Mạng lưới giao thông TP. Hồ Chí Minh sẽ thông suốt

Thành phố phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên cơ sở là một quy hoạch chung, thống nhất có phân công, phân cấp và hợp tác; có kết nối vùng, liên vùng và địa phương; có liên kết giữa các phương thức vận tải, sẽ tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt, thuận tiện...

 Hệ thống cầu vượt tại nút giao Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. (Báo SGGP)

Hệ thống cầu vượt tại nút giao Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. (Báo SGGP)

UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020 - 2030.

Theo đó, Thành phố đề ra các giải pháp mang tính đột phá và xây dựng lộ trình phù hợp nhằm triển khai đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, tính kết nối cao, từ đó giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo cảnh quan môi trường đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân của Thành phố, và phải gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Đồng thời, Thành phố phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên cơ sở là một quy hoạch chung, thống nhất có phân công, phân cấp và hợp tác; có kết nối vùng, liên vùng và địa phương; có liên kết giữa các phương thức vận tải, sẽ tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt, thuận tiện và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Việc phát triển giao thông vận tải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng TP. Hồ Chí Minh, quy hoạch phát triển giao thông vận tải cũng như chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải quốc gia và của các địa phương có liên quan. Phát triển giao thông vận tải phải gắn liền với địa lý của vùng để đảm bảo giao thông thuận tiện giữa TP Hồ Chí Minh với các đô thị vệ tinh trong khu vực, với cả nước và quốc tế.

Đề án cũng nêu rõ, phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, bền vững, hiện đại đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Chú trọng bảo trì để khai thác triệt để năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, đầu tư có trọng điểm các công trình quan trọng bức thiết mang tính đột phá đóng vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng vận tải, chú trọng vào giao thông vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, quan tâm đầu tư phát triển vận tải đường thủy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức và logistics.

Về kinh phí thực hiện Đề án từ ngân sách Nhà nước dự kiến đầu tư các dự án chuyển tiếp thuộc Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020 và các dự án trọng điểm, cấp bách ngành Giao thông vận tải.

Các nguồn vốn khác (vốn đầu tư từ Trung ương, vốn vay ODA, đầu tư theo hình thức đối tác công tư, vốn doanh nghiệp...) dự kiến đầu tư các dự án đường bộ gồm: Vành đai 3, 4, các dự án cao tốc, cầu Cát Lái, cầu Cần Giờ...; các dự án đường sắt đô thị, BRT; các cảng đường thủy nội địa và cảng cạn; cải tạo, mở rộng và xây mới các bến xe liên tỉnh, bến xe hàng và bến hàng hóa…

Thành phố khuyến khích nguồn kinh phí huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan đã được phê duyệt và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ.

Để đảm bảo đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có tính kết nối đồng bộ, sử dụng nguồn lực ngân sách đầu tư có hiệu quả cao, trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí để xác định mức độ ưu tiên đầu tư đối với các dự án ngành Giao thông (quy hoạch, mô phỏng dự báo tình hình giao thông,...), Sở Giao thông Vận tải TP căn cứ vào danh mục dự án theo thứ tự ưu tiên trong giai đoạn 2021 - 2030 để tham mưu lập và trình UBNDthành phố chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc phạm vi TP. Hồ Chí Minh quản lý.

V.Lê

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/mang-luoi-giao-thong-tp-ho-chi-minh-se-thong-suot-572354.html