Mang chuông đi đánh xứ người

Kết quả khảo sát Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2016 của Vietnam Report cho thấy, có khoảng 45% doanh nghiệp 'khát khao' đầu tư ra nước ngoài trong 5 năm tới.

Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 1/2017, Việt Nam có 1.188 dự án đầu tư tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 21,4 tỷ USD. Đây được đánh giá là “con số trong mơ” của doanh nghiệp Việt 20 năm trước.

Từ sản phẩm truyền thống…

Những ngành được doanh nghiệp tập trung đầu tư như khai khoáng, nông, lâm, ngư nghiệp có thể coi là các thế mạnh mà Việt Nam đang có. Điển hình nhất là ngành thủy sản.

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú là doanh nghiệp có doanh thu bán ra thị trường nước ngoài chiếm rất cao trong cơ cấu doanh thu thuần. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu thuần Minh Phú đạt hơn 6.342 tỷ đồng thì doanh thu nội địa chỉ đạt hơn 21,5 tỷ đồng, chiếm 0,34% doanh thu thuần. Bắc Mỹ (chiếm 46,40%) và Nhật Bản (chiếm 26,40%) là các thị trường chiếm nhiều doanh thu nhất của Minh Phú.

Trong cơ cấu doanh thu Công ty CP Vĩnh Hoàn, doanh thu xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 3.332 tỷ đồng, tăng hơn 8,4% so với cùng kỳ 2016, chiếm gần 84% tổng doanh thu. Theo báo cáo mới nhất, tổng xuất khẩu quý III/2017 của Vĩnh Hoàn đạt hơn 71,1 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ 2016. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu đạt hơn 211,3 triệu USD, tăng gần 2% so với 9 tháng 2016.

Sản phẩm sữa của Vinamilk đã góp mặt ở hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Ngoài các doanh nghiệp trên, cần phải kể đến “ông lớn” ngành sữa Việt Nam, Vinamilk. Không chỉ nắm giữ thị phần lớn trong nước (56,7% thị trường chung vào cuối năm 2016), sản phẩm sữa của Vinamilk cũng góp mặt ở hơn 40 quốc gia trên thế giới, bao gồm khu vực Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi và nhiều quốc gia khác. Được biết, đầu năm 2016, Vinamilk đã trúng hợp đồng xuất khẩu sữa bột trẻ em trị giá 12,5 triệu USD sang Trung Đông.

Trong năm 2016, doanh thu thuần của Vinamilk với khách hàng ở nước ngoài đạt hơn 4.406 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2.142 tỷ đồng.

… đến sản phẩm công nghệ

Ngoài hàng hóa, dịch vụ cũng là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài với nhiều ngành nghề đa dạng như: công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, tài chính… Trong đó, đáng chú ý là ngành công nghệ thông tin với các dự án mang về hàng trăm triệu USD của 2 ông lớn Việt Nam: Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Công ty CP FPT.

Đối với Viettel, tổng doanh thu từ đầu tư ra nước ngoài lũy kế đến hết năm 2016 của tập đoàn này là 6,5 tỷ USD, riêng năm 2016 đạt 1,4 tỷ USD. Viettel cũng là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất hiện nay có doanh thu từ thị trường nước ngoài trên 1 tỷ USD/năm. Tập đoàn này đặt mục tiêu tiến vào Top 10 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới về lĩnh vực đầu tư quốc tế vào năm 2020.

Theo báo cáo đánh giá hoạt động kinh doanh, đầu tư nước ngoài tại 9 thị trường quốc tế của Viettel, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm thu về từ các thị trường này đạt 41,2 triệu USD (tương đương gần 1.000 tỷ đồng) tăng 155,7% so với cùng kỳ năm 2016. Doanh thu tăng 25% so với cùng kỳ 2016, ở mức gần 14.000 tỷ đồng (600 triệu USD). Tính lũy kế kể từ khi đầu tư ra nước ngoài đến hết tháng 6/2017, Tập đoàn này đã thu về lợi nhuận hơn 520 triệu USD.

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của FPT cũng rất hiệu quả, đây cũng là doanh nghiệp tiên phong trong việc “xuất ngoại”. FPT đã hiện diện tại 21 quốc gia và cung cấp dịch vụ cho hơn 450 khách hàng, trong đó có 50 khách hàng thuộc danh sách Forbes 500.

Trong 8 tháng đầu năm 2017, thị trường nước ngoài của FPT ghi nhận doanh thu đạt 4.216 tỷ đồng, tăng 16%; lợi nhuận trước thuế 628 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 1/3 lợi nhuận của Tập đoàn. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) mới đây ước tính, doanh thu xuất khẩu phần mềm của FPT có thể đạt 6.364 tỷ đồng, tăng 22,5% trong năm 2017. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế mảng này có thể đạt 17%, cao hơn 0,5% so với năm 2016 do các thị trường đã đi vào ổn định. Theo đó, lợi nhuận trước thuế mảng xuất khẩu phần mềm có thể đạt 1.082 tỷ đồng, tăng trưởng 26,5% so với năm 2016.

Thị trường Nhật Bản được đánh giá là thị trường chính và giành nhiều sự quan tâm của FPT Software. BVSC ước tính doanh thu từ thị trường Nhật Bản của FPT Software đạt 3.500 tỷ đồng trong năm 2017, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2017, thị trường Mỹ có thể đạt mức tăng trưởng 22% so với 2016, tương đương 1.238 tỷ đồng doanh thu. Thị trường châu Âu có thể tăng trưởng chậm lại, ước đạt 10% so với 2016, tương đương 809 tỷ đồng doanh thu. Thị trường châu Á - Thái Bình Dương ước tăng trưởng 30%, tương đương 817 tỷ đồng do FPT đang có hoạt động mở rộng tại thị trường này.

GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), đưa ra 3 lưu ý cho các doanh nghiệp Việt khi muốn “xuất ngoại”. Thứ nhất là lựa chọn dự án. Thứ hai, là phải có dự báo trước về sản phẩm có thể đầu tư và đầu tư phải vừa sức. Thứ ba là việc lựa chọn nước đầu tư. Nguồn lực của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, nên đầu tư vào các nước cần phát triển các ngành thâm dụng lao động hoặc ngành nghề nông nghiệp có thế mạnh.

Nguyệt Anh/ Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/mang-chuong-di-danh-xu-nguoi-20171215140437745.htm