'Mảnh đất' cuốn hút và thách thức

Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng là 'mảnh đất' sáng tạo không dễ thành công, nhưng lại luôn cuốn hút văn nghệ sĩ. Nói như nhà văn Chu Lai, đó là 'siêu đề tài' và người chiến sĩ là 'siêu nhân vật' trong địa hạt văn học, nghệ thuật. Song, để tạo nên những tác phẩm về đề tài này hấp dẫn công chúng hiện nay, là thách thức không nhỏ với người sáng tạo.

Vở kịch “Đôi mắt” đã giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.

Sự vào cuộc của nhiều thế hệ sáng tác

Cuộc tập hợp sáng tác lớn là “Giải thưởng văn học, nghệ thuật, báo chí đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng 5 năm (2014-2019) của Bộ Quốc phòng” vừa tổng kết cho thấy, một lực lượng tác giả dồi dào đang dấn thân, tìm tòi trên mảnh đất này. Cụ thể, có gần 2.300 tác phẩm ở các thể loại sáng tác trong 5 năm trở lại đây tham dự giải thưởng, trong đó có 340 tác phẩm văn học, 410 tác phẩm âm nhạc, 58 tác phẩm múa, 30 tác phẩm sân khấu, 65 tác phẩm điện ảnh, 415 tác phẩm mỹ thuật, 708 tác phẩm nhiếp ảnh.

Phải kể đến đầu tiên là văn học - lĩnh vực mà theo nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng, đang có sự trở lại mạnh mẽ của nhiều cây bút kỳ cựu, đồng thời xuất hiện những gương mặt trẻ triển vọng. Tiêu biểu là nhà văn Chu Lai với tiểu thuyết “Mưa đỏ” đã khắc họa nổi bật hình ảnh thế hệ chiến sĩ - sinh viên Hà Nội hào hoa ra trận một thời; tác giả Đoàn Tuấn với tập hồi ức “Mùa chinh chiến ấy” mang nhiều chi tiết chân thực về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam… Các tác giả trẻ sinh ra và trưởng thành trong thời bình thường chọn khai thác về chiến sĩ biên giới, hải đảo cùng những điều họ chứng kiến, cảm nhận, thể hiện ở trường ca “Sóng trầm biển dựng” (Đoàn Văn Mật), tản văn “Nơi đầu sóng” (Lữ Mai - Trần Thành)…

Ở lĩnh vực âm nhạc, theo Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, điều đáng mừng là những năm gần đây, các thế hệ nhạc sĩ lão thành vẫn bền bỉ sáng tác bên cạnh những nhạc sĩ trẻ, tạo nên bề dày tác phẩm âm nhạc ở đủ các thể loại, vừa chính quy hàn lâm như nhạc kịch “Lá đỏ” (Đỗ Hồng Quân), giao hưởng “Thạch Hãn cổ thành” (Nguyễn Xuân Vũ)…, vừa đậm hơi thở hiện đại, như các ca khúc “Thênh thang đường mới” (Hồ Trọng Tuấn), “Guitar lính” (Nguyễn An Hiếu)…

Sân khấu và điện ảnh tuy không nhiều tác phẩm như lĩnh vực khác, nhưng có nhiều dấu ấn. Điển hình như vở kịch nói “Đôi mắt” (Nhà hát Kịch Hà Nội) đã gặt hái nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế; vở “Người chiến sĩ năm xưa” (Nhà hát Chèo quân đội) đã có hàng trăm suất diễn trên khắp đất nước. Phim truyện điện ảnh “Thầu Chín ở Xiêm” (Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam) là sự lựa chọn đầu tiên của các đội chiếu bóng địa phương mỗi dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn. Phim “Người trở về” (Điện ảnh Quân đội nhân dân) hút người trẻ đến rạp nhờ ê kíp làm phim trẻ tuổi...

Thiếu tướng Lê Xuân Sang, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam) khẳng định, lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng luôn là "mảnh đất" thu hút mạnh mẽ sự sáng tạo của văn nghệ sĩ, là "khoảng trời" nghệ thuật hấp dẫn với công chúng. Đáng mừng là gần đây có nhiều tác phẩm của tác giả trẻ phản ánh được tâm tư, tình cảm, ý chí, nhịp sống của chiến sĩ hôm nay.

Thách thức trên chặng đường tiếp theo

Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là mảng đề tài có nhiều góc cạnh khai thác, song, để tạo nên tác phẩm hấp dẫn, thuyết phục công chúng không phải là điều đơn giản. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhận định, không phải ai cũng từng trải qua chiến tranh hoặc chứng kiến hoạt động của lực lượng quân đội, nếu tác phẩm ăm ắp tư liệu thực tế sẽ thuyết phục công chúng. Vì thế, người sáng tác phải chịu dấn thân, quan sát, trải nghiệm.

Là nhà sản xuất phim truyện thời chiến “Truyền thuyết về Quán Tiên” dự định ra mắt ngày 30-4 tới đây, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho rằng, khán giả ngày nay rất tinh tường và yêu cầu cao. Văn học, nghệ thuật về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang không nên khô cứng, giáo điều mà phải gần gũi, đánh vào thị hiếu của công chúng mới thành công. Ví dụ, trong tác phẩm điện ảnh cần pha trộn những yếu tố khiến giới trẻ thích thú như tâm lý, hài hước, bí ẩn, kịch tính, thậm chí cả kinh dị…

Ở một góc nhìn khác, diễn viên Lê Thiện Tùng (Nhà hát Kịch Hà Nội) chia sẻ: “Tôi may mắn tham gia một số tác phẩm sân khấu, điện ảnh về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng. Dù chỉ “sống” trong một vài khoảnh khắc thời chiến, tôi đã cảm nhận sự khốc liệt và quý giá cuộc sống hòa bình hôm nay. Tôi thấy mình cần hoàn thiện, đào sâu hơn trong những vai diễn, để góp phần truyền tải những tác phẩm nghệ thuật chân thực, thuyết phục, giúp thế hệ trẻ thêm hiểu, tự hào về những người đã và đang quên mình bảo vệ Tổ quốc”.

Còn về đề tài, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam gợi mở, các tác giả nên đầu tư, nghiên cứu và khai thác có hiệu quả giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, văn hóa và nhân văn quân sự; hình ảnh và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; truyền thống vẻ vang của lực lượng vũ trang trong các cuộc kháng chiến và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là những chủ đề dễ tạo nên những tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật có giá trị cao, tiêu biểu, tương xứng với tầm vóc của đất nước và quân đội.

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/959800/manh-dat-cuon-hut-va-thach-thuc