Mạng lưới buôn người từ Thổ Nhĩ Kỳ sang châu Âu

Nhiều nhóm buôn người vào Liên minh châu Âu (EU) đặt căn cứ ở các khu dân di cư trong thành phố rộng lớn Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Khu Kumkapi thuộc quận Fatih của Istanbul là nhà của cộng đồng người châu Phi nói tiếng Pháp và người Somalia.

Xa hơn về phía tây đến Zeytinburnu là nơi sống của người Afghanistan và Iran. Còn người Iraq và Nigeria phần lớn sống ở Kurtulus, gần khu Quảng trường Taksim. Còn người Syria chiếm số đông ở Kucukcekmece.

Ở Kumkapi, trung tâm buôn người là con đường chạy song song với thánh đường Hồi giáo Katip Kasim. Người dân địa phương gọi bọn buôn người từ Thổ Nhĩ Kỳ sang EU là "kacakci" - đó là từ chủ yếu được sử dụng bởi những người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ và người châu Á.

Bọn tội phạm buôn người bị cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ.

Bọn tội phạm buôn người bị cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ.

Mỗi một cộng đồng sắc tộc ở Kumkapi đều có riêng các mạng lưới buôn người của nó. Một nhà ngoại giao phụ trách các vấn đề về an ninh trong Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Athens của Hy lạp cho biết một số tổ chức buôn người lớn có các chi nhánh ở châu Âu hoạt động rất kín kẽ đến mức cảnh sát hay các sĩ quan tình báo cũng khó thể lần ra được nhóm đầu não của chúng.

Thậm chí các chi nhánh này cũng tổ chức những phân nhánh riêng biệt đặc trách từng nhiệm vụ riêng - ví dụ, một phân nhánh phụ trách buôn lậu ma túy, trong khi phân nhánh khác tổ chức buôn người nhập cư trái phép vào EU.

Anna Triandafyllidou - giáo sư ở Trung tâm nghiên cứu Robert Schuman ở Florence (Italia) và đồng tác giả cuốn sách về buôn người nhập cư - cho biết không có bằng chứng cho thấy có sự liên kết giữa mafia và bọn buôn người nhập cư.

Trong khi đó, Michel Koutouzis - chuyên gia người gốc Hy Lạp về buôn lậu ma túy ở Paris (Pháp) - nhận định hoạt động buôn người nằm dưới sự chi phối mạnh của các gia đình mafia người Thổ Nhĩ Kỳ - những gia đình tội phạm này kiếm được hàng chục triệu euro mỗi năm nhờ các hoạt động phi pháp.

Theo Michel Koutouzis, các gia đình này có tổ chức giống như quân đội với ông trùm - gọi là "baba" - có quyền hành như một tổng tư lệnh. Bọn chúng không trực tiếp tham gia các hoạt động buôn người mà chỉ hỗ trợ và giám sát. Bọn chúng cung cấp những thông tin cần thiết về chính quyền địa phương, các đầu mối tiếp xúc, và cơ sở hạ tầng để vận chuyển người nhập cư trái phép.

Koutouzis giải thích: "Các gia đình mafia biết mọi thứ về người vượt biên ngay trước khi người này đến Thổ Nhĩ Kỳ - biết rõ người này có bao nhiêu tiền, được ai đưa đường dẫn lối và phương tiện vận chuyển nào được tổ chức".

Theo nhà ngoại giao ở Athens, bọn kacakci cần sự giúp đỡ của mafia địa phương để dễ dàng hối lộ các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ. Nghĩa là, nếu không có sự giúp đỡ như thế thì bọn kacakci sẽ không biết mặt quan tham là ai để hối lộ cũng như sẽ không có được những giấy tờ cần thiết hay bảo đảm chính quyền địa phương không ngăn chặn chúng.

Theo giải thích của Triandafyllidou, mỗi hành trình đưa người nhập cư trái phép vào EU trải qua nhiền chặng từ chi nhánh này đến chi nhánh khác của kacakci ở châu Âu. Và dĩ nhiên, mỗi khi bước vào một chặng đường mới thì người nhập cư trái phép phải chi tiền cho bọn kacakci. Tại quận Zeytinbumu thành phố Istanbul, kacakci đòi 1.500 euro để đưa một người Afghanistan vào Hy Lạp.

Hành trình có thể tóm tắt như sau - người Afghanistan được dẫn qua ngõ Iran để vào Istanbul và lưu lại thành phố chừng vài ngày trước khi lên đường đến thành phố cảng Izmir ở miền tây Thổ Nhĩ Kỳ rồi đi bằng thuyền đến Hy Lạp. Theo quy định ngầm, người Afghanistan sẽ trả trước 20% cho kacakci ở Istanbul và phần tiền còn lại sẽ trả hết khi đến được Hy Lạp.

Tuy nhiên, các nhóm buôn người không bao giờ sử dụng người nhập cư trái phép để vận chuyển ma túy cho chúng bởi vì nguy cơ bị binh lính bắt giữ ở biên giới là rất lớn. Ước tính, toàn bộ chi phí cho hành trình từ thủ đô Kabul của Afghanistan đến Athens của Hy lạp tốn khoảng từ 5.000 đến 8.500 euro tùy theo chất lượng "dịch vụ" và những trở ngại có thể xảy ra trên đường đi hay không.

Viện nghiên cứu châu Âu và Mỹ ở Athens ước tính 1 trong 4 người nhập cư trái phép dựa vào các mạng lưới buôn người để vào Thổ Nhĩ Kỳ rồi từ đó vượt biên vào EU - Theo Cơ quan Kiểm soát biên giới EU Frontex đặt trụ sở tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, mỗi khi Hy Lạp hay EU có chiến dịch mới kiểm soát biên giới thì bọn kacakci lại có cơ hội kiếm được tiền nhiều hơn.

Thực tế đó cho thấy, mọi nỗ lực của chính quyền Hy Lạp vẫn không ngăn chặn được làn sóng người vượt biên mà chỉ gián tiếp giúp cho bọn buôn kacakci làm giàu thêm.

Người vượt biên thường chọn Thổ Nhĩ Kỳ làm đất trung gian để nhập cư trái phép vào EU thông qua Hy Lạp bởi vì nếu đi theo con đường phía bắc Biển Đen hay Địa Trung Hải sẽ tốn nhiều tiền hơn mà lại nguy hiểm hơn rất nhiều. Hơn nữa, địa hình núi non của Thổ Nhĩ Kỳ cũng giúp cho bọn tội phạm dễ giấu người vượt biên hơn.

Thiên Minh

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/mang-luoi-buon-nguoi-tu-tho-nhi-ky-sang-chau-au-548464/