Mang lợi ích đến với người lao động và doanh nghiệp

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới một Chính phủ kiến tạo, phục vụ, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp, trong những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hiện đại hóa nền hành chính, hướng tới Chính phủ điện tử trong lĩnh vực BHXH.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách TTHC, với quan điểm cải cách TTHC gắn liền với hoàn thiện chế độ, chính sách, đặt khách hàng ở vị trí trung tâm, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tích cực triển khai rà soát, đơn giản các TTHC, thành phần hồ sơ nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý đồng thời cắt giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân khi tham gia các giao dịch về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHYT, BHTN).

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP, đã rà soát giảm từ 115 thủ tục, còn 28 thủ tục, giảm trên 70% thủ tục, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục về BHXH, BHYT của các doanh nghiệp từ 335 giờ/năm 2014 xuống còn 51 giờ/năm vào cuối năm 2017. Nhiều thủ tục giảm là kết quả của đối thoại chính sách và bất hợp lý khi triển khai thực tế.

Cùng với đó, BHXH Việt Nam tích cực đổi mới phương thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC. Nếu như trước đây, khách hàng phải trực tiếp đến cơ quan BHXH xếp hàng, tốn thời gian, chi phí, thì hiện tại, việc giao dịch đã thực hiện trên cả ba kênh: Giao dịch tại cơ quan BHXH (bộ phận một cửa); Giao dịch điện tử: 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần, trên 90% đơn vị đã thực hiện và giao dịch qua hệ thống bưu chính công ích: 63/63 tỉnh, thành phố triển khai nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích (tổ chức, doanh nghiệp không phải trả phí).

Việc ứng dụng CNTT, thực hiện giao dịch điện tử cũng được ngành quan tâm. Nhằm thực hiện thành công mục tiêu và nhiệm vụ cải cách hành chính, ngành BHXH đang xây dựng hệ thống CNTT tích hợp, tập trung, hiện đại tuân thủ theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử. Hiện tại, ứng dụng CNTT đã bao phủ hầu hết các nghiệp vụ chủ yếu của ngành BHXH như: Giao dịch điện tử trên tất cả lĩnh vực. Vận hành Hệ thống thông tin giám định BHYT để phục vụ công tác quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, kết nối liên thông với 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc. Đây là công cụ hữu hiệu giám sát, cảnh báo, kịp thời phát hiện những hành vi trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi người bệnh...

Qua đó, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện theo dõi, giám sát BHXH tỉnh, thành phố trong việc giải quyết TTHC. Kịp thời xử lý tình trạng giải quyết chậm, muộn hoặc để tồn đọng hồ sơ BHXH của cá nhân, doanh nghiệp. Thiết lập Hệ thống tư vấn, giải đáp, chăm sóc khách hàng nhằm tiếp nhận, xử lý thông tin, tư vấn, giải đáp, hỗ trợ các yêu cầu của cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch. Thực hiện rà soát, cấp mã số BHXH đồng bộ giữa cơ sở dữ liệu Quản lý thu, sổ - thẻ với cơ sở dữ liệu hộ gia đình, tạo tiền đề xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH (dự kiến 2020).

Thông qua quá trình cải cách TTHC của ngành BHXH, đem đến nhiều lợi ích và sự hài lòng của người lao động, doanh nghiệp và người dân đối với BHXH.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2018 công bố tháng 10/2017, mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với Báo cáo 2017), trong đó chỉ số nộp thuế, BHXH xếp thứ 86/190.

Trong những năm qua, công tác ứng dụng CNTT luôn được BHXH Việt Nam coi trọng, ưu tiên đầu tư phát triển nhằm mục đích hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong giao dịch với cơ quan BHXH. Kết nối mạng giữa các cơ quan BHXH trong toàn quốc. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN...

Ứng dụng CNTT phục vụ các công tác khảo sát trực tuyến; khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với các dịch vụ, giao dịch do BHXH Việt Nam cung cấp.

“Với tất cả những nỗ lực đó, mới đây, tại Báo cáo Đánh giá và xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam do Hội truyền thông số Việt Nam công bố, BHXH Việt Nam là đơn vị dẫn đầu khối các cơ quan thuộc Chính phủ trong việc ứng dụng CNTT để phát triển Chính phủ điện tử. Quan trọng hơn, những nỗ lực của BHXH Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình và đánh giá cao của người dân và doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Quân Trần

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/lao-dong-viec-lam/mang-loi-ich-den-voi-nguoi-lao-dong-va-doanh-nghiep_t114c7n141382