Mang xúc cảm 'Đồng hành với Đẹp'

Mỹ thuật và Kiến trúc luôn là những chủ đề khó. Khó 'cảm', khó 'bình' và khó viết. Muốn viết tốt về những chủ đề này cần có 'khiếu' và có 'gu' riêng.

Số người viết báo chuyên tâm “cày xới” chủ đề này không nhiều và Nguyễn Phương Liên là một trong số ít đó. Trên những trang viết của Liên, người đọc dễ nhận ra khiếu cảm nhận tinh tế, sắc sảo cùng quan điểm nghệ thuật đã được “định vị” rõ ràng và chắc chắn của chị.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn trong Lời mở viết cho “Đồng hành với Đẹp” đã nhận xét: “Với tư chất nhà báo bẩm sinh, Nguyễn Phương Liên tự tin bước thẳng vào chốn lao xao của đời sống Nghệ thuật Việt đương đại”.

Phần 1 của cuốn sách, “Ở chốn lao xao” của đời sống mỹ thuật, nghệ thuật, kiến trúc Nguyễn Phương Liên đã diễn đạt cách / góc nhìn riêng của mình về những “nổi cộm”, những bất cập, những bức xúc từng ngày: “Ngổn ngang” kiến trúc Việt, Tranh giả làm nhiễu thị trường, Mạnh tay với nạn tranh giả, Hướng đến một thị trường mỹ thuật lành mạnh, chuyên nghiệp,“Cứu” di tích trong phố cổ Hà Nội.

Mối quan tâm của chị không chỉ dừng ở những vấn đề “nóng”: Chung quanh việc di dời các biểu tượng, linh vật lạ tại các di tích, Đưa linh vật ngoại lai ra khỏi di tích, đình, chùa: “Đã gióng lên một hồi chuông”... mà còn mở rộng tới nhiều chuyện lâu dài: Để tượng đài mãi tỏa sáng, Kiến trúc ở nông thôn hôm nay, Cần chuyên nghiệp trong đấu giá nghệ thuật, Tìm lối ra cho điêu khắc công cộng; không chỉ dừng ở tính thời sự mà còn xuyên sâu, nỗ lực bóc tách, mổ xẻ, tìm đến “lõi” của vấn đề: Nghệ thuật đương đại và sự lạm dụng, Lý luận phê bình có còn đồng hành cùng sáng tạo mỹ thuật ?

Những điều chưa hay, chưa tốt, những mặt trái, những yếu kém được Nguyễn Phương Liên “lôi” ra “lộ sáng” đã gây được mối quan tâm lên án cái xấu trong dư luận xã hội, đặt ra những câu hỏi về trách nhiệm và giải pháp. Điều này cũng đồng thời có tác dụng mở đường cho cái tốt tiến lên.

Những điều chị trăn trở cũng là những câu hỏi đang được xã hội đặt ra và cần lời giải đáp: “Cần có sự vào cuộc của hội chuyên ngành trong trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của hội viên, nhằm mục đích xây dựng nền mỹ thuật phát triển lành mạnh; sự tích cực, triệt để hơn nữa của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác xây dựng cơ chế quản lý, giám sát và xử lý vi phạm.

Đó là điều hết sức cấp bách. Nhưng trước hết và cao hơn cả, vẫn là lương tâm, đạo đức nghề nghiệp của người họa sĩ trong sáng tạo nghệ thuật; là ý thức, bản lĩnh với những hiện tượng xâm phạm bản quyền, hành động phi nghệ thuật để tự bảo vệ mình, bảo vệ nghệ thuật chân chính” (Tranh giả làm nhiễu thị trường); “Nhiều năm qua, sự xuống cấp và bị xâm hại nặng nề, thậm chí “biến mất” của không ít di tích là thực trạng đáng báo động, rất cần những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và khôi phục, bảo tồn” (“Cứu” di tích trong phố cổ Hà Nội).v.v...

Phần hai của Đồng hành với Đẹp được Nguyễn Phương Liên chọn tên: “Những ngọn lửa”. Chắc hẳn chị muốn “truyền lửa” cho người đọc qua những chân dung - tấm gương một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu: Các họa sĩ, nhà điêu khắc Nguyễn Tư Nghiêm, Hoàng Lập Ngôn, Đặng Ái Việt, Tạ Quang Bạo, Đinh Gia Thắng, Hồng Việt Dũng...

Không chỉ những thành tựu, những sáng tạo mà còn cả những nét độc đáo trong nhân cách và cá tính, trong tâm hồn và đời sống của các tác giả đã được Nguyễn Phương Liên khắc họa như những điểm nhấn, chấm phá mà sâu sắc. Chính những chi tiết đó đã làm nên những bức chân dung có sức lay động: Nguyễn Tư Nghiêm “Sống là được vẽ mỗi ngày”, Hoàng Lập Ngôn “Nhà lăn xe vẽ Mê Ly”, Tạ Quang Bạo “Người nghệ sĩ nặng lòng với biển đảo”, Đặng Ái Việt trên “Hành trình của yêu thương”, Đinh Gia Thắng “Người tạc Mẹ vào non sông đất nước”...

Trong những sự kiện, những tác phẩm lớn: Festival mỹ thuật trẻ 2011, Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2015, Triển lãm mỹ thuật “Mở cửa” (2016), tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành, tượng đài Mẹ Thứ..., bên cạnh những câu chuyện của sự kiện của tác phẩm, Nguyễn Phương Liên lồng “những ngọn lửa” vào những cảm nhận, những suy tư của mình về hành trình lịch sử - văn hóa dân tộc, về những điều cần gìn giữ như “không gian văn hóa Mường”, về việc “Đưa không gian bảo tồn vào không gian sống hiện đại”.

Và chị cũng hướng ánh nhìn của mình tới tương lai phát triển của văn hóa qua sự hiện diện và những điều gợi mở từ “Xu hướng hiện đại của điêu khắc Việt Nam”.

Bạn đọc “Đồng hành với Đẹp” của Nguyễn Phương Liên sẽ có nhiều đồng cảm với “một người hiểu chuyện đời” (chữ của họa sĩ Lương Xuân Đoàn). Chị ấy kể “chuyện đời” bằng một cách nhẹ nhàng mà hấp dẫn, và không chỉ có thế.

Nguyễn Phương Liên không “lập ngôn” (một cách chính thức và hình thức) nhưng qua những gì chị viết mọi người có thể hiểu những ý “tuyên ngôn”, xuất phát từ nền tảng kiến thức và quan điểm nhận thức của chị. Có lẽ chỉ có một điều người đọc muốn nhiều hơn nữa.

Đó là tuyển tập “Đồng hành với Đẹp” mới chỉ gồm đại đa số tuyết đối (34/35) tác phẩm báo chí của Nguyễn Phương Liên đăng tải trên báo Nhân Dân. Điều này rất dễ hiểu vì đó là nơi công tác của chị. Nhưng nếu tuyển tập này có thêm những tác phẩm khác được đăng ở những ấn phẩm khác với phạm vi chủ đề rộng mở hơn và với nhiều “chất giọng” hơn (mà tôi biết chắc chắn là Liên có) thì đương nhiên sẽ làm độc giả hứng thú và thỏa mãn hơn nhiều. Hay là chị đang “để dành” điều đó?

Đồng hành với Đẹp, Nguyễn Phương Liên đã đọc, đã đi, đã gặp, đã thấy nhiều. Cái năng khiếu cảm nhận nhạy cảm cùng với cái nhìn sắc sảo của một ngòi bút báo chí đã tạo nên một phong cách. Nhưng trước hết và trên hết, những tác phẩm báo chí chọn lọc của chị là những ảnh xạ lấp lánh từ một tấm lòng tràn đầy xúc cảm và tâm huyết của một người kiên trì “đồng hành” cùng cái đẹp, cái chân và cái thiện.

Tất cả không ngoài mục đích tôn vinh những giá trị văn hóa mà chúng ta cùng yêu quý. Hành trình Đồng hành với Đẹp của chị còn tiếp tục dài lâu và chúng ta vẫn sẵn sàng chờ đợi những tác phẩm mới của chị.

Ngữ Thiên

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/mang-xuc-cam-dong-hanh-voi-dep-616959.ldo