Mang thai dù đi, đứng, ngồi, nằm mẹ bầu đều phải chú ý để mẹ thoải mái, thai nhi an toàn

Bên cạnh chế độ ăn uống, luyện tập, thói quen sinh hoạt của bà bầu cũng cần phải được để ý trong thai kỳ. Đặc biệt là chuyện đi đứng, ngủ nghỉ trong suốt quá trình mang thai.

Việc đi đứng hay ngồi nằm không chuẩn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi hoặc làm các chị em bầu thêm phần khó chịu. Vì thế, khi mang thai mẹ nên chú ý các tư thế đi đứng ngồi nằm chuẩn nhất để đảo bảo sức khỏe cho mẹ và an toàn cho bé.

Tư thế đi lại

Cong lưng, ưỡn bụng, tay chống sau hông là cách để thể hiện sự nặng nề, mệt nhọc của phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, các tư thế này hoàn toàn không tốt chút nào đâu nhé vì dễ mệt và lại che khuất tầm nhìn nếu bụng bầu của bạn đã khá to. Thay vào đó, bạn cần đi thẳng lưng, ngẩng cao đầu, khép chặt mông sao cho lòng bàn chân tiếp bằng phẳng với mặt đất. Lưu ý mẹ nên mang giày vừa chân, đế bằng và thấp, có độ ma sát cao để chống trượt.

Khi lên xuống cầu thang, hoặc bước lên những chỗ cao, mẹ bầu nên tận dụng tay vịn để tránh rủi ro té ngã. Nếu mẹ có thói quen đi bộ để rèn luyện sức khỏe trong thai kỳ, nêu lưu ý tập luyện vừa phải, dừng lại nghỉ ngơi khoảng 5-10 phút ngay khi cảm thấy quá mệt. Khâu chọn giày dép tập luyện mẹ cũng cần lưu ý, nên chọn loại đế thấp, to bản, thông thoáng.

Tư thế ngồi

Không nên ngồi bắt chéo chân: Thói quen thường gặp của rất nhiều bà bầu công sở, ngồi bắt chéo chân sẽ làm hông xoắn lại, gây áp lực lên xương chậu cũng như phần xương ở cổ, lưng giữa và lưng dưới. Bên cạnh đó, ngồi bắt chéo chân còn là nguyên nhân khiến tình trạng suy giãn tĩnh mạch khi mang thai trở nên nghiêm trọng hơn.

Không nên ngồi nghiêng người về phía trước: Không chỉ ảnh hưởng đến mẹ mà tư thế ngồi này còn tạo áp lực lên thai nhi, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của bé.

Nên tìm chỗ tựa: Cách ngồi này sẽ làm gia tăng áp lực lên các cơ ở lưng, khiến tình trạng đau lưng khi mang thai trở nên nghiêm trọng hơn. Bầu nên tránh những loại ghế không có tựa lưng, ghế đẩu.

Không ngồi buông thõng vai: Vừa chịu áp lực từ thai nhi, vừa chịu áp lực từ trọng lượng cơ thể, ngồi ở tư thế buông thõng vai sẽ khiến cột sống của mẹ bầu phải làm việc “quá tải”. Thôi ngay thói quen này nếu không muốn bị đau lưng nhiều hơn, bầu nhé!

Không nên nửa nằm nửa ngồi: Đây là tư thế thường gặp và có vẻ thoải mái nhất cho các mẹ bầu khi ở trên giường. Tuy nhiên, tư thế ngồi khi mang thai này sẽ gây áp lực rất lớn lên cột sống của mẹ bầu.

Theo khuyến cáo, tư thế ngồi chuẩn nhất là giữ thẳng cổ, người không chúi về phía trước, vai thả lỏng, chân tạo thành một góc 90 độ với mặt đất, mông chạm vào lưng ghế. Chú ý, khi chuyển từ tư thế đứng sang ngồi, nên chuyển từ từ, đừng quá nhanh và đột ngột. Đặc biệt, trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3, khi bụng đã quá lớn, bầu nên dùng một tay đỡ bụng trước khi ngồi. Từ từ dựa lưng vào ghế, hai chân song song nhau.

Mách nhỏ cho mẹ: Khi chọn ghế ngồi, bầu nên ưu tiên loại ghế cao khoảng 40cm sao cho bầu có thể chạm bàn chân xuống sàn. Không nên chọn ghế quá cao vì sẽ khiến mẹ bầu mất thăng bằng, dễ té ngã. Ngoài ra, bầu cũng không nên ngồi một chỗ quá lâu, nên thường xuyên đứng lên đi lại để tăng khả năng tuần hoàn máu của cơ thể.

Tư thế nằm ngủ cho bà bầu

3 tháng đầu mang thai, mẹ bầu có thể nằm ngửa, chân gác lên gối ôm, toàn thân thả lỏng. Tuy nhiên, tư thế này lại cấm kỵ vào 3 tháng cuối, bởi nằm ngửa rất dễ làm tử cung đè lên động mạch chủ sau tử cung, giảm rõ rệt lượng máu và dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi thời kỳ quan trọng này. Do đó, khi bước sang tam cá nguyệt thứ 2, mẹ bầu nên chọn tư thế nằm nghiêng, vừa giải tỏa bớt mệt mỏi, vừa làm giảm căng cơ và đồng thời tránh cho phần bụng lớn đè lên mạch máu chính.

Xem thêm: Những thực phẩm phụ nữ có thai cần tránh

Nếu băn khoăn nên nằm nghiêng hay trái, mẹ có thể yên tâm là bên nào cũng được, miễn bạn cảm thấy thoải mái, nhưng dĩ nhiên vẫn phải ưu tiên bên trái hơn. Thường xuyên nằm nghiêng bên phải có thể làm căng niêm mạc tử cung, kéo dãn mạch máu, ảnh hưởng đến quá trình cung cấp ô-xy cho thai nhi. Mẹ bầu có thể kê chiếc gối nhỏ hay tấm chăn mỏng để đỡ phần bụng khi nằm nghiêng.

Lưu ý: Hai chân hơi co khi nằm, tuyệt đối tránh kiểu nằm nghiêng co lưng hay còn lại là lưng tôm.

Đồng thời, vào những tháng cuối thai kỳ, bụng mẹ đã khá to nên mẹ không thể nhìn thấy được phần chân của mình, điều này rất nguy hiểm trong việc di chuyển, do đó, mẹ cần đặt chân lên những mặt phẳng chắc chắn rồi mới di chuyển. Tốt hơn, mẹ nên bám hoặc vịn vào tay vịn khi di chuyển hoặc lên, xuống cầu thang và trên hết, mẹ bầu đừng đứng hoặc ngồi quá lâu.

Mang thai sẽ có rất nhiều điều mẹ bầu cần phải lưu ý để cả mẹ và thai nhi đều được thoải mái. Do đó mẹ hãy tìm hiểu mọi thứ thật kĩ càng nhé. Chúc mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh!

Ảnh: Internet

Thủy Nguyễn

Theo: Thể thao văn hóa

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus.vn/nuoi-con/ba-bau/mang-thai-du-di-dung-ngoi-nam-me-bau-deu-phai-chu-y-de-me-thoai-mai-thai-nhi-an-toan-23159.html