Mạng xã hội của Việt Nam: Nên làm từ đâu để thành công?

Cách chuyên gia đều cho rằng để một mạng xã hội của Việt Nam thành công, các mạng cần nghiên cứu, tập trung vào nhu cầu lớn nhất của người dùng, cố gắng đạt mục tiêu kinh tế của mạng xã hội trước.

Từ trái qua: ông Nguyễn Ngọc Long, ông Vũ Hoàng Liên, ông Nguyễn Minh Quý.

Từ đầu năm tới nay, hàng loạt các mạng xã hội “made in Vietnam” đã được ra mắt, mang lại nhiều lựa chọn mới cho người dùng Internet trong nước. Nhưng thực tế với hơn 400 mạng xã hội trong nước được cấp phép, người dùng khó gọi tên được đủ, thậm chí gọi được 10 cái tên trong số này.

Những mạng xã hội có số lượng người dùng lớn nhất lại là những mạng của nước ngoài. Để có thể tồn tại lâu dài và cạnh tranh tốt trên thị trường, mạng xã hội nội cần rất nhiều yếu tố.

BizLIVE đã phỏng vấn ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực Internet, truyền thông để có những góc nhìn đầy đủ về một thị trường dịch vụ trên không gian mạng.

Ông Nguyễn Ngọc Long, chuyên gia truyền thông mạng xã hội

Năm 2019 được coi là thiên thời, địa lợi, nhân hòa để các mạng xã hội Việt bùng nổ. Bởi đến thời điểm này lượng người dùng mạng xã hội đã gia tăng một cách đáng kể và đạt con số khổng lồ. Điều này cho thấy thị trường mạng xã hội ở Việt Nam đã đủ “chín” để làm mạng xã hội.

Hạ tầng internet, 3G, 4G của Việt Nam đã đáp ứng rất tốt nhu cầu của người sử dụng, lượng người dùng smartphone của Việt Nam cũng lên tới hàng chục triệu người. Đặc biệt là trình độ của đội ngũ lập trình mạng xã hội đã tăng lên rất nhiều. Việt Nam đã có những case (trường hợp) thành công về công nghệ khi làm mạng xã hội. Vì vậy, người Việt có thể tự tin rằng, mình làm được và vận hành mạng xã hội một cách trơn tru.

Thêm vào đó, cách nhìn nhận của người dùng đối với mạng xã hội Việt Nam cũng đã bình tĩnh và dễ dàng tiếp nhận hơn rất nhiều so với thời điểm trước.

Sau những vụ việc tiêu cực trên mạng xã hội, người dùng đã có thời gian trải nghiệm đủ dài để nhận thấy tính hai mặt của nó. Khi đó, họ có tâm lý nhìn nhận mạng xã hội Việt Nam là một cơ hội để tạo ra môi trường lành mạnh và trong sạch hơn. Tất nhiên, đây chỉ là một luồng ý kiến trong cộng đồng người dùng mạng xã hội nhưng ít nhất đã có những ý kiến ủng hộ việc làm mạng xã hội Việt Nam.

Ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam

Người đứng ra làm mạng xã hội họ có mục tiêu của họ. Phải thừa nhận mục tiêu kinh tế sẽ đứng đầu. Trong khi đó mọi người vẫn đang nhìn vào mục tiêu xã hội là có mạng xã hội của Việt Nam, đem lại vị thế cho quốc gia và giữ chủ quyền trên không gian mạng.

Nhưng không có hiệu quả kinh doanh thì không ai mang lại được những lợi ích xã hội.

Nếu nhìn nhận từ mục tiêu xã hội, thước đo của mục tiêu này có thể là mạng xã hội có nhiều người dùng. Nhiều người dùng cùng truy cập vào một MXH rộng thì khó còn dễ là huy động một nhóm người truy cập vào các MXH nhỏ. Tổng của các MXH nhỏ này vẫn đạt được mục tiêu số người dùng lớn. Vậy là các MXH sẽ không còn cần cạnh tranh trực tiếp với MXH lớn, việc quản trị cũng đơn giản hơn.

Khi các MXH nhỏ tạo ra cộng đồng, chia sẻ với nhau các giá trị thì chúng ta sẽ có một MXH lớn. Người dùng chỉ cần vào một MXH trong nước là có thể tiếp cận mọi thứ mình muốn.

Nếu các mạng trong nước chưa liên kết được với nhau thì quy mô của chúng ta sẽ mãi nhỏ như việc “buôn thúng bán mẹt”.

Ông Nguyễn Minh Quý – CEO Novaon

Mạng xã hội muốn thành công trước tiên phải tập trung vào 1 nhu cầu lõi rất quan trọng với người dùng. Ví dụ, Facebook tập trung vào nhu cầu kết nối bạn bè, Linkedin tập trung vào nhu cầu kết nối cơ hội nghề nghiệp, Instagram tập trung nhu cầu chia sẻ ảnh, Youtube tập trung vào chia sẻ video...

Khi mạng xã hội thu hút được 1 lượng người dùng đủ lớn trên 10 triệu, hiệu ứng mạng sẽ xuất hiện khiến nó có tính lan tỏa và tự thu hút người dùng rất mạnh mẽ, khả năng thành công sẽ ngày càng cao.

Các mạng xã hội lớn (có số người dùng từ 10 triệu trở lên) đều có thể trở thành kênh tiếp thị trực tuyến cho các thương hiệu.

Nhờ tính lan truyền mạnh, tính tương tác cao, khả năng nhắm chọn chính xác khách hàng và nhu cầu, quảng cáo trên mạng xã hội liên tục bùng nổ trong những năm qua.

Còn với ngành thương mại điện tử, doanh thu của thương mại điện tử trên mạng xã hội chiếm khoảng 1/3 toàn ngành trong năm 2018, xấp xỉ 900 triệu USD.

Nếu các mạng xã hội, có thêm các tính năng hỗ trợ giao dịch, hỗ trợ thanh toán... thì chắc chắn tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử trên mạng xã hội sẽ còn lớn hơn nhiều.

VIỆT KHÔI - HẠ AN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/mang-xa-hoi-cua-viet-nam-nen-lam-tu-dau-de-thanh-cong-3521342.html