'Mạng xã hội là liều thuốc bổ luôn đính kèm… hướng dẫn sử dụng'

Mạng xã hội giống như là một loại thuốc bổ nhưng nếu không biết cách sử dụng hoặc sử dụng quá liều sẽ phản tác dụng. Nó là liều thuốc bổ luôn đính kèm… hướng dẫn sử dụng!

Mạng xã hội đang ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội hiện đại. Đặc biệt người làm báo cần sử dụng MXH như thế nào đúng đắn và hiệu quả?

Nhân dịp Kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019), PV Báo Gia đình Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Nhà báo Nguyễn Chí Long - Phó Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

- Thưa nhà báo Nguyễn Chí Long, ông đánh giá như thế nào về vai trò của mạng xã hội đối với người làm báo hiện nay?

- Nhà báo Nguyễn Chí Long: Không phải ngẫu nhiên mà có 7,6 tỷ người tồn tại trên địa cầu thì khoảng 3,4 tỷ trong số đó đã và đang sử dụng mạng xã hội (MXH). Việt Nam là quốc gia phát triển nhanh về Internet và nếu tôi không nhầm thì lượng người sử dụng MXH ở nước ta cũng nằm trong top 10 thế giới.

Tôi cho rằng MXH là một sản phẩm của thời đại công nghệ thông minh, không chỉ những người báo mà bất cứ người dân nào cũng có thể cảm nhận được lợi ích của nó đem lại. Hàng ngày, hầu như tất cả mọi người đều sử dụng, tiếp xúc và tương tác với MXH. Trung bình một người Việt dành ra đến gần 7 tiếng để online mỗi ngày, trong đó thời gian “chăm sóc” MXH chắc hẳn là không nhỏ.

Nhà báo Nguyễn Chí Long - Phó Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội.

Nhà báo Nguyễn Chí Long - Phó Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội.

Với người làm báo, MXH trước hết là một kênh tham khảo thông tin ban đầu nhanh và hiệu quả. Nhà báo, trong cách tiếp cận này phải chấp nhận rằng, những thông tin ban đầu đó (trên MXH) có thể đúng, có thể sai, có thể là sự thật nhưng cũng có thể là những cái “bẫy sự thật”. Bởi, dù ít dù nhiều, người đưa ra thông tin thường có xu hướng hướng tới một mục đích nào đó.

Trong khi đó, vai trò của nhà báo là mang các thông tin trung thực đến với độc giả nên khi tiếp cận các thông tin trên mạng xã hội, họ phải biết sàng lọc, kiểm chứng, nhìn nhận, đánh giá. Nhà báo luôn không thể là “người vận chuyển” thông tin mà là người “cân nhắc thông tin”. Ở góc nhìn này, nhà báo cần có sự sàng lọc, kiểm chứng và cân nhắc cho thông tin báo chí của mình khi nó được truyền tải đến người đọc.

Nếu một nhà báo thiếu đi sự tỉnh táo nghề nghiệp để bị MXH dẫn dắt thì không nên bởi dù sao họ đã được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ. Người làm báo chỉ coi thông tin trên mạng xã hội như một kênh tham khảo chứ không thể bị chi phối bởi mạng xã hội.

Còn nữa, trước đây cũng có nhiều nhà báo sử dụng MXH để đưa những thông tin không thể lên mặt báo được. Tuy nhiên, đó là khi chưa có Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, còn hiện nay khi đã có bộ quy tắc này thì nhiều người sẽ phải cân nhắc, thận trọng hơn khi đưa những thông tin dạng này lên mạng xã hội.

Chung quy lại, với những người làm báo, MXH có vai trò rất lớn song luôn có tính hai mặt là tích cực và tiêu cực. Mạng xã hội giống như là một loại thuốc bổ nhưng nếu không biết cách sử dụng hoặc sử dụng quá liều sẽ phản tác dụng. Nó là liều thuốc bổ luôn đính kèm… hướng dẫn sử dụng!

- Như ông đã nói, bên cạnh những mặt tích cực thì MXH cũng mang lại không ít hệ lụy cho người sử dụng, vậy người làm báo cần làm gì để hạn chế những hệ lụy đó?

- Nhà báo Nguyễn Chí Long: Chưa đến mức như Balzac định nghĩa về nhà văn là “người thư ký trung thành của thời đại” nhưng tôi nghĩ nhà báo ít nhiều cũng có vai trò đó. Mỗi người làm báo là một người truyền tải bức tranh muôn mặt của cuộc sống đến đông đảo công chúng nên trước mỗi một sự việc, thông tin, họ cần có một cái nhìn khách quan và thấu đáo.

"Mạng xã hội giống như là một loại thuốc bổ nhưng nếu không biết cách sử dụng hoặc sử dụng quá liều sẽ phản tác dụng" (Ảnh: TL).

Đặc biệt, người làm báo luôn luôn phải tỉnh táo bởi có những thông tin, hình ảnh, sự việc trên mạng xã hội mà thực tế đã bị nhào nặn, cắt ghép làm sai lệch về bản chất. Nguy cơ này luôn hiện hữu nên việc sàng lọc, kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội của nhà báo càng trở nên cần thiết.

Với một góc độ khác, MXH là nơi thể hiện quan điểm cá nhân của mỗi người nên nó rất đa dạng và với mỗi nhà báo khi làm nghề thì cần xác định rõ mục tiêu, vai trò, trách nhiệm cũng như lương tâm của mình.

Chẳng hạn, một bức ảnh cháu bé bị xâm hại, bị bạo hành, người ta có thể đưa lên MXH nhưng nếu là người làm báo khi nhìn vào bức ảnh, thông tin đấy dù đó là sự thật cũng sẽ phải cân nhắc xem có nên đưa hay không và khi đưa thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống, đến gia đình của nạn nhân?

Theo tôi, thứ làm nên sự khác biệt của nhà báo với cộng đồng sử dụng mạng xã hội còn lại chính là trách nhiệm kiểm chứng và xem xét mức độ ảnh hưởng của thông tin đến xã hội. Không phải thông tin, hình ảnh nào cũng đưa và nên cân nhắc có nhất thiết phải đưa hay không vì nhiều thông tin, hình ảnh dù đúng sự thật nhưng khi đưa lên sẽ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người khác và có thể tạo hiệu ứng xấu tới xã hội thì không nên.

- Có ý kiến cho rằng, hiện nay nhiều cơ quan báo chí cũng như người làm báo quá lệ thuộc vào MXH trong việc truyền tải, lan tỏa thông tin đến công chúng, ông đánh giá sao về việc này?

- Nhà báo Nguyễn Chí Long: Mục tiêu biện minh cho phương tiện! MXH cũng chỉ là một phương tiện thôi mà! Việc lệ thuộc vào mạng xã hội không có gì xấu cả bởi theo tôi, tất cả những thứ hiệu quả, tốt nhất để đạt được mục tiêu đều có thể làm, miễn là pháp luật và đạo đức xã hội cho phép.

Nhà báo nếu biết chắt lọc thông tin từ MXH cũng tốt chứ sao? Nhà báo nếu thường xuyên sử dụng MXH để lan tỏa, truyền tải những thông tin đúng đắn, cần thiết, đem lại lợi ích cho công chúng, cho xã hội thì việc làm này quá tốt chứ sao? Mà sự lan tỏa của MXH là rất lớn, nó có thể theo cấp số nhân, hàng nghìn, hàng triệu lượt tương tác, chia sẻ. Nếu mục tiêu của anh đúng đắn, phương án của anh nhân văn, thông tin của anh chuẩn xác thì những thông điệp tốt với sức mạnh của MXH sẽ tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực cho đời sống. Khi đó hiệu quả thông tin sẽ được nhân lên gấp bội.

Còn đối với những thông tin tiêu cực, như tôi đã nói mỗi người sử dụng MXH cần tỉnh táo để không bị dẫn dắt, lợi dụng. Nhà báo lại càng không thể biện minh cho việc mình “vô tình” trở thành công cụ tiếp tay cho cái xấu, cái sai và tạo ra sự ảnh hưởng không tốt cho xã hội.

- PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/mang-xa-hoi-la-lieu-thuoc-bo-luon-dinh-kem-huong-dan-su-dung-d144880.html