Mang hạnh phúc đến gia đình quân nhân hiếm muộn

Thực hiện chủ trương của Thường vụ Quân ủy Trung ương (QUTƯ) và Quyết định số 3941/QĐ-BQP, ngày 25-9-2015 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP), Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần (TCHC) đã ban hành hướng dẫn triển khai công tác hỗ trợ người hiếm muộn, vô sinh (HM, VS) đang công tác trong quân đội. Gần 5 năm qua, chủ trương giàu ý nghĩa nhân văn này đã giúp hàng trăm cặp vợ chồng quân nhân trong toàn quân có cơ hội được làm cha làm mẹ, xây dựng gia đình hạnh phúc, có thêm động lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Những mái ấm đong đầy hạnh phúc

Con cái là tài sản vô giá của cha mẹ, là sợi dây gắn kết tình cảm, trách nhiệm và là ngọn lửa duy trì hạnh phúc gia đình. Điều này thật đúng với vợ chồng Thiếu tá Vũ Thị Tình, Phó trưởng phòng Tài chính-Kế toán và Đại úy QNCN Thân Anh Minh, nhân viên Phòng Nghiên cứu-Phát triển sản xuất, Nhà máy Z113, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Chuyện là sau gần 5 năm “về chung một nhà”, họ vẫn chưa có tin vui, mặc dù đã chạy chữa khắp trong Nam, ngoài Bắc, đến đủ các bệnh viện. Cảnh “vợ chồng son” kéo dài của hai người khiến họ hàng không khỏi lo lắng, sốt ruột; không khí gia đình thì nặng nề, căng thẳng, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ có lúc bị ảnh hưởng. Năm 2015, được BQP hỗ trợ 50 triệu đồng, anh chị quyết định đăng ký gói điều trị kỹ thuật cao tại Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh). Tháng 1-2016, sau nhiều năm mòn mỏi đợi chờ, chị Tình đã sinh đôi một trai, một gái “mẹ tròn con vuông” trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình. Ngày mẹ con chị Tình từ bệnh viện trở về cũng là ngày vui chung của khu tập thể Nhà máy Z113.

Đến Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân, chúng tôi cũng được chứng kiến ngày sum vầy hạnh phúc bên vợ con của Thiếu tá Lê Minh Tân, Chính trị viên Tàu 383. Ngày cuối tuần, căn nhà nhỏ của gia đình anh rộn rã tiếng cười, tiếng bi bô của bé gái 13 tháng tuổi. Hạnh phúc bình dị ấy, vợ chồng anh Tân mong mỏi, chạy chữa suốt bao năm mới có được. Kết hôn từ năm 2010 nhưng hơn 8 năm sau, vợ chồng Thiếu tá Lê Minh Tân vẫn chưa có con. Hễ có người mách nơi nào chữa trị vô sinh là anh chị lại hăm hở tìm đến; thời gian, công sức, tiền của không thống kê hết được. Chị Trần Thị Thanh Thảo (vợ Thiếu tá Lê Minh Tân) tâm sự: “Nhiều lúc mệt mỏi, chúng tôi đã nghĩ đến chuyện đầu hàng. Nhưng được sự quan tâm, chia sẻ, động viên của người thân, đồng chí, đồng đội, chúng tôi lại cố gắng vượt qua, nuôi niềm hy vọng". Không chỉ nhận được sự động viên tinh thần, anh chị còn được BQP hỗ trợ 50 triệu đồng để chạy chữa. Kiên trì làm thụ tinh trong ống nghiệm, tháng 2-2019, vợ chồng Thiếu tá Lê Minh Tân được đón con gái đầu lòng Lê Thảo Ngân xinh xắn, bụ bẫm, thỏa niềm mong ước sau bao năm mong ngóng.

 Lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy Z113, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng thăm hỏi, chia vui với gia đình quân nhân có con sau khi điều trị hiếm muộn.

Lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy Z113, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng thăm hỏi, chia vui với gia đình quân nhân có con sau khi điều trị hiếm muộn.

Chủ trương đúng đắn, ấm lòng bộ đội

Theo kết quả khảo sát của Ủy ban DS, GĐ&TE BQP, trong quân đội có hơn 3.000 trường hợp HM, VS; 80% rơi vào nam giới, phần lớn tuổi đời còn trẻ, thời gian kết hôn 5 năm trở lên chiếm 63%. Nhiều trường hợp kết hôn hơn 15 năm và đa số các trường hợp HM, VS là sĩ quan cấp úy, QNCN, công nhân viên chức quốc phòng (CNVCQP), thu nhập thấp, phải thuê nhà; không ít gia đình phải vay mượn để chữa bệnh.

Trước tình hình trên, QUTƯ, BQP thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ toàn diện về thời gian, công việc, kinh phí để các gia đình quân nhân HM, VS có điều kiện điều trị hiệu quả, như: Luân chuyển công tác, hợp lý hóa gia đình, nghỉ phép dài ngày để điều trị; hỗ trợ kinh phí điều trị từ nhiều nguồn... Đây cũng là nội dung trọng tâm trong công tác gia đình, giúp đỡ gia đình quân nhân HM, VS.

Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Phó chính ủy, Chủ tịch Ủy ban DS, GĐ&TE Quân chủng Hải quân (QCHQ) cho rằng: Chính sách hậu phương quân đội là hết sức quan trọng và cần thiết, nhất là đối với các trường hợp HM, VS. Đây là vấn đề nhạy cảm, cần được quan tâm, giúp đỡ kịp thời để bộ đội thực sự yên tâm công tác. Điều đó càng cho thấy chính sách hỗ trợ điều trị HM, VS đối với gia đình quân nhân, CNVCQP là hết sức đúng đắn, nhân văn của Thường vụ QUTƯ, BQP, giúp các cặp vợ chồng quân nhân HM, VS có cơ hội được làm cha làm mẹ. Từ năm 2018 đến nay, Ủy ban DS, GĐ&TE QCHQ đã đề nghị cấp trên hỗ trợ 131 trường hợp HM, VS; 129 trường hợp đã được phê duyệt, kinh phí 6,1 tỷ đồng (mức hỗ trợ cao nhất là 50 triệu đồng/trường hợp), trong đó 7 đồng chí được hỗ trợ hai lần. Ngoài ra, QCHQ cũng trích nguồn quỹ vốn hỗ trợ 15 đồng chí HM, VS số tiền 75 triệu đồng. Đến nay, có 34 trường hợp sinh con; 3 trường hợp đang mang thai.

Theo Đại tá Nguyễn Vân Giang, Phó cục trưởng Cục Quân y (TCHC), Ủy viên Thường trực Ủy ban DS, GĐ&TE BQP: Những năm qua, Ủy ban DS, GĐ&TE BQP đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ gia đình quân nhân, CNVCQP HM, VS; đưa nhiệm vụ này vào kế hoạch công tác hằng năm, đồng thời tổ chức gặp gỡ, động viên, chia sẻ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tạo điều kiện về kinh tế, thời gian, động viên các gia đình HM, VS hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, với chức năng, nhiệm vụ được giao là Cơ quan Thường trực Ủy ban DS, GĐ&TE BQP, Cục Quân y, TCHC luôn tích cực, chủ động trong tham mưu, báo cáo thủ trưởng BQP hỗ trợ các gia đình quân nhân HM, VS. Theo đó, đã đề xuất với QUTƯ, BQP hỗ trợ các trường hợp HM, VS bằng nguồn kinh phí kết dư sau thuế của các doanh nghiệp; đề nghị Chính phủ đưa nội dung hỗ trợ kinh phí khám, điều trị HM, VS cho các gia đình quân nhân, CNVCQP lao động trong môi trường quân sự độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản vào Nghị định số 76 của Chính phủ, quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với quân nhân, CNVCQP.

Có thể nói, tất cả gia đình quân nhân, CNVCQP HM, VS đều có chung niềm khao khát lớn nhất là được làm cha làm mẹ. Chính sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo hỗ trợ kịp thời của QUTƯ, BQP và cấp ủy, chỉ huy các cấp đã thiết thực giúp họ có điều kiện chữa trị, vượt qua khó khăn để được hưởng niềm hạnh phúc gia đình trọn vẹn, từ đó thêm yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Báo cáo của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (DS, GĐ&TE) BQP cho thấy: Từ năm 2015 đến nay, BQP đã hỗ trợ điều trị HM, VS cho 1.739 trường hợp trong toàn quân. Trong đó, điều trị kỹ thuật cao 1.435 người (50 triệu đồng/người); điều trị kỹ thuật trung bình là 262 người (10 triệu đồng/người); 26 người nhận con nuôi (10 triệu đồng/người) với tổng số tiền 73,8 tỷ đồng. Kết quả có 460 trường hợp đã mang thai và sinh con.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/che-do-chinh-sach/mang-hanh-phuc-den-gia-dinh-quan-nhan-hiem-muon-633361