Mang sách đến với người Việt tại Pháp

Sau khi đến sân bay Charles de Gaulle (CDG) vào sáng 1-2-2019, chúng tôi thuê một ô tô thẳng xuống Strasbourg - cách Paris hơn 500km, để chuẩn bị cho việc NXB Trẻ và tác giả gặp gỡ kiều bào, giới thiệu quyển Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian vào sáng 2-2.

Gặp gỡ tại Strasbourg

Nơi tổ chức cuộc gặp gỡ nằm trong Khoa Kinh tế và Quản lý của Đại học Strasbourg - một trong những trường đại học lớn ở Pháp. Tuy cuộc giới thiệu sách được tổ chức vào sáng thứ bảy nhưng trong phòng đã có hơn 30 kiều bào đến tham dự. Nếu bạn đọc nào đã từng tham quan Pháp, chắc sẽ biết việc tìm được một chỗ đậu xe mệt mỏi như thế nào.

Để đến tham dự sự kiện này, các độc giả kiều bào đã phải đi thật sớm để có thể tìm được chỗ trống đậu xe, cũng như chuyển nhiều chuyến tàu điện ngầm (metro) nếu ở xa. Nói điều này để thấy rằng, những kiều bào tham dự cuộc giới thiệu sách của NXB Trẻ đều yêu sách Việt biết chừng nào…

Những kiều bào tham dự cuộc gặp mặt thân tình đều là những người đã sống và làm việc tại Strasbourg. Như PGS-TS Phạm Thị Kim Cương, TS Nguyễn Văn Phước, TS Trần Lai… Như một số người trẻ: Hoàng, Tuân, Vân, Thúy… Và có cả người đã về hưu như vợ chồng anh Hiệp. Dù là người không có thư mời, nhưng khi nghe có buổi giới thiệu sách, anh chị Hiệp đã đi 4 chặng metro đến để gặp “người quen” mà anh đã đọc báo từ khi còn ở Sài Gòn.

Trước khi vào buổi làm việc chính thức, tôi có dịp trả lời những câu hỏi của anh về những khung cảnh cũ của Sài Gòn, trường Cao Thắng ngày xưa của anh. Nếu không đến giờ làm việc, chắc tôi phải “khâu” lại dùm cho anh Hiệp rất nhiều mảnh thời gian…

 Tác giả Lê Văn Nghĩa ký tặng độc giả tại hội chợ tết người Việt Paris

Tác giả Lê Văn Nghĩa ký tặng độc giả tại hội chợ tết người Việt Paris

Tại sao “khâu lại mảnh thời gian” chính là câu trả lời của tôi khi mở đầu cuộc giới thiệu sách. Tôi nói sơ về nội dung và trả lời một số câu hỏi xung quanh hoàn cảnh ra đời và điều tôi muốn gửi gắm vào những tùy bút trong sách.

Sau đó, chị Nguyễn Nhi - người trong ban tổ chức cuộc trao đổi - đọc một trích đoạn ngắn của bài Em Sài Gòn Solex Áo dài rồi thắc mắc “Ông cái mê là gì?”.

Tôi nhường cho anh Minh Nhựt trả lời câu nói lái này. Không khí vì vậy mà trở nên vui tươi và gần gũi. Rồi từ những câu chuyện về sách Việt, những người tham gia cuộc họp lại bàn về cách làm thế nào để kiều bào tại Strasbourg có thể có nhiều sách Việt để đọc hơn, NXB Trẻ sẽ có “sứ mạng” đưa sách qua đây như thế nào, rồi còn sẽ đưa tác giả nào qua gặp bạn đọc nữa?

Cuối buổi giới thiệu sách, bạn đọc đã mua nhiều tựa sách của các tác giả: Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Lê Văn Nghĩa... do NXB Trẻ đem qua.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, đại diện NXB Trẻ, cam kết, hàng năm sau khi tham dự hội chợ sách quốc tế tại Frankfurt sẽ tổ chức buổi giới thiệu và bán sách tại Strasbourg dành riêng cho kiều bào như hôm nay. Riêng tôi, thật là vui khi gặp được cô gái tên Hoàng, một cựu học sinh Lê Hồng Phong xin chữ ký vào quyển Mùa hè năm Petrus để nhớ về những năm tháng của đời học sinh tại ngôi trường này…

Sách Trẻ tại hội chợ tết người Việt Paris

Sau buổi ra mắt sách tại Strasbourg, chúng tôi lại lái xe về Paris để có mặt vào lễ hội Tết Việt do Hội Người Việt tại Pháp (UGVF) tổ chức vào chiều 9-2 (mùng 5 tết). Đây là một lễ hội được UGVF tổ chức hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Trước đây, lễ hội Tết Việt được tổ chức tại Unesco, nhưng trong khoảng 6 năm nay, được dời về Pavillon Baltard.

Trên những ngõ đường vào Pavillon Baltard đông nghịt những chiếc xe đậu dài trên lề đường, tìm được một chỗ đậu xe quả là mướt mồ hôi trong một buổi chiều lạnh tại Paris. Tuy nhiên, chúng tôi không cần phải tìm đường đi, mà chỉ cần nhìn những tà áo dài phất phới là đến ngay địa điểm tổ chức. Đặc biệt là, đôi lúc những chiếc áo dài này được mặc bởi một cô gái nhìn rất là Pháp mà lại nói tiếng Việt khá sỏi - dĩ nhiên là cách phát âm nghe như người Pháp nói tiếng Việt trong các phim thường chiếu trên đài truyền hình.

Chương trình hội tết là chương trình văn nghệ do con em người Việt tại Pháp biểu diễn, có cả tiết mục biểu diễn võ cổ truyền, lì xì, múa lân trên sân khấu. Xung quanh hội trường là những gian hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, nhưng được người tham gia lễ hội tết chiếu cố đông nhất là những gian hàng ăn uống với những món ăn truyền thống ngày tết - tất nhiên vì chương trình lễ hội tết kéo dài từ chiều cho đến đêm nên muốn tiếp tục chơi thì phải ăn thôi…

Điều đặc biệt và mới lạ cho lễ hội tết năm nay là có một gian hàng giới thiệu sách đến từ TPHCM. Với chủ đề “Mang sách Việt cho người Việt”, NXB Trẻ là NXB đầu tiên của Việt Nam mang trực tiếp sản phẩm của mình đến hội chợ giới thiệu cho người Việt tại Pháp tham dự trong lễ hội tết. Ngoài những tác phẩm của một số tác giả, NXB Trẻ còn mang đến một tác giả không còn trẻ nữa, giới thiệu tác phẩm Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian.

Sau khi tham dự buổi văn nghệ tại hội trường lớn, khách nhẩn nha tham quan các gian hàng xung quanh và gian hàng NXB Trẻ đã gây sự chú ý với 2 băng-rôn có hình những quyển sách và câu khẩu hiệu “NXB Trẻ - Mang sách Việt cho người Việt”.

Một bác gái đầu bạc nằng nặc đòi mua cho bằng được quyển Hương quê của nhà văn Bình Nguyên Lộc làm cho cô giới thiệu sách Nguyễn Nhi khó xử, vì sách này cô đã mua. Nhưng sau cùng, cô đành phải bán vì bạn đọc là trước hết.

Một cô gái tóc vàng hoe, mặc áo dài nói tiếng Việt theo giọng tây, nằng nặc bắt một ông cụ mua quyển sách này, quyển sách kia.

Ông cụ hỏi: “Có sách gì vui không?”, bạn Thanh Hằng, một kiều bào trong Nhóm Café Sách Robooksta tại Paris, liền bán cho ông 2 quyển Nỗi buồn đàn ông và Nếu Adam không có xương sườn.

Khi tôi ký tên vào 2 quyển sách, ông hỏi vui: “Không biết nỗi buồn đàn ông bên Pháp và bên Việt Nam có giống nhau không?”.

Tôi trả lời: “Vào tuổi của ông và tôi thì đàn ông trên khắp thế giới đều có nỗi buồn như nhau”. “Ô là la, vậy là tôi phải về xem ngay”. Tiếp sau là 2 vị khách có hình thức ngược lại với 2 vị khách vừa rồi. Một cậu con trai, nhìn gương mặt đích thị không phải là người Việt nhưng lại nói tiếng Việt khá sõi.

Cậu nói gì đó với mẹ - một người phụ nữ Việt trên 70 tuổi, có gương mặt phúc hậu, rồi sau đó hỏi bạn Hảo, một kiều bào trẻ, thành viên của nhóm cà phê sách: “Mẹ tôi là nữ sinh trường Gia Long, có quyển sách nào nói về học sinh trường đó không?”.

Thế là Nguyễn Nhi giới thiệu ngay 2 quyển Sài Gòn - dòng sông tuổi thơ, Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian và còn giới thiệu tác giả để lấy chữ ký nữa.

Rồi có những bạn trẻ đến mua quyển Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Nguyễn Nhi hỏi: “Các bạn có thích gặp tác giả Nguyễn Nhật Ánh không? Hy vọng, hội chợ tết năm sau chúng tôi sẽ mời tác giả này gặp gỡ bạn đọc và ký tên tặng sách”.

Sau buổi giới thiệu và bán sách, ông Nguyễn Minh Nhựt đã gặp và trao đổi với ông Ngô Kim Hùng, Chủ tịch Hội Người Việt tại Pháp, về cách quảng bá sách cho cộng đồng người Việt tại đây và sau đó trao tặng một tủ sách của NXB trị giá 1.000 EUR.

Ông Ngô Kim Hùng đã bày tỏ lòng cảm ơn NXB Trẻ và tác giả Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian đã dành thời gian quý báu trong dịp Tết Nguyên đán, chi phí khá tốn kém để mang sách đến cho cộng đồng người Việt tận Paris.

Sau khi kết thúc hội chợ, ông Nguyễn Minh Nhựt đã viết một dòng trạng thái vui trên Facebook của mình: “Lụm bạc cắc nhưng vui như Tết. Trong khuôn khổ hoạt động ngày Tết Việt của Hội Người Việt Nam tại Pháp (UGVF), NXB Trẻ và tác giả Lê Văn Nghĩa tổ chức giới thiệu sách của tác giả Lê Văn Nghĩa và các tác giả khác”.

“Năm nay, nhờ sự giúp đỡ của em Nguyễn Nhi, các em trong Nhóm Café Sách Robooksta (Diệp, Dương, Hảo), chúng tôi đã tham gia sự kiện quan trọng này của cộng đồng người Việt tại Paris. Giá bán trung bình gấp 3 giá bìa trong nước do phí vận chuyển và các khoản khác. Nhưng từng đồng Eur thu vào khi bán sách, dù chỉ là bạc cắc nhưng lòng tôi vui như mở hội và tôi nghĩ anh Hai Nghĩa cũng vui như tôi. Trên đời, có chuyện gì mà không có bước đầu tiên. Dù còn muôn vàn khó khăn phía trước nhưng NXB Trẻ của chúng tôi quyết tâm dò dẫm, đi từng bước ra bên ngoài, đem từng đồng bạc cắc về nhà. Hy vọng mọi người chia sẻ và ủng hộ”.

Tôi biết, bạc cắc là cách nói vui của ông Nguyễn Minh Nhựt, vì trong tim ông còn muốn làm cái gì đó lớn hơn là bán sách: Đưa sách của NXB Trẻ vượt qua khỏi biên giới Việt Nam đến với nhiều nước đang có cộng đồng người Việt sinh sống mà hội chợ tết người Việt tại Paris chỉ là bước khởi đầu. Và chẳng có bước khởi đầu nào lại chẳng đi từng bước chân âm thầm, nhỏ nhoi và khó nhọc…

LÊ VĂN NGHĨA

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/mang-sach-den-voi-nguoi-viet-tai-phap-576099.html