Mang điều kỳ diệu đến người bệnh

Vi phẫu nối liền chi thể bị đứt rời là kỹ thuật khó, phức tạp, chủ yếu thực hiện ở các bệnh viện tuyến Trung ương, rất ít bệnh viện tuyến tỉnh có thể làm được. Tuy nhiên, các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã từng bước làm chủ kỹ thuật vi phẫu nối liền chi thể bị đứt rời, mang lại niềm hạnh phúc khôn nguôi cho người bệnh.

Một ca vi phẫu nối liền chi thể bị đứt lìa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Một ca vi phẫu nối liền chi thể bị đứt lìa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Cách đây không lâu, bác sĩ Lương Toàn Thắng, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cùng ê-kíp đã thực hiện vi phẫu mạch máu, thần kinh, gân cơ, kết hợp xương ngón giữa, trả lại bàn tay nguyên vẹn cho bệnh nhân Đào Hồng K. (25 tuổi, phường Hà Khánh, TP Hạ Long). Bệnh nhân bị đứt lìa ngón tay do bất cẩn khi làm việc với máy cơ khí.

“Sau khi tỉnh dậy, thấy ngón tay của mình được nối liền, hồng ấm trở lại, tôi không tin đó là sự thật. Đến nay, ngón tay của tôi đã có thể cử động nhẹ nhàng và đang được tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng” - bệnh nhân Đào Hồng K. chia sẻ.

Ngón tay thứ 3 của bệnh nhân Đào Hồng K. bị đứt rời hoàn toàn đã được các bác sĩ khâu nối phục hồi, giữ bàn tay nguyên vẹn.

Trước đó, các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cũng đã phẫu thuật nối vi phẫu thành công trường hợp tai nạn đứt rời ngón tay phức tạp cho bệnh nhân Phan Văn K. (36 tuổi, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Bệnh nhân không may bị thanh sắt đập vào bàn tay trái khiến ngón 4 bị dập nát, đứt gần rời, chỉ còn dính ít gân và da. Sau 2 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt lọc tổ chức dập nát, nối vi phẫu các phần đứt rời, khâu nối mạch máu, thần kinh, gân cơ và kết hợp xương ngón tay. Bàn tay của người bệnh được phục hồi nguyên hình dáng, ngón tay đã có thể cử động trở lại.

Nhờ được đưa tới bệnh viện trong những giờ đầu, chi bị đứt lìa được bảo quản đúng cách, thành công của các ca phẫu thuật còn nhờ cách xử trí kịp thời của các bác sĩ. Bởi vi phẫu là kỹ thuật phẫu thuật rất tinh vi, sử dụng để nối ghép những mạch máu, thần kinh nhỏ ở khắp nơi trên cơ thể. Đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có tay nghề, kỹ năng phẫu tích khéo léo, thuần thục, nắm chắc về giải phẫu, hình thái cơ thể, kể cả mạch máu nhỏ.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra ngón tay của bệnh nhân bị đứt rời sau phẫu thuật.

Bác sĩ Lương Toàn Thắng cho hay: Bệnh viện Đa khoa tỉnh thỉnh thoảng tiếp nhận trường hợp bị đứt lìa bộ phận tay, chân do tai nạn lao động, tai nạn giao thông... Những tai nạn này gây ra tàn tật (cụt chân, tay) không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý người bị nạn. Trước thực tế đó, chúng tôi đã đề xuất và được Bệnh viện ủng hộ triển khai kỹ thuật vi phẫu nối liền bộ phận bị đứt lìa. Các kíp bác sĩ đã được cử đi đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật vi phẫu nối chi đứt rời từ các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Quân đội Trung ương 108. Đến nay, đội ngũ phẫu thuật viên đã cơ bản làm chủ được kỹ thuật, thực hiện thành công nhiều ca đứt rời chi phức tạp, mang lại sự lành lặn cho nhiều bệnh nhân.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đầu tư hệ thống trang thiết bị, máy móc đồng bộ, công nghệ cao nhằm phục vụ phẫu thuật vi phẫu. Trong đó có kính vi phẫu hiện đại với độ phóng đại gấp 10-20 lần, mang lại hình ảnh có độ phân giải cao, chiều sâu chân thực, hỗ trợ đắc lực cho các phẫu thuật viên thực hiện các thao tác khâu nối yêu cầu độ chính xác và tỉ mỉ cao. Những mạch máu nhỏ có kích thước chỉ khoảng 1mm, đường kính chỉ từ 15-42 micron (tương đương 1/10 đường kính của sợi tóc) đều có thể nối liền nhờ kỹ thuật vi phẫu.

Bác sĩ Lương Toàn Thắng khuyến cáo, trong trường hợp gặp nạn nhân tai nạn bị đứt rời chi cần gọi ngay cấp cứu, nếu có thể hãy nhanh chóng sơ cứu cầm máu, kết hợp nâng cao vùng chi bị tổn thương để hạn chế máu chảy, bảo vệ tính mạng người bệnh. Đồng thời bảo quản bộ phận đứt rời đúng cách và lập tức chuyển bệnh nhân đến bệnh viện để được bác sĩ cấp cứu và thực hiện phẫu thuật nối chi kịp thời.

Cách bảo quản đúng là cho phần chi đứt rời vào túi ni-lông sạch thổi căng hơi, buộc kín lại và nếu có thể thì bọc trong miếng gạc. Sau đó buộc kín bỏ vào thùng nước đá ở nhiệt độ 4-5 độ C.

Tránh để phần chi bị đứt rời tiếp xúc trực tiếp với nước đá vì nếu để lâu có thể gây bỏng lạnh. Các cơ quan, bộ phận bị đứt lìa bảo quản đúng cách trong giới hạn 6 giờ thì khi nối lại có tỷ lệ thành công cao và phục hồi các chức năng sau nối tốt hơn.

Nguyễn Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202010/mang-dieu-ky-dieu-den-nguoi-benh-2504911/