Mảnh chĩnh bờ tre

'Chuông khánh còn chẳng ăn ai/ Nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre' là tục ngữ cổ nhận xét về những người kém cỏi có tham vọng lớn. Mảnh chĩnh vứt bờ tre là thứ thậm vô giá trị. Còn chẳng bằng một mảnh vỏ dừa vẫn có thể 'Lành làm gáo, vỡ làm muôi'.

 Chĩnh thờ (ảnh: v-starsgifts.vn)

Chĩnh thờ (ảnh: v-starsgifts.vn)

Người Việt từ thời sơ sử đã biết chế tác vật dụng bằng đất nung. Những dấu tích khai quật khảo cổ ở Phùng Nguyên và sau này nữa là Óc Eo, Sa Huỳnh đều tìm thấy những hiện vật đất nung có tuổi hàng vài nghìn năm trước.

Cho đến thời đại của chúng ta, đồ gia dụng đất nung vẫn còn thông dụng. Đó là hàng chục món đồ có tên gọi khác nhau. Cái chum, cái chĩnh, cái hũ cho đến cái vại, cái chậu sành, cái chõ đồ xôi, cái lu đựng nước, cái ghè, cái vò đựng rượu, cái lon giã cua, cái nồi đất, cái vấu sành, cái bát đàn... Và cái nồi chân đựng gì thì nay còn rất ít người biết.

Tất cả đều được tạo hình bằng đất sét vuốt tay con chạch và nung trong lò củi hoặc than ở tầm nhiệt trên dưới 800oC. Sản phẩm làm ra gọi là đồ sành. Nung non có màu đỏ hồng, nung già hơn màu da tru (trâu?). Đồ sành nung non còn gọi là đồ đất nung như cái nồi đất thường có tuổi thọ không cao lắm. Đại khái cô dâu vụng mới về nhà chồng thì đừng có khoe tài cạo cháy cơm nồi đất. Bà mẹ chồng sẽ biết mười mươi độ khéo tay của cô ấy khi nồi vỡ. Hẳn là ai đó sẽ thắc mắc vì sao người ta không nung già chiếc nồi đất lên để tránh vỡ? Câu trả lời là đồ sành khi nung già sẽ không chịu được lửa thêm một lần nữa. Nó sẽ vỡ ngay trên bếp mà chẳng cần đến cô dâu vụng nào cả.

Hàng chục món đồ gia dụng ấy khi vỡ lại chỉ cho ra một sản phẩm duy nhất. Đó là mảnh sành. Tuy nhiên công dụng lúc lành lặn của chúng lại hoàn toàn khác biệt. Cái chum có dung tích lớn được dùng cho việc đựng nước, sản xuất dưa cà muối, làm mắm cá các loại. Chum nhỏ hơn dùng trong gia đình chỉ để đựng nước mưa hứng từ cây cau bắc máng luồng cho chảy vào.

Cái vại nhiều cỡ dùng vào rất nhiều việc gia đình. To có thể đựng nước, muối dưa cải cả cây, nén cà bát. Nhỏ hơn đựng gạo, muối, đường. Cái hũ cái ghè cái vò có hình dáng khác đi một chút lại có công dụng khác. Ghè hoặc vò đựng rượu và hũ đựng mỡ lợn. Xa xưa nữa những người giàu có tích trữ tiền cũng bằng cái hũ, cái ghè sành chôn xuống đất. Chiến tranh và bão lụt làm cho mất dấu để ngành khảo cổ của chúng ta ngày nay thỉnh thoảng đào được những hũ tiền chinh như thế. Tất nhiên tiền ấy chỉ còn mỗi giá trị khảo cổ mà thôi.

Cái vại nhiều cỡ dùng để đựng nhiều loại thực phẩm. Có thể dùng nó dấm chuối xanh cho chín và cũng có thể dùng ướp muối các loại thịt cá. Dân phố dùng hai chiếc vại một lớn một nhỏ để muối dưa cà. Vại lớn đựng dưa muối và vại nhỏ đựng nước nén lên chiếc vỉ tre. Người ta tránh dùng cối đá hoặc hòn cuội to nén dưa bởi như thế chất đá vôi tác dụng với nước chua dưa muối sẽ làm cho dưa bị kháng đá.

Cái chĩnh có hình dáng đặc biệt hơn hình như có ít công dụng hơn. Nó chỉ là một khối trụ tròn phồng ra ở đoạn giữa có đường kính nhỏ và cao khoảng 60cm. Chĩnh chủ yếu dùng để làm tương trong gia đình. Thổi xôi, rang đậu, lên mốc hàng tuần lễ rồi ngả tương vào chĩnh mang ra sân phơi nắng. Ban ngày đậy bằng vải màn tránh ruồi muỗi, tối đến đậy thêm nắp sành tránh chuột bọ mò vào. Cuối cùng là đậy kín trát bùn trộn trấu xung quanh. Cũng phải ba tháng sau mới được mẻ tương. Tương ngấu kỹ cũng phải dùng chiếc duộc nứa múc ra. Tuyệt đối không dùng gáo kim loại.

Cái chĩnh có dung tích nhỏ thường chỉ dùng làm tương hoặc làm mắm cua, cáy trong gia đình. Hẳn là có lúc nhàn rỗi nên người ta có thể đựng gạo vào đấy. Nếu không đã chẳng có tục ngữ “Chuột sa chĩnh gạo” để nói về những người ít tài cán lại may mắn rơi vào chốn no đủ là thế.

Thời hiện đại, hầu hết những món đồ gia dụng bằng đất nung như thế đã lần lượt bước chân ra khỏi đời sống người Việt. Tất cả đã được thay thế bằng những dụng cụ khác nhẹ nhàng và tính năng hơn hẳn. Cái thùng nhựa vuông 300 lít đựng nước thay cho cái chum sành vừa dễ sắp đặt vừa rất khó vỡ. Đã thế khi vỡ thì nhựa lại có thể tái sinh mà không phải chịu phận vứt ngoài bờ tre như mảnh chĩnh mảnh chum.

Cái chum chỉ còn ở vài nhà sản xuất tương cà lớn có thể cung cấp cho cả thành phố. Cái chĩnh gần như tuyệt chủng đã lâu rồi dù Hà Nội vẫn còn phố Hàng Chĩnh thông ra bờ sông Hồng. Muốn ăn tương có thể gọi điện thoại đúng bữa người ta mang đến tận mâm. Cái vại muối cà trong gia đình cũng được thay bằng vại nhựa Thái Lan. Vại nhựa có vỉ nén vặn ốc tha hồ nén chặt mà không cần đến đôi vại một muối một đựng nước nén như xưa nữa.

Rất lâu rồi dân phố không nhìn thấy một rặng tre quanh thành phố. Mảnh chĩnh vứt ngoài ấy lại càng không. Trẻ con sinh ra cũng không còn cắt rốn chôn nhau bằng cái nồi đất ngoài rặng tre nữa. Đơn giản vì chẳng còn cả nồi lẫn tre. Chẳng biết có phải vì thế mà nỗi gắn bó với quê hương xứ sở hình như cũng hư hao ít nhiều.

9.2018

Đỗ Phấn

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/tan-man/manh-chinh-bo-tre-630737.ldo