Mang Xuân ấm đến với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Nghệ An

Với phần quà là những chiếc xe đạp, loa kéo, bát ăn, tô inox, dụng cụ học tập, vở, và cả chiếc chăn bông… của Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Quỹ trao tặng yêu thương và các nhà tài trợ. Họ đã mang đến cho các em học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của huyện Thanh Chương và trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Hữu Khuông thuộc xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An một không khí Xuân đầm ấm, yêu thương và mang tính nhân văn.

Đông ấm cho em

Sáng sớm ngày mùng 10/1, tại huyện Thanh Chương, đoàn thiện nguyện đã trao 16 xe đạp của Công ty Cổ phần TV Pharm và Công ty CP thực phẩm Việt Nam cho 16 em học sinh thuộc các Trường THCS Nho Hòa, Trường THCS Phong Thịnh và Trường THCS Cát Văn. Đây là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên học giỏi.

Phòng CSQLHC về TTXH Công an tỉnh và đại diện Quỹ trao tặng yêu thương

Phòng CSQLHC về TTXH Công an tỉnh và đại diện Quỹ trao tặng yêu thương

Thầy Nguyễn Xuân Tùng, hiệu trưởng trường THCS Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi khi đoàn đến trao tặng quà cho các em học sinh. Thầy cũng mong muốn những món quà của đoàn là những món quà về vật chất và cả tinh thần, hi vọng đó là động lực giúp các em học tập tốt để sau này trở thành những người có ích cho xã hội, cho cộng đồng.

Đoàn đã tới thăm và trao tặng 16 chiếc xe đạp cho các em học sinh tại trường THCS Hữu Khuông

Với điều kiện hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, nhưng 6 năm liền Nguyễn Thị Thùy vươn lên trong học tập và năm cũng đạt học sinh giỏi. Chị Nguyễn Thị Xuyên mẹ cháu Thùy không giấu nổi niềm vui mừng khi món quà của đoàn dành cho con. Chị Xuyên xúc động nói, từ hồi cấp 1 cháu đã có ao ước có 1 chiếc xe đạp để tới trường, nhưng vì gia đình không có điều kiện nên tôi cũng chưa mua được cho cháu xe đạp mới, hàng ngày tôi thường chở cháu tới trường và tới năm lớp 6 thì mẹ bị đau khớp, nên cháu tự đi. Nay thì điều ước của cháu đã được thực hiện, tôi xin cảm ơn đoàn rất nhiều và sẽ động viên cháu học tập được tốt hơn nữa để không phụ lòng của mọi người.

Trao bánh, kẹo cho các em học sinh của trường

Sau 3 tiếng di chuyển bằng đường bộ và 2 tiếng di chuyển bằng đường thủy, chiều cùng ngày đoàn đã tới được điểm trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Hữu Khuông tại xã Hữu Khuông huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Đoàn đã trao tặng cho nhà trường và các em học sinh nơi đây 01 bộ loa kéo, 200 bát inox nhỏ, 50 bát tô, 50 đĩa, 100 bộ dụng cụ đồ dung học tập, 400 quyển vở kẻ ngang, 50 chiếc chăn bông, và nhiều phần quà khác dành cho thầy và trò trường THCS Hữu Khuông.

Đoàn cũng trao tặng nhiều phần quà khác dành cho thầy và trò trường THCS Hữu Khuông

Cùng tham gia hoạt động thiện nguyện, có Trung tá Nguyễn Thành Lê, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Nghệ An cho biết, chương trình thiện nguyện là hoạt động định kỳ hàng năm của Công an tỉnh Nghệ An “Tết vì người nghèo” và “Đông ấm cho em”. Do đó các phòng ban đều đăng ký hoạt động thiện nguyện trên các địa bàn tỉnh. Riêng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đều có chương trình kế hoạch giao cho đoàn thanh niên, phụ nữ và các đội nghiệp vụ để tổ chức kêu gọi các nhà tài trợ và đóng góp của các bộ chiến sỹ, để thực hiện chương trình. Sau đó giao cho tổ chức công đoàn khảo sát để đến được những điểm trường và những nơi họ thực sự cần sự chung tay chia sẻ và giúp đỡ.

Đoàn thiện nguyện cùng các em học sinh vận chuyển quà từ thuyền lên trường THCS Hữu Khuông

Trung tá Lê nhấn mạnh, năm nay chúng tôi đã chọn trường THCS Hữu Khuông để thực hiện chương trình thiện nguyện vì đây là 1 điểm trường xa xôi, cách trở về giao thông, đời sống bà con vô cùng vất vả. Nên nhu yếu phẩm đến được đây cũng rất khó khăn, do đó chúng tôi đã chọn điểm trường này để làm chương trình cuối năm. Đây là lần đầu tiên đến với điểm trường này, thực sự tôi cũng rất xúc động, nhưng cũng thấy sự chia sẻ của chúng tôi vẫn chưa đủ, do đó cũng mong muốn trong thời gian tới sẽ có nhiều đoàn thiện nguyện tới đây để chia sẻ với những người dân cũng nhưng thầy và trò trường PTDT bán trú Hữu Khuông nhiều hơn nữa.

Do nhà ở xa trường nên mọi đời sống sinh hoạt của các em học sinh đều phụ thuộc vào thầy cô

Tiết mục văn nghệ của các em học sinh trường THCS Hữu Khuông

Thầy Nguyễn Đức Sơn, hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú – THCS Hữu Khuông cho hay, Hiện tại năm học 2019 – 2020 thì điểm trường có tất cả 168 em học sinh của 3 dân tộc: Thái, Hmong và Khơ mú, và 18 cán bộ giáo viên. Trường Hữu Khuông là 1 trường dân tộc bán trú đóng trên địa bàn của một xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương. Cho nên trường gặp nhiều khó khăn thứ nhất là về cơ sở vật chất của nhà trường hiện nay đang còn thiếu rất nhiều phòng chức năng: phòng tin học, phòng thực hành các môn học,... Chỗ bán trú của học sinh thì hiện tại đang thiếu phòng ở, chủ yếu là những nhà tạm đã qua sử dụng hơn 15 năm nay, mái tôn đã bị hư hỏng nặng cần được khắc phục sửa chữa hoặc xây dựng mới. Thiếu các công trình vệ sinh. Hoàn cảnh của các con nhà rất là xa, bản xa nhất là bản của dân tộc Mông đi bộ khoảng 3 tiếng đồng hồ mới tới mới. Còn bản khác thì phải đi xuồng gần 2 tiếng đồng hồ mới đến.

Chương trình thiện nguyện là hoạt động định kỳ hàng năm của Công an tỉnh Nghệ An

Không giấu được niềm vui khi đoàn thiện nguyện tới thăm và trao quà, thầy Sơn xúc động nói, chúng tôi rất phấn khởi và vui mừng trong những ngày cận Tết này mà đoàn vẫn sắp xếp thời gian để tới thăm thầy trò chúng tôi. Và trong năm 2020 này thì mong muốn lớn nhất là được các nhà thiện nguyện đầu tư nguồn để xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường, xây dựng phòng học, phòng chức năng và khu bán trú của học sinh. Bởi vì sắp tới trường cũng như các đơn vị trong toàn huyện sẽ thực hiện chiến dịch phổ thông 2018, đòi hỏi cơ sở vật chất phải đáp ứng nhu cầu trong học tập và giảng dạy.

Được biết, xã Hữu Khuông là xã nằm trong vùng lõi lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương. Hữu Khuông nằm ở vùng trung tâm lòng hồ nên xã khá cách biệt với các địa phương khác. Cách duy nhất để đi vào đây là di chuyển bằng thuyền vượt lòng hồ thủy điện Bản Vẽ hơn 2 tiếng đồng hồ.

Đây là nơi sinh sống tập trung của ba đồng bào dân tộc thiểu số: Khơ Mú, Thái, Mông. Cuộc sống người dân nơi đây phụ thuộc vào chăn nuôi, trồng trọt nhưng đều dựa vào quy luật thiên nhiên nên toàn xã đang đến gần 90% hộ nghèo.

Châu Anh

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/mang-xuan-am-den-voi-cac-em-hoc-sinh-co-hoan-canh-kho-khan-tai-nghe-an-d115022.html