Mang hương trà Tà Sùa đi xa

Tà Sùa, vùng đất được mệnh danh là thiên đường mây này có một đặc sản khá nổi tiếng. Đó là những gốc trà (chè) shan tuyết cổ thụ sinh tồn ở độ cao từ 1.500-2.401 mét so với mực nước biển. Theo tiếng của đồng bào Mông, tà sùa là bãi trà, tên xã được đặt theo nghĩa ấy. Đó là một xã miền núi thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, mà hiện nay trên nhiều văn bản người ta quen viết là 'Tà Xùa'.

Trà shan tuyết Tà Sùa. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Trà ngon thuốc quý

Chúng tôi ngược “một nghìn dốc, một nghìn núi” khúc khuỷu, thăm thẳm, cua tay áo, sạt đất, lở đá lên Tà Sùa tìm trà.

Vượt 230 ki lô mét từ Hà Nội là đến huyện lỵ Bắc Yên, vào 14 ki lô mét là đến trung tâm xã, hết đường ô tô. Thuê xe Win 100 đi vào 12 ki lô mét nữa thì cũng kịch đường, chúng tôi cuốc bộ. Luồn lách trong rừng suốt ba giờ, thoát vực sương này lại trôi sang biển mây khác, chúng tôi lạc vào một rừng trà sừng sững. Những cây trà vạm vỡ, to, cao, tán xòe như cây đa, rêu phong, địa y bám đầy từ gốc đến thân, cành, lá to, dày, búp mập mạp.

Chúng tôi vào nhà anh Mùa A Sềnh, 44 tuổi, ở bản Mống Vàng. Vợ chồng anh vừa đi hái trà ở đỉnh núi cách nhà hai giờ băng qua rất nhiều lớp nương rẫy, dốc cao về. Trà vừa hái được đổ vào chiếc tôn quay trên bếp lửa hồng để sao suốt. Những búp trà xoăn lại theo từng nhịp vò, vòng quay. Nhà anh Sềnh có gần 2 héc ta trà shan cổ thụ trồng từ đời các cụ.

Toàn xã Tà Sùa có 475 hộ gia đình với hơn 3.000 nhân khẩu đều là người dân tộc Mông. Xã nằm gọn trong những dãy đồi núi điệp trùng, đặc biệt có ba đỉnh núi hợp thành một kỳ quan hùng vĩ trông tựa như sống lưng con khủng long. Chốn quanh năm mây phủ, nơi thổ nhưỡng có độ ẩm cao và khí hậu trong trẻo, mát lạnh, tạo nên một hương vị đặc biệt cho cây trà mà không nơi nào có được. Trà Tà Sùa hương dịu lan tỏa, màu nước sánh vàng như mật ong mang vị chát nhẹ, hậu ngọt thanh.

Nói về sức sống của cây trà shan tuyết ở Tà Sùa, ông Hà Văn Lỏn, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên, nêu lại trường hợp đợt lạnh vào cuối năm 2016. Lúc ấy, đất trời Tà Sùa như đóng băng, chỉ có cây trà shan tuyết, cây táo mèo và cây sa mu là sống sót sau đợt rét đậm rét hại lịch sử ấy.

Anh Mùa A Khư, cán bộ Tư pháp - hộ tịch của UBND xã Tà Sùa, cũng là một người rất tâm huyết nghiên cứu, quảng bá đặc sản của quê hương. Anh kể, bố anh năm nay đã 95 tuổi, vẫn minh mẫn, thường nói với con cháu rằng từ ngày cụ còn bé tí, cây trà đã cao quá đầu người. Nhiều gốc trà xù xì, mốc trắng, to đến vài người ôm.“Nếu căn cứ vào những gì mà ông nội và bố tôi truyền lại, tôi nghĩ cây chè (trà) ở nơi đây không dưới 300 năm tuổi. Nó không chỉ giúp nâng cao đời sống mà còn là biểu tượng cho sự sống lâu bền của người Mông”, anh Khư nói.

Gia đình anh Khư có khoảng 80 gốc trà, đa phần là cổ thụ. Sáu năm trước, anh cặm cụi mở một con đường nhỏ xuyên núi, đưa khách lên núi thưởng trà mà không thu bất cứ khoản phí nào. Anh tự tin đây là một trong những điểm ngắm mây đẹp nhất ở Tà Sùa.

Về kinh nghiệm làm trà, anh Khư cho biết, không hái trà sau 9 giờ sáng và trước 3 giờ chiều, bởi khi ấy có ánh nắng gắt, trà sẽ mất nhiều chất dinh dưỡng, khi hái, vận chuyển, trà cũng dễ dập nát, ôi. Trà hái về được vợ chồng anh sao suốt trên chảo gang, tôn quay theo phương pháp thủ công truyền thống, bán với giá 1 triệu đồng/ký. Riêng với những búp non thì giá có thể gấp đôi, gấp ba. Anh Khư tâm sự, ngoài việc dùng để uống, người Mông còn dùng cây lá trà để chữa bệnh. Họ quan niệm rằng, uống trà thường xuyên mỗi ngày sẽ tăng sức đề kháng, giúp con người sảng khoái, khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật. Khi mắc một số bệnh như thủy đậu, sốt nhẹ, có thể lấy lá trà đun lên làm nước lau người, bệnh sẽ khỏi mà không cần dùng thuốc kháng sinh.

Dẫn chúng tôi đi xem cây trà đường kính thân hai người ôm, cây to nhất trên nương của gia đình, ông Mùa A Lầu, 85 tuổi, kể: “Từ ngày bé đi chăn trâu tôi đã thấy cây này to thế rồi. Tập quán canh tác của người Mông phần lớn phụ thuộc vào thiên nhiên, không bón phân, không phun thuốc, không có sự can thiệp của máy móc. Cây chè, tiếng Mông là “xùa dì”, nghĩa là thuốc. Bà con dân bản rất quý cây chè, bởi chính cây thuốc này đã đẩy lùi các căn bệnh hiểm nghèo của người dân. Cả xã tới nay chưa có ai mắc phải bệnh hiểm nghèo”.

Hiện có sáu bản trong số tám bản của xã có cây trà; hai bản không có là Trò A, Trò B. Xã có vài trăm cây trà cổ từ 400-500 năm tuổi, tán rộng, thân xù xì màu bạc cao 10-15 mét, bán kính thân 10-40 cen ti mét, tập trung ở các bản Mống Vàng và Chung Chinh.

Năm 2008, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành điều tra vùng trà Tà Sùa. Kết quả cho biết đây là giống trà chất lượng tốt, năng suất cao và ổn định. Các nhà khoa học cũng đã tuyển chọn và đánh số 60 cây trà đầu dòng, trên 200 tuổi. Số cây này tập trung ở bản Chung Chinh và bản Mống Vàng.

Vươn tầm

Chị Mùa Thị Ca, ở bản Bẹ, cho biết vào chính vụ bà con thu hái được nhiều trà nhưng mỗi nhà chỉ có một đến hai bom quay sao thủ công nên làm không xuể, đành để trà già. Lại nữa, trà sao được cũng không có thương hiệu nên chỉ bán được trung bình từ 200.000-400.000 đồng/ký.

Nhận thức được đây là một vùng nguyên liệu quý, mang lại sinh kế lâu dài với người dân Tà Sùa, UBND huyện Bắc Yên đã xây dựng “Dự án phục tráng và phát triển vùng chè shan tuyết Tà Sùa”. Ông Lê Văn Kỳ, Phó bí thư kiêm Chủ tịch huyện, cho biết huyện đã mời gọi Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc (Tafood) cùng phối hợp để phát triển thương hiệu chè shan tuyết Tà Sùa.

Tháng 10-2016, UBND xã Tà Sùa giao cho Tafood khai thác 75 héc ta trà shan tuyết cổ thụ. Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Tafood, cho biết toàn xã hiện có bảy giống trà. Trong số đó có những cây trà trồng năm 1968 lấy giống từ Suối Giàng, những cây giống trung du, Phú Hộ trồng mới vào năm 2000... Đây không phải là những giống bản địa nên đã làm mất bản sắc trà Tà Sùa. Chính vì vậy, Tafood đã hướng dẫn bà con phá cây trà lai tạp để thay thế hoàn toàn bằng giống trà shan tuyết lá to, giống bản địa, theo phương pháp ươm hạt. Làm như vậy cây khỏe và rừng trà thuần chủng. Anh Mùa A Sềnh, người được nhắc ở phần trên, cho biết, cách đây bốn năm gia đình anh đã phá mấy nghìn cây trà tạp, lấy hạt cây trà shan cổ về ươm cây để trồng lại. Cũng như anh, người dân thấy được giá trị cao của cây trà shan nên đã phá trà tạp để trồng lại. Trong thời gian tới, diện tích trà shan lá to ở Tà Sùa sẽ nâng lên 275 héc ta.

Hiện nay, Tafood hỗ trợ, hướng dẫn bà con cách thu hái đúng tiêu chuẩn, thu mua sản phẩm với giá từ 40.000-60.000 đồng/ký trà búp tươi, cao gấp hai lần so với giá trà trước đây. Công suất chế biến của công ty đạt 15 tấn trà búp tươi/ngày.

Ngoài ra, Tafood cũng đã đầu tư mở khu du lịch Trà Mây để đón du khách lên thưởng thức trà shan tuyết cổ thụ Tà Sùa, những món đặc sản của người Mông, khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa của người dân vùng trà đẹp và huyền bí này.

Ông Lê Văn Kỳ, Phó bí thư huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, cho biết, trong chương trình Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch gắn với Hội chợ thương mại vùng cao năm 2017, sáng ngày 16-12-2017, huyện đã tổ chức lễ công bố và trao quyết định sử dụng và phát triển nhãn hiệu tập thể "chè Tà Xùa" cho Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc (Tafood), đơn vị đang bao tiêu sản phẩm cho người dân tại xã Tà Sùa.

Việc công bố nhãn hiệu sở hữu tập thể "chè Tà Xùa" và trao quyền sử dụng, phát triển nhãn hiệu cho doanh nghiệp tại địa phương nhằm phát triển và quảng bá thương hiệu "trà Tà Xùa" tại thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/269733/mang-huong-tra-ta-sua-di-xa.html