ mỉ ép dẹp bẹt từng chai nước bằng một cánh tay và một chân để tiết kiệm thể tích rồi mới tập trung các bao tại một góc sân ga, chờ chồng chị đến chở đi bán.

Hỏi khi bị tật nguyền như vậy thì làm việc có khó khăn lắm không, chị chỉ cười hiền: “Thì người ta làm được mình cũng làm được thôi. Người ta hai tay thì làm nhanh, mình một tay làm chậm hơn, từ từ thì cũng xong thôi”.

Ngày trước, khi nghề này vẫn còn làm ăn được, với mỗi kg vỏ chai, chị bán được 7.000 đồng. Nhưng hiện nay, ve chai bị xuống giá, chủ vựa chỉ thu 4.500 đồng/kg. Với mỗi đoàn tàu chị lượm kiếm chưa nổi 20.000 đồng.

Với mỗi chiếc chiếu nhặt được, chị bán lại cho cửa hàng tạp hóa với giá 3.000 đồng/cái. Tính ra mỗi tháng, số tiền chị kiếm được từ công việc này chưa đến 3 triệu đồng. Những tháng cao điểm, tàu về nhiều như mùa sau Tết, khoản tiền này có tăng lên đôi chút. Nhưng trong những tháng thấp điểm, người phụ nữ cụt tay đành ngồi thừ bên đường ray nhìn những đoàn tàu lần lượt rời ga.

Khi được hỏi làm sao nuôi được hai con nhỏ đang tuổi ăn học với mức thu nhập như vậy, chị chỉ cười hiền: “Thì ráng vun vén chứ biết sao giờ”.

Chồng chị Lan, anh Nguyễn Ngọc Danh, cũng nương nhờ vào đoàn tàu để kiếm tiền mưu sinh. Ngày thường, anh làm công việc chở thực phẩm vào ga, được người ta trả 5 triệu đồng/tháng. Trong những ngày cao điểm sau Tết, tàu về nhiều, thương vợ, anh làm ngày làm đêm rồi cả phụ chị nhặt ve chai. Hai vợ chồng cứ thế thay phiên nhau, cứ thế ở trong ga cả ngày lẫn đêm.

Để không phiền mẹ già, con cái và cũng để thuận tiện đi làm, anh chị dựng luôn một chiếc chòi nhỏ ngay phía sau trạm gác thanh chắn tàu trên đường Trần Văn Đang để ngủ. Cuộc sống của họ cứ thế, quẩn quanh từ ga tàu đến đường ray và ra trạm gác.

Ký ức tuổi thơ kinh hoàng bên đường ray

Cũng như bao nhiêu đứa trẻ khác, có nhà ở ven đường ray, lúc nhỏ, chị Lan thường ra khu vực có tàu đi qua để chơi đùa. Nếu như những đứa trẻ bình thường khác có bố mẹ, hoặc người thân khác trông chừng mỗi khi ra khu vực nguy hiểm đó thì cô bé Lan lúc đó chỉ thơ thẩn có một mình.

Bố bỏ đi theo người khác lúc chị chỉ mới 5 tuổi, để lại mẹ chị (bà Lê Thị Thu) cùng bốn đứa con nheo nhóc. Hàng ngày, bà Thu phải rong ruổi khắp nơi đi bán than kiếm tiền nuôi con và đành phó mặc sự an toàn của những đứa trẻ cho hàng xóm trông coi giúp.

Năm 1991, lúc chỉ mới 6 tuổi, trong một lần ra đường tàu chơi như bao nhiêu ngày khác, chị Lan đã bị tàu hỏa cán mất một cánh tay.

Chị Lan bồi hồi kể hồi đó gia cảnh khó khăn, không có toilet, hàng ngày cô bé 6 tuổi và mọi người phải chui qua đường ray đi vệ sinh. "Đường ray đó bỏ nên tôi ngồi trùm chiếc chiếu lên. Không ngờ tàu chạy thử qua đã đụng tôi rớt xuống. Khi đưa tay định bò ra tôi liền bị bánh xe lửa cán qua".

Vài phút sau người trên tàu mới biết có nạn nhân ở dưới và họ dừng lại. Lúc tỉnh lại chị thấy đã ở trong bệnh viện, được băng bó nhưng mất nửa cánh tay trái.

Nhà 10 m2, không đủ chỗ nằm ngủ

Ngôi nhà rộng chưa đầy 20 m2 của người phụ nữ cụt tay nằm lọt thỏm trong một con hẻm trên đường Trần Văn Đang, quận 10. Bên trong có 8 nhân khẩu của 4 hộ gia đình chung sống. Lối vào chỉ vừa một chiếc xe máy đi, ngăn cách với đường ray bởi một bức tường dài. Hẻm này sâu hun hút và ủ dột chỉ với vài mảng sáng dù ban ngày.

Mái ấm của người phụ nữ nhặt ve chai còn bị ngăn làm hai bởi một bức vách tạm. Nửa phía trước thuộc về bà con họ hàng, còn nửa phía sau chưa đầy 10 m2 là nơi vợ chồng, mẹ đẻ và các con của chị Lan nương náu. Trong đó, chồng chị và một bé con của người chị gái phải ra ngoài kiếm chỗ ngủ vì nhà không còn khoảng trống nào.

Tối đến, cả gia đình nằm chen chúc cạnh nhau ở trên giường và dưới đất. Sợ cháu không có chỗ để cựa quậy, bà Thu (mẹ đẻ chị Lan) còn phải nằm nghiêng một bên cho đỡ tốn diện tích. Và, cái chỗ gọi là “giường”, nơi chị Lan cùng con gái đang nằm, lại là một cái mộ vô danh, cải tạo lại thành chỗ nằm.

Cái khổ lên đến cùng cực là vậy nhưng người phụ nữ tội nghiệp không vì thế mà buồn bã hay cáu gắt. Hàng ngày, chị vẫn vẫn miệt mài lao động với nụ cười hiền trên môi.

"Vì phải ráng làm kiếm tiền để nuôi con chứ mình đã không biết chữ rồi, để cho chúng nó mù chữ luôn thì tội nghiệp lắm”, chị Lan nói.

Trong căn phòng rộng chưa đầy 10 m2, bà Thu (mẹ của chị Lan) đang lọ mọ tự tay nấu bếp. Bà bị bệnh tim, thường xuyên phải uống thuốc. Ngày thường bà làm thuê cho một gia đình gần đó với mức lương 3 triệu đồng/tháng để giúp đỡ con cháu được phần nào.

“Giờ chỉ mong ước có một căn nhà đàng hoàng cho mấy đứa cháu ngoại có chỗ ngủ, chứ nhìn tụi nó nằm xếp lớp tội quá”, bà Thu nói.

Anh Danh (chồng chị Lan) chia sẻ: “Thấy vợ tật nguyền vậy nhưng vì hoàn cảnh cũng phải để cô ấy đi mót ve chai, tôi thương lắm. Giờ chỉ mong sao có một căn nhà tốt hơn, tôi sẽ để vợ ở nhà buôn bán cho đỡ cực”.

Trái lại, hai bé con của anh chị, Nguyễn Ngọc Thiện Nhã (10 tuổi) và Nguyễn Ngọc Thùy Dung (9 tuổi) vẫn thích ở tại ngôi nhà nhỏ này. Bé hồn nhiên chia sẻ với phóng viên sau này lớn lên được làm công an để bảo vệ ba mẹ và kiếm được nhiều tiền.

Liêu Lãm

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/manh-doi-nguoi-phu-nu-bi-tau-hoa-can-cut-tay-o-ga-sai-gon-post824249.html