Mạng lưới buýt kết nối với đường sắt Cát Linh- Hà Đông đã sẵn sàng

Dọc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, thành phố đã bố trí thêm nhiều điểm dừng xe buýt đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại của hành khách.

Sở GTVT Hà Nội đang tổ chức kết nối giao thông giữa các tuyến buýt với tuyến sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông để chuẩn bị khi dự án này được Bộ GTVT bàn giao về Hà Nội quản lý và khai thác.

Nhằm xây dựng phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký văn bản giao Sở GTVT Hà Nội chủ trì triển khai phương án, chủ động điều hành, điều chỉnh phương án linh hoạt, đảm bảo an ninh trật tự, ATGT thuận lợi nhất cho người dân.

Theo đó, Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng các kịch bản điều chỉnh mạng lưới xe buýt kết nối với tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Sở GTVT Hà Nội đã và đang điều chỉnh lộ trình hàng loạt tuyến buýt để tăng tính kết nối với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông

Sở GTVT Hà Nội đã và đang điều chỉnh lộ trình hàng loạt tuyến buýt để tăng tính kết nối với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông

Cụ thể, sẽ bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến metro Cát Linh- Hà Đông. Sau khi tổ chức lại toàn tuyến có tổng số 65 điểm dừng (2 chiều) với cự ly bình quân khoảng 400m.

Đồng thời, sẽ chạy miễn phí 15 ngày và sẽ khai thác các tuyến buýt như phương án đang vận hành, các chỉ tiêu khai thác giữ nguyên như hiện tại, đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách không bị xáo trộn.

Sau thời gian miễn phí sẽ hoạt động bình thường với 10 đoàn tàu, đảm bảo nguyên tắc và mục tiêu kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống xe buýt với tuyến metro này đảm bảo theo lộ trình các tuyến ít bị ảnh hưởng sẽ bị điều chính trước.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho hay, hiện có 51 tuyết buýt hoạt động dọc hành lang tuyến metro Cát Linh- Hà Đông (chiếm gần 40% của toàn mạng lưới).

Tuy nhiên, việc phân bổ dọc tuyến lại không đều, tập trung chủ yếu trên trục đường Nguyễn Trãi – Trần Phú (Hà Đông) – Quang Trung (Hà Đông), trong khi các ga nằm sâu trong nội đô như các ga Láng, Thái Hà, La Thành, Cát Linh… số lượng tuyến ít hơn, năng lực vận chuyển thấp, không đa dạng về hướng kết nối.

Sau khi thực hiện phương án kết nối sẽ tăng lên 59 tuyến, trong đó bổ sung 8 tuyến kết nối với ga Cát Linh và 1 tuyến kết nối với ga Yên Nghĩa.

Theo ghi nhận, dọc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được bố trí thêm nhiều điểm dừng xe buýt thuận tiện cho việc đi lại của hành khách. Dưới chân các nhà ga đều có biển báo cho phép ôtô con, xe taxi dừng đỗ; đảm bảo việc kết nối, các tuyến buýt hiện có sẽ được điều chỉnh, bố trí lại.

Theo đánh giá của các chuyên gia, khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác, năng lực vận chuyển hành khách đạt từ 429.000 – 472.000 lượt hành khách/ngày. Qua đó, tuyến vận tải công cộng từ bến xe Yên Nghĩa – Ngã Tư Sở sẽ tăng 3 - 4 lần, đáp ứng được 50% tổng nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến.

Ngoài ra, qua việc kết nối sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân bằng hình thức xe buýt kết nối với tuyến metro này sẽ giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô.

Trước đó, tại buổi kiểm tra tiến độ dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông vào ngày 31/3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thông tin, từ ngày 31/3, Bộ GTVT và Công ty Metro Hà Nội sẽ bắt đầu quá trình bàn giao dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông, sau khi hoàn tất hai bên sẽ chính thức ký kết bàn giao.

Dự kiến, quá trình bàn giao diễn ra từ 3-4 tuần. Vướng mắc duy nhất khiến tuyến metro này chưa thể bàn giao cho TP Hà Nội đưa vào vận hành thương mại là do phía Tư vấn Pháp ATC chưa cấp chứng chỉ an toàn cho dự án vì còn một số vướng mắc.

Ngân Tuyền

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/mang-luoi-buyt-ket-noi-voi-duong-sat-cat-linh-ha-dong-da-san-sang-post462877.antd