Mạng xã hội giúp doanh nghiệp chuyển đổi hình thức bán hàng

Mạng xã hội đang giúp doanh nghiệp, người bán hàng trực tuyến… chuyển đổi hình thức bán hàng qua truyền hình, từ phát sóng một chiều sang phát sóng trực tuyến.

Lực lượng chức năng kiểm tra các mặt hàng kinh doanh tại chợ Bến Thành. Ảnh: TTXVN

Lực lượng chức năng kiểm tra các mặt hàng kinh doanh tại chợ Bến Thành. Ảnh: TTXVN

Tp. Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; từng bước góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.

Xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng, tuân thủ các quy định pháp luật, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững. Đây là mục tiêu được UBND Tp. Hồ Chí Minh xác định trong kế hoạch triển khai chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố vừa được ban hành.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã tập trung triển khai các giải pháp như: Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố đã được quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử; tổng hợp, đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh, giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thương mại điện tử, về các hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Xây dựng các kế hoạch tuyên truyền theo các chuyên đề để phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, tạo sức lan tỏa sâu, rộng để người dân tích cực, chủ động tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.
Tp. Hồ Chí Minh cũng chú trọng nghiên cứu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, thường xuyên bổ sung kiến thức nghiệp vụ, cập nhật các xu hướng phát triển công nghệ thông tin, nền tảng công nghệ mới cho các lực lượng chức năng đáp ứng yêu cầu, nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng, chống các đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử.
Thành phố tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để điều tra, xử lý đối với các tên miền, các website, mạng xã hội của đối tượng ở nước ngoài và đối tượng sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới để hoạt động thương mại điện tử vi phạm pháp luật nước Việt Nam.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh hiện dẫn đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử qua các năm 2017, 2018 và 2019. Trong những năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn đã có sự quan tâm đầu tư vào xây dựng trang web. Hiện trên địa bàn thành phố đã có hơn 13.500 trang web thương mại điện tử được Bộ Công Thương xác nhận thông báo, đăng ký.
Theo Sở Công Thương ghi nhận được, mạng xã hội từng bước trở thành kênh phân phối trực tuyến chuyên về hàng tiêu dùng bình dân. Mạng xã hội đang giúp các doanh nghiệp, người bán hàng trực tuyến… chuyển đổi hình thức bán hàng qua truyền hình, từ phát sóng một chiều sang phát sóng trực tuyến, có sự tương tác đa chiều giữa người bán và cộng đồng người mua.
Kết quả khảo sát trên địa bàn thành phố ở giai đoạn này cho thấy, người tiêu dùng mua sắm trên các kênh truyền hình và mạng xã hội có lượng giao dịch thanh toán bằng cách chuyển khoản qua các ngân hàng chiếm khoảng 17,6% số người mua hàng trực tuyến.
Đại diện Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết lượng truy cập Internet qua các phương tiện điện tử của người dân chiến khoảng 90%, nên họ không gặp khó khăn khi tìm kiếm hàng hóa, mua sắm theo nhu cầu trên kênh thương mại điện tử.

Nhiều người dân còn lựa chọn kênh thương mại điện tử là kênh chủ yếu để tham khảo thông tin hàng hóa, tiếp cận trực tiếp đơn vị sản xuất, đánh giá và so sánh giá cả.../.

H.Tuấn/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/mang-xa-hoi-giup-doanh-nghiep-chuyen-doi-hinh-thuc-ban-hang/178762.html