Mạng xã hội - một thế giới song hành

Sam, cậu bé 11 tuổi là con của chị bạn đang dạy cùng trường với tôi khi được hỏi lớn lên thích làm nghề gì, cậu đã trả lời ngay là muốn trở thành Youtuber - một người có một kênh trên Youtube và kiếm sống trên đó.

Mạng xã hội Youtube với những lợi thế trực quan hình ảnh đã trở thành một trong những kênh giải trí chính của công chúng, đặc biệt là lớp trẻ, và ước mơ trở thành người sáng tạo nội dung trên kênh giải trí khổng lồ này không còn lạ trong thế giới ngày nay. Tương tác trên không gian ảo, những người trẻ dần hình thành và ý thức được việc ham muốn gây ảnh hưởng cho người khác khi tham gia mạng xã hội như Facebook, Youtube, và hơn nữa có thể kiếm tiền từ các kênh này. Với mạng xã hội, ai cũng có thể!

Ai cũng có thể, cho nên năm 2006 tạp chí Time đã bầu chọn You là nhân vật của năm, đánh dấu một thời kỳ mới về “quyền lực” của người dùng mạng xã hội. Người dùng đã thực sự trở thành người tạo ra nội dung (User generated content) trên mạng xã hội. Mỗi tài khoản chính là tổng biên tập kênh riêng của mình. Thực tế cho thấy nhiều trang cá nhân với lượng người theo dõi và tương tác có ảnh hưởng ngang (nếu không nói là hơn) một tờ báo. Thứ quyền lực thứ 5 với những KOL (Key Opinion Leader - những người định hướng dư luận) chắc chắn đang có một vị thế nhất định trong đời sống văn hóa, xã hội, kinh doanh và chính trị.

Như vậy, ngoài thế giới thực, đang có một thế giới song hành trên không gian ảo với đủ mọi hỉ, nộ, ái, ố. Thế giới này bí ẩn như trong phim Ma trận nhưng cũng dễ dàng tiếp cận chỉ qua phím Enter.

Hãy xem điều gì xảy ra trong 1 phút ở năm 2018 (theo bảng thống kê tại trang Economic World Forum). Cứ 1 phút hay cụ thể hơn là 60 giây đồng hồ trôi qua thì có khoảng 3,7 triệu lượt tìm kiếm trên Google; 973.000 lượt đăng nhập vào Facebook; 4,3 triệu video được xem; 1,1 triệu lượt quẹt trên Tinder; 187 triệu e-mail được gửi đi... Những con số hàng triệu hẳn sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên.

Đến mức, Thomas Friedman tác giả của Thế giới phẳng hay Chiếc lexus và cây ô liu phải thú nhận rằng: Nếu một Facebooker tranh hàng với tôi, tôi cũng sẽ tránh gây ra tranh cãi vì ngày hôm sau, tên tôi có thể “nổi bần bật” trên mạng xã hội (và hứng đủ mọi gạch đá - NV).

Từ khóa năm 2016 chính là post-truth. Một từ miêu tả thời đại chúng ta đang sống khi phải tự chọn niềm tin với những thông tin được tạo ra trên mạng xã hội bao gồm sự thật, tin giả và một nửa sự thật luôn nằm cạnh nhau. Bầu cử Tổng thống Mỹ hay Brexit là những ví dụ đáng giá để miêu tả từ khóa này.

Không thể phủ nhận mạng xã hội đang ảnh hưởng đến từng cá nhân, kể cả khi họ không “chơi” mạng xã hội. Fake news thì không chừa một ai trong khi phần lớn người sử dụng mạng không biết cách đối phó với tin đồn. Xu hướng thiên vị hiện đang được tin tưởng và lan truyền trong hàng triệu người. Những người dùng mạng xã hội rất dễ để cho cảm xúc cá nhân lấn lướt trước màn hình hiển thị. Các cuộc thảo luận trực tuyến nhanh chóng bị chiếm lĩnh bởi đám đông giận dữ và cảm tính. Những cuộc “đấu võ mồm” luôn dành phần thắng cho những ai lẻo mép và có nhiều “đồng minh”. Hương vị của chiến thắng hay chỉ là cảm giác “độc quyền chân lý” khiến mỗi cá nhân có xu hướng chỉ giao tiếp với những người đồng quan điểm, cùng một xu hướng. Cao hơn, người dùng mạng xã hội có thể sử dụng nút chặn, không theo dõi với những người mang quan điểm trái ngược. Khác với đời thường, nút chặn trên mạng thường miễn phí và thao tác nhanh nên mỗi cá nhân có thể “xóa sổ” một hay hàng loạt người khác một cách dễ dàng.

Nhiều công nghệ tiến bộ đang góp phần làm thay đổi mạng xã hội. Nhưng diện tích màn hình thì vẫn vậy. Tốc độ và sự ngắn gọn của phương tiện truyền thông xã hội khiến người dùng mạng xã hội buộc phải nhảy vào kết luận và viết ra ý kiến “sắc bén” về các vấn đề phức tạp trên thế giới một cách nhanh lẹ. Và dù ý kiến đó được đưa lên mạng rất nhanh và cũng có thể gỡ rất nhanh nhưng thật ngạc nhiên nó sẽ tồn tại mãi mãi trên Internet.

Năm 2018, Oxford chọn từ toxic - độc hại - là từ khóa của năm. Từ khóa này luôn xuất hiện thường xuyên trong các nội dung thảo luận về môi trường, chính trị và quan hệ cá nhân nơi công sở. Lý do quan trọng nhất biến từ “toxic” trở thành từ của năm là do tần suất xuất hiện nhiều trong các ẩn dụ liên quan đến các mối quan hệ cá nhân tại nơi làm việc. Phong trào #MeToo đã cảnh báo về giới đàn ông “độc hại” với rất nhiều nạn nhân bị quấy rối tình dục lên tiếng nhờ mạng xã hội.

Điểm qua những cột mốc phát triển của mạng xã hội để thấy mạng xã hội đã ảnh hưởng đến con người như thế nào. Những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ 21, người ta sẽ ít hỏi và trao danh thiếp cho nhau mà thay vào đó là câu hỏi về tài khoản và những đề nghị “add nhau” trên mạng xã hội. Mạng xã hội đã trở thành một hành trang và hiện diện trong đời sống của mỗi người - xu thế không thể đảo ngược lại được.

Phạm Hải Chung

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/284238/mang-xa-hoi--mot-the-gioi-song-hanh-.html