Mang của công đi xây trụ sở Công ty Cường Thịnh Thi

Sau 8 năm thực hiện, dự án giải ngân được khoảng 3% nhưng có đến 3 đoàn vào thanh tra và cùng phát hiện ra nhiều sai phạm của chủ đầu tư, lần sau nghiêm trọng hơn lần trước, 'mượn' cả của công đi thi công trụ sở nhà thầu và công trình khác.

Hơn 600 chiếc cọc bê tông Công ty Cường Thịnh Thi mượn huyện Kim Sơn để xây trụ sở. Ảnh: ND

Hơn 600 chiếc cọc bê tông Công ty Cường Thịnh Thi mượn huyện Kim Sơn để xây trụ sở. Ảnh: ND

Huyện Kim Sơn cho nhà thầu “mượn” tiền ngân sách để thi công công trình khác

Chuyện tưởng như đùa nhưng lại là thực tế đã được UBND huyện Kim Sơn thực hiện nghiệm thu thanh toán cho nhà thầu số tiền lên đến 14,5 tỷ đồng, để rồi nhà thầu đem đi thi công “không đúng chỗ” .

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Ninh Bình, ngày 14/10/2011, UBND huyện Kim Sơn đã ban hành Quyết định số 4560/QĐ-UBND về việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán xây dựng công trình đường cứu hộ, cứu nạn, chống tràn, thoát lũ từ trung tâm 6 xã tiểu khu 1 ra đê Hữu Đáy, huyện Kim Sơn, quy mô của dự án là cải tạo, nâng cấp 12 tuyến đường, tổng chiều dài 47,6 km đạt tiêu chuẩn đường cấp IV và cấp V đồng bằng và tổng dự toán được duyệt là hơn 992 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm thanh tra, qua kiểm tra hồ sơ nghiệm thu, thanh toán chi phí xây lắp (từ năm 2012 đến 30/4/2019) dự án có giá trị nghiệm thu 37,7 tỷ đồng, giá trị thanh toán 31 tỷ đồng.

Kiểm tra số cọc bê tông cốt thép, tiết diện 35x35cm đã sản xuất và nghiệm thu thanh toán cho nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Tập đoàn Cường Thịnh Thi (Cty Cường Thịnh Thi) và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Minh Tuấn (Cty Minh Tuấn) trị giá 14,5 tỷ đồng.

Trên thực tế, không có số cọc trên tại hiện trường và theo báo cáo giải trình của Công ty Cường Thịnh Thi và Công ty Minh Tuấn thì việc sản xuất cọc không được thực hiện tại hiện trường như biên bản nghiệm thu thanh toán.

Theo giải trình của ông Trần Anh Tuyên, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Ban QLDA) huyện Kim Sơn (từ tháng 10/2010 đến tháng 3/2018): Việc sản xuất cọc bê tông cốt thép 35x35cm chuẩn bị thi công cho 7 cây cầu nhưng không triển khai thi công cầu để đưa vào sử dụng mà chuyển sang thi công một số tuyến đường dẫn đến việc sản xuất cọc bê tông nhưng không đưa vào thi công xây dựng gây lãng phí (từ năm 2012 đến nay với số tiền là 14,5 tỷ đồng).

Cũng theo ông Tuyên: Do khó khăn về nguồn vốn để triển khai thi công các cầu trên, thời gian bảo quản cọc dài nên ngày 20/5/2016, Cty Cường Thinh Thi đã có Công văn số 188 về việc xin phép sử dụng cọc bê tông cốt thép 35x35cm đã nghiệm thu vào công trình Hoàn thiện cảnh quan của đơn vị như: Xây lắp hồ nước, non bộ của công ty.

Cty Minh Tuấn có Văn bản số 08 ngày 10/12/2013 xin phép được sử dụng toàn bộ số cọc bê tông cốt thép đã nghiệm thu đưa vào công trình xây dựng tổ hợp dịch vụ đa năng khách sạn Ninh Bình.

Trong khi dự án đang thiếu vốn trầm trọng mới chỉ giải ngân được khoảng 3% trên tổng dự toán nhưng không hiểu giữa UBND huyện Kim Sơn và 2 nhà thầu này có mối quan hệ như thế nào mà Ban QLDA Kim Sơn lại ưu ái “khủng khiếp” đến vậy?

Tài sản của Nhà nước trị giá nhiều tỷ đồng do huyện Kim Sơn quản lý vứt lăn lóc bên lề đường tận TP Ninh Bình. Ảnh ND

Hàng chục văn bản nhiều tỷ đồng… bị văn thư “bỏ quên” một cách khó hiểu?

Theo kết luận của đoàn thanh tra, kiểm tra sổ công văn đi, đến và hồ sơ lưu trữ tại Ban QLDA Kim Sơn: Không ghi chép và vào sổ các văn bản của 2 công ty đã giải trình và cung cấp (gồm Văn bản số 16/CV – CTT ngày 2/1/2012, Văn bản 188/CV – MT ngày 20/5/2016 của Cty Cường Thịnh Thi; Văn bản số 02/CV – CTT ngày 3/1/2012, Văn bản số 08/CV – MT ngày 10/12/2013 của Cty Minh Tuấn; Văn bản số 02/BQL ngày 20/12/2013, Văn bản số 21/BQL ngày 26/5/2016 của Ban QLDA Kim Sơn). Tuy nhiên, theo báo cáo giải trình của Ban QLDA Kim Sơn, do sơ xuất trong công tác văn thư lưu trữ nên không vào sổ công văn đi, đến và xác nhận nội dung giải trình và các văn bản của 2 công ty đã cung cấp là đúng.

Vậy “là đúng” ở đây có thể hiểu như thế nào, đúng là thực tế có việc 2 đơn vị nhà thầu “mượn” và huyện Kim Sơn cho “mượn” tài sản Nhà nước đem đi thi công trụ sở nhà thầu và công trình khác bất chấp các quy định quy định của pháp luật?

Hay là việc đoàn thanh tra kiểm tra thực tế không thấy số cọc bê tông “là đúng” số cọc lên tới 14,5 tỷ đồng này chưa bao giờ tồn tại? Bởi biên bản nghiệm thu để thanh toán cũng lại là biên bản khống (cọc thực tế không đúc tại hiện trường, nhưng vẫn được nghiệm thu tại hiện trường) và các văn bản như giải trình của nhà thầu cùng Ban QLDA Kim Sơn lại “vô tình” không có trong sổ sách theo dõi.

Hơn nữa, dự án trên được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt tại Quyết định số 551 ngày 2/6/2010 và phê duyệt tổng dự toán tại Quyết định số 4560 ngày 14/10/2011, thì đúng một ngày sau 15/10/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1792 về tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ.

Quy định thì rất chặt chẽ, vậy nhưng gần chục năm trời, cái “lỗi của văn thư” Ban QLDA Kim Sơn không hề bị phát hiện, và ngân sách Nhà nước cũng không một lần được chủ đầu tư nhớ tới để đòi về cho Nhà nước.

Chỉ đến khi đoàn thanh tra thứ 3 (Thanh tra tỉnh Ninh Bình) vào cuộc, những sai phạm nghiêm trọng này mới bị phát hiện, yêu cầu thu hồi giảm trừ thanh quyết toán gần 4 tỷ đồng và thu hồi tài sản của Nhà nước lên đến 14,5 tỷ đồng.

Thực tế như thế, thể hiện lãnh đạo UBND huyện Kim Sơn và Ban QLDA Kim Sơn để mặc các nhà thầu tự tung, tự tác vì: “Về trình tự thủ tục còn các hạn chế tồn tại như: Bản vẽ thi công, dự toán đã được thẩm tra, phê duyệt và đóng dấu thẩm tra của đơn vị tư vấn thẩm tra nhưng chưa ghi ngày, tháng, năm theo quy định; nhật ký thi công chưa đóng dấu giáp lai của nhà thầu thi công xây dựng, nội dung ghi nhật ký chưa cụ thể tình hình thi công hàng ngày trên công trường như về số lượng, chủng loại, kích thước, khối lượng đã thực hiện, máy móc, nhân công…” - Thanh tra tỉnh Ninh Bình kết luận.

Đến thời điểm này, dự án đã được 3 đoàn thanh tra kết luận (Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra tỉnh Ninh Bình). Những sai phạm đã được chỉ ra ở đây là sự chủ quan có hệ thống và khá nghiêm trọng nhưng các tổ chức và cá nhân có liên quan chỉ nhận hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm thì hình như có vẻ như chưa đúng người, đúng tội.

Có hay không các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực hiện dự án này, đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình, Công an tỉnh Ninh Bình vào cuộc làm rõ.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Thành Nam - ND

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/ket-luan/mang-cua-cong-di-xay-tru-so-cong-ty-cuong-thinh-thi_t114c1002n159288