Mảng sáng trong bức tranh vận tải biển

Báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 đã chỉ ra, các nhiều doanh nghiệp có đầu tư mua mới các loại tàu chở hàng container, hàng lỏng, hóa chất, đa số những trường hợp này khá thành công và có lãi. Trong khi đó, doanh nghiệp hoạt động trong mảng vận chuyển hàng rời vẫn khó khăn.

Doanh thu dự kiến của Công ty CP Âu Lạc (ASC) kinh doanh vận tải dầu khí, đầu năm 2018 là 850 tỷ đồng, lãi sau thuế 64 tỷ đồng, trả cổ tức với tỷ lệ 8%. Năm 2017, doanh thu của Âu Lạc là 814 tỷ đồng, lãi sau thuế 114,3 tỷ đồng.

Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans – PVT) công bố báo cáo tài chính quý 2/2018 với số lãi sau thuế tăng đột biến gấp 3,6 lần so với cùng kỳ, lợi nhuận hợp nhất đến quý II năm 2018 là 181.5 tỷ đồng. Tính riêng quý 2 doanh thu thuần đạt 1.999 tỷ đồng, trong đó doanh thu cung cấp dịch vụ đạt 1.156 tỷ đồng, đóng góp 58% vào tổng doanh thu, mảng này cũng mang lại 157 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Còn lại là doanh thu và lãi gộp đến từ mảng bán hàng.

Công ty cổ phần vận tải xăng dầu VIPCO trong báo cáo hợp nhất quý 2 năm 2018 có kết quả kinh doanh lãi hơn 56 tỷ đồng. Đơn vị này là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải và kho bãi xăng dầu trực thuộc Petrolimex nên việc dành các đơn hàng vận tải xăng dầu của doanh nghiệp này là tất yếu.

Công ty vận tải xăng dầu VItaco, một đơn vị khác trực thuộc Petrolimex cũng có kết quả kinh doanh khá tốt. Lợi nhuận quý II năm 2018 của doanh nghiệp đạt hơn 52,4 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Vinafco, mảng vận tải tàu container và dịch vụ logistics có lợi nhuận hơn 42 tỷ trong kỳ báo cáo tài chính hợp nhất quý II năm 2018, tăng hơn 13,77 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng quý II năm 2018 lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đã tăng 11,46 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận tăng do sản xuất kinh doanh hiệu quả, chi phí tài chính giảm.

Công ty cổ phần MHC lợi nhuận đạt 13,8 tỷ đồng trong báo cáo kinh doanh quý 2 năm 2018. Hoạt động trong lĩnh vực kho bãi và vận tải đa phương thức, trong đó mảng vận tải đa phương thức chiếm tỷ trọng chủ yếu trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp này có tàu vận tải container.

Công ty cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An (HAH) kinh doanh tàu container vận tải nội địa. Tuy có giảm lợi nhuận so với quý I năm 2018 song, quý II này doanh nghiệp vẫn đạt mức lợi nhuận hơn 41,9 tỷ đồng. Doanh nghiệp này được thành lập bởi 5 thành viên sáng lập là Công ty cổ phần Hàng Hải Hà Nội (MHC - HOSE), Công ty cổ phần Cung ứng và Dịch vụ kỹ thuật Hàng Hải (MAC - HNX), Công ty cổ phần Hải Minh (HMH - HNX), Công ty cổ phần Đóng tàu Hải An, Công ty cổ phần Đầu tư và Vận tải Hải Hà với số vốn điều lệ 150 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn một số các doanh nghiệp vận tải kinh doanh mảng tàu dầu, khí hóa lỏng và hóa chất như Công ty CP VTB Khai Nguyên, Công ty CP Vận tải dầu khí Mê Kông, Công ty CP Vận tải biển Trường Phát Lộc… và container như Công ty CP Nhật Việt (Viet Sun), Công ty TNHH SAGO Lines… chưa lên sàn nên thông tin còn chưa đầy đủ. Nhưng họ có đầu tư khá nhiều tàu và đang kinh doanh khá tốt.

Một điểm đáng chú ý là hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng lỏng và container này là hầu hết thuộc thành phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Việc tự kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về đồng vốn của chính mình hay của các nhà đầu tư nhiều hiểu biết nên họ phải quản lý chặt chẽ đồng vốn khi kinh doanh, nếu để thua lỗ chắc chắn sẽ phá sản.

Có điều không vui là nhiều doanh nghiệp mới lên sàn, mới đầu tư mới, làm ăn hiệu quả thể hiện ở kết quả kinh doanh.

Tuy nhiên, với mức lợi nhuận khoảng mấy chục tỷ, thậm chí trăm tỷ đem so với việc thua lỗ hàng nhiều trăm tỷ hay ngàn tỷ đồng mỗi năm của các doanh nghiệp vận tải biển khác thì các mảng sáng này khá nhỏ nhoi.

Khi nói về vận tải biển Việt Nam, người ta hay nói về vận tải hàng rời, bởi số lượng tàu vận tải hàng rời chiếm đến hơn khoảng 80% trong số hơn 3.000 tàu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang hoạt động cả ở thị trường quốc tế và trong nước. Mảng vận tải hàng rời vẫn luôn gặp nhiều khó khăn, thua lỗ kéo dài hàng chục năm qua, nhất là những doanh nghiệp có yếu tố quốc doanh hay các doanh nghiệp cổ phần nhưng số lượng vốn góp của nhà nước chiếm tỷ lệ áp đảo.

LA QUANG TRÍ

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/mang-sang-trong-buc-tranh-van-tai-bien-10735.html