Mang điện mặt trời đến các hộ Khmer

Với các hộ Khmer nghèo, cận nghèo, khó khăn ở vùng Bảy Núi, những tấm pin năng lượng mặt trời lắp trên mái nhà như món quà quý giá, giúp gia đình có đèn chiếu sáng, có quạt sử dụng, xua bớt cái nắng oi ả vùng cao. Còn với những hộ kết hợp lắp pin mặt trời với sản xuất nông nghiệp, hiệu quả thu được gấp đôi.

Mô hình năng lượng mặt trời gắn với sản xuất nông nghiệp

Ước mơ có điện

Ô Lâm là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer nhất huyện Tri Tôn (chiếm khoảng 99% dân số là người Khmer), cũng là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Chị Bồ Kim My, cán bộ khuyến nông xã Ô Lâm cho biết, đến cuối năm 2020, xã còn 110 hộ chưa có điện lưới sử dụng. Năm 2020, các hộ Khmer nơi đây được hỗ trợ lắp đặt điện mặt trời từ dự án “Tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo ở các tỉnh ĐBSCL của Việt Nam thông qua ứng dụng các giải pháp năng lượng xanh và bền vững”, do Ban Quản lý Dự án (BQLDA) phát triển năng lượng bền vững (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang) phối hợp Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) triển khai tại An Giang.

Gia đình ông Chau Ban (65 tuổi), ngụ phum Satơlkrắc, là 1 trong 5 hộ Khmer của ấp Phước Thọ (xã Ô Lâm) được hỗ trợ lắp tấm pin năng lượng mặt trời. “Nhà chỉ có 1 công ruộng (1.000m2), phải làm mướn mới đủ sống. Vợ tôi là em liệt sĩ nên năm 1995 được nhà nước tặng căn nhà Tình nghĩa. Tuy nhiên, căn nhà đến nay đã cũ, xuống cấp. Bốn đứa con của tôi đã có gia đình riêng nhưng đều nghèo. Do vậy, gia đình không có tiền kéo điện lưới sử dụng”- ông Chau Ban chia sẻ.

May mắn tháng 8-2020, gia đình ông được dự án của GreenID hỗ trợ 1,5 triệu đồng, gia đình tôi dành dụm đối ứng thêm 2,5 triệu đồng nữa để lắp tấm năng lượng mặt trời trên mái nhà. Từ đó, gia đình có điện thắp sáng và sử dụng được quạt máy, giúp xua bớt đi phần nào cái nắng nóng vùng Bảy Núi.

Tại ấp Phước Long (xã Ô Lâm), nhà ông Chau Soi (58 tuổi) cũng được hỗ trợ lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời. “3 đứa con đã có gia đình ra ở riêng. Nhà hiện giờ chỉ có 2 công đất nên cuộc sống rất vất vả. Không có điện, tôi phải mua chiếc bình ắc-quy thắp sáng bóng đèn nhỏ cho nhà nghèo đỡ tối tăm. Tháng 12-2020, cán bộ ấp Phước Long giới thiệu dự án lắp đặt điện mặt trời, tôi chỉ gom góp được 2,1 triệu đồng đối ứng nhưng cũng được hỗ trợ gắn tấm năng lượng mặt trời lên mái nhà. Nhờ vậy, nhà có điện thắp sáng và chạy quạt máy” - ông Chau Soi vui mừng.

Hướng tới nâng thu nhập

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trương Kiến Thọ cho biết, từ dự án “Tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo ở các tỉnh ĐBSCL của Việt Nam thông qua ứng dụng các giải pháp năng lượng xanh và bền vững”, do BQLDA phát triển năng lượng bền vững tỉnh phối hợp với GreenID triển khai giai đoạn 1 tại An Giang, rất nhiều hộ Khmer được hưởng lợi.

Dự án đã hỗ trợ lắp đặt trên 1.100 hệ thống pin năng lượng mặt trời độc lập cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn ở vùng chưa có điện lưới tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Hệ thống pin được lắp đặt theo hình thức dự án hỗ trợ và đối ứng của hộ dân, giúp các hộ có điện phục vụ sinh hoạt cơ bản (thắp sáng đèn, sử dụng quạt máy).

Từ những kết quả bước đầu này, BQLDA phát triển năng lượng bền vững tỉnh và GreenID mở rộng dự án giai đoạn 2 (2019-2022) với tên gọi mới là “Giải pháp xanh hỗ trợ tiếp cận năng lượng cho cộng đồng nghèo khu vực ĐBSCL tại tỉnh An Giang”. Ngày 16-4 vừa qua, BQLDA tỉnh, GreenID và Công ty TNHH Ý Thức Khí Hậu (Climate Sense) đã tổ chức lễ khánh thành mô hình thử nghiệm kết hợp sản xuất nông nghiệp và điện mặt trời tại hộ gia đình ông Chau Hon (ấp An Hòa, xã Châu Lăng, Tri Tôn).

“Với công suất 45kWp trên diện tích 400m2, có thể nói đây là mô hình kết hợp nông nghiệp - điện mặt trời đầu tiên có sự hợp tác 3 bên giữa người dân, doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận thực hiện tại An Giang. Kết quả thử nghiệm khả quan trên cây dưa leo đã chứng minh cho tính phù hợp, tính khả thi trên thực tiễn để có thể nhân rộng mô hình này” - ông Thọ đánh giá.

Ông Thọ cho biết, điều kiện của An Giang là tỉnh nông nghiệp có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển điện năng lượng mặt trời nhờ vào cường độ bức xạ mặt trời khá cao (từ 4,7-5,1kWh/m2/ngày), số giờ nắng trong năm hơn 2.400 giờ. “Việc kết hợp mô hình sản xuất nông nghiệp - điện mặt trời là hướng đi thích hợp, vừa khai thác hợp lý lợi thế tự nhiên, vừa tăng thu nhập cho nông dân, tăng hiệu quả sản xuất trên diện tích canh tác, hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, thích ứng biến đổi khí hậu” - ông Thọ nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN

Với hệ thống điện mặt trời có công suất 45kWp, lắp đặt trên diện tích 400m2, bình quân mỗi ngày sản xuất được 103kWh điện. Nhờ các tấm quang năng được thiết kế với độ giãn cách phù hợp, ông Chau Hon trồng dưa leo bên dưới với thiết kế nhà màng. Dưa leo sử dụng rất ít phân, thuốc nhưng trái đẹp, tỷ lệ đậu cao hơn ruộng đối chứng bên ngoài.

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/mang-dien-mat-troi-den-cac-ho-khmer-a301694.html