Mảng sáng, tối bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp dầu khí 6 tháng đầu năm

Giá dầu liên tục phục hồi và vượt đỉnh cùng với đó là sự tăng trưởng tích cực của ngành khai thác dầu khí. Tuy nhiên, doanh nghiệp ngành dầu khí vẫn có những kết quả kinh doanh trái ngược trong quý II cũng như 6 tháng đầu năm 2018.

Kết quả kinh doanh quý II doanh nghiệp ngành dầu khí

Những khoản lãi lớn lên đến nghìn tỷ

Điển hình là Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (mã GAS) với doanh thu trong quý II ghi nhận 20.028 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn chỉ tăng 15,6% lên 15.254 tỷ đồng giúp biên lợi nhuận gộp tăng từ 19,2% lên 23,8%. Lãi gộp tăng 52,7% lên mức 4.474 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí phát sinh trong kỳ, kết quả quý II, GAS thu về 3.207 tỷ đồng lãi sau thuế thuế tăng 71,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 6 tháng đầu năm, GAS tạo ra 38.191 tỷ đồng doanh thu và 5.872 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 17,9% và 42,9% so với nửa đầu năm 2017. Như vậy, với mục tiêu đạt 55.726 tỷ đồng doanh thu và 6.429 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, quy 6 tháng, GAS đã hoàn thành 69% chỉ tiêu doanh thu và 91% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tiếp sau đó là CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) cũng đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu thuần quý II của BSR đạt 32.901 tỷ đồng, lãi sau thuế thu về 2.211 tỷ đồng, lần lượt tăng 86,7% và 25,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 6 tháng đầu năm, BSR ghi nhận 55.875 tỷ đồng doanh thu, tăng 44,6% trong khi lợi nhuận sau thuế lại giảm nhẹ 6,6% so với nửa đầu năm 2017.

Doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất ngành dầu khí trong quý II là Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (mã PVT) với mức tăng 271%. Cụ thể trong kỳ, PVT tạo ra 1.999 tỷ đồng doanh thu thuần, chỉ tăng hơn 46% so với cùng kỳ tuy nhiên nhờ tiết giảm được chi phí phát sinh cùng với khoản lãi khác tăng đột biến hơn 69 tỷ đồng giúp lãi sau thuế tăng gần 4 lần lên mức 230 tỷ đồng.

Tính chung 6 tháng đầu năm, PVT ghi nhận 3.881 tỷ đồng doanh thu thuần và 380 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 28,5% và 101,1% so với nửa đầu năm ngoái. Như vậy, chỉ trong 6 tháng PVT đã hoàn thành vượt mức 84,8% kế hoạch doanh thu và 2,2% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trong khi đó, CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (mã PVB) là doanh nghiệp có mức tăng trưởng doanh thu trong quý cao nhất ngành dầu khí. Quý II, doanh thu thuần của PVB đạt 68 tỷ đồng, tăng đột biến 353,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên khoản lợi nhuận khác lại giảm mạnh khiến lãi sau thuế quý II của PVB chỉ còn tăng với mức 50% so với cùng kỳ, đạt 9 tỷ đồng.

Sau 6 tháng, PVB tạo ra 136 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 2,2 lần đồng thời lợi nhuận sau thuế cũng tăng 67,5 lần so với nửa đầu năm 2017 lên mức 27 tỷ đồng. Với kết quả này, PVB đã hoàn thành 47% chỉ tiêu doanh thu và gần cán đích lợi nhuận cả năm 2018.

Doanh nghiệp có lợi nhuận thụt lùi

Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí lại có lợi nhuận thụt lùi so với cùng kỳ năm ngoái

Đáng chú ý phải kể đến “ông lớn” Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã PVS). Quý II/2018, PVS ghi nhận doanh thu thuần đạt mức 4.301 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn hàng bán tăng 5% khiến lãi gộp của Công ty giảm mạnh 84% so với cùng kỳ, đạt 63 tỷ đồng. Mặc dù chi phí giảm nhưng sự lao dốc quá lớn của lãi gộp khiến lợi nhuận sau thuế quý 2/2018 của PVS giảm 93,7% so với cùng kỳ, đạt 23 tỷ đồng.

Theo PVS, kết quả lợi nhuận trong kỳ sụt giảm mạnh là nhiều nguyên do. Cụ thể, hoạt động khảo sát địa vật lý ghi lỗ do ảnh hưởng của tình hình thị trường khảo sát toàn cầu. Kết quả kinh doanh của dịch vụ cơ khí dầu khí, dịch vụ lắp đặt, vận hàng và bảo dưỡng công trình dầu khí biển trong quý II/2018 giảm so với cùng kỳ.

Mặt khác, lợi nhuận từ các Công ty liên doanh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tàu chứa và xử lý dầu thô trong quý cũng giảm so với cùng kỳ do áp dụng đơn giá thuê thấp hơn tương ứng với từng năm thuê theo quy định của hợp đồng thuê dài hạn.

Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, PVS ghi nhận doanh thu thuần và lãi trước thuế đạt 7.629 tỷ đồng và 342 tỷ đồng. ĐHĐCĐ thường niên hồi cuối tháng 5/2018 đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2018 đạt 700 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, PVS đã thực hiện được gần 49% kế hoạch lợi nhuận.

Tuy nhiên, Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí-CTCP (mã PVC) mới là doanh nghiệp có mức giảm lợi nhuận lớn nhất ngành dầu khí trong quý II vừa qua. Cụ thể, Doanh thu trong kỳ của PVC chỉ đạt 575 tỷ đồng, tương đương với 53,3% cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, chi phí trong kỳ không giảm tương ứng đồng thời gánh thêm khoản lỗ khác hơn 5 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái PVC lãi khác gần 4 tỷ đồng) khiến lợi nhuận sau thuế của PVC tụt thảm hại tới 96,7% so với cùng kỳ xuống còn chưa đến 1 tỷ đồng.

Sau 6 tháng, doanh thu thuần PVC tạo ra cũng chỉ ở mức 1.090 tỷ đồng, giảm 33,7% so với cùng kỳ đồng thời khoản lỗ tiếp tục bị đào sâu lên mức gần 15 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái, PVC vẫn còn báo lãi sau thuế hơn 9 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp ngành dầu khí khác cũng đạt được sự tăng trưởng về doanh thu là CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (mã PXS) với mức tăng 28,8% so với cùng kỳ. Đồng thời trong kỳ, PXS cũng thu hẹp được khoản lỗ ròng xuống còn 26 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng, PXS vẫn lãi ròng gần 14 tỷ đồng tuy nhiên con số này chỉ bằng 2/5 lần so với lãi nửa đầu năm ngoái.

Trong số các doanh nghiệp nhóm ngành dầu khí có Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã PVD) là vừa lỗ tuyệt đối lại vừa tăng trưởng lợi nhuận âm.

Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ vẫn đạt 1.619 tỷ đồng, tăng tới 71,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên giá vốn hàng bán chiếm tới gần 97% trong doanh thu thuần nên lãi gộp chỉ còn hơn 50 tỷ đồng giảm gần 30% so với quý II/2017. Sau khi trừ chi phí phát sinh, PVD báo lỗ quý II gần 79 tỷ đồng trong khi cùng kỳ cũng lỗ hơn 59 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía PVD nguyên nhân thua lỗ trong quý 2/2018 là do công ty phát sinh chi phí thuế nhà thầu tạm nộp khi giàn khoan hoạt động tại Malaysia (sẽ hoàn thuế sau khi quyết toán năm). Ngoài ra trong kỳ công ty tăng chi phí bảo trì bảo dưỡng giàn khoan do có giàn khoan PV DRILLING II thực hiện công tác bảo trì định kỳ. Chi phí tài chính tăng mạnh chủ yếu do ghi nhận dự phòng lỗ đầu tư PVD Overseas khi giàn hoạt động dưới giá vốn và do biến động tăng tỷ giá.

Với cả 2 quý kinh doanh thua lỗ nên lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, PVD lỗ ròng gần 322 tỷ đồng cao hơn khoản lỗ 280 tỷ đồng của nửa đầu năm 2017, tuy nhiên doanh thu thuần được cải thiện đáng kể tới 2.726 tỷ đồng tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ 2017.

Được biết năm 2018, PVD dự kiến doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng, đồng thời đặt mục tiêu không lỗ trong năm 2018. Như vậy, nhiệm vụ kinh doanh của nửa năm còn lại để giúp PVD thoát lỗ cả năm 2018 là khó khả thi khi mà nửa đầu năm đã thua lỗ tới 322 tỷ đồng.

THANH HÀ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/mang-sang-toi-buc-tranh-loi-nhuan-doanh-nghiep-dau-khi-6-thang-dau-nam-3463382.html