Mang chữ Tâm lên non, xuống biển...

Hành trình thiện nguyện của nhóm 'Chia sẻ - Sharing' do bà Mai Thị Hạnh và bè bạn khởi xướng từ nhiều năm qua, mỗi năm lại dài hơn và đông vui hơn. Những tấm lòng nhân ái và những bàn tay nhiệt huyết cứ mãi nối vào nhau khiến cho số lượng việc thiện ngày một nhiều lên.

Chị Nguyễn Thị Tranh - nguyên Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, từ khi nghỉ hưu đã nhận lãnh công tác điều phối theo sự phân công mang tính “áp đặt” của nhóm, dù bản thân phải mang vác không ít trách nhiệm với gia đình và đối tác kinh doanh.

Men theo các tin nhắn Viber dài dằng dặc của “Văn phòng di động” xinh đẹp và năng động này, thì mới thấy lịch trình và kết quả việc thiện của nhóm “Chia sẻ - Sharing” trong năm 2019 dày đặc và phong phú một cách đáng ngạc nhiên.

Nhà ở cho cựu chiến binh, giếng nước sạch, xây cầu và áo phao cho ngư dân...

Đi đến các tỉnh biên giới phía Bắc, nơi có núi cao vực sâu và vô số người có hoàn cảnh khó khăn luôn là ưu tiên của nhóm “Chia sẻ”. Đứt ruột khi nhìn thấy những em bé người dân tộc phong phanh trong giá rét đi bộ đến trường, những mái nhà trống trải ven sườn núi, những bữa cơm thiếu thịt cá... ở Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La... Đau lòng khi chứng kiến người dân nhiều vùng của Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau dùng nước sinh hoạt đục lừ mà ngay cả rửa tay cũng ái ngại. Ở đâu cũng cần những bàn tay tương thân tương ái. Thế là phát đi lời vận động trong và ngoài nhóm. Thế là chia nhau đi kết nối với các tổ chức như Hội Chữ Thập Đỏ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Quỹ Hòa Bình Mỹ Lai, Hội Khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam...

Mỗi chuyến đi giúp các hoàn cảnh khó khăn là một lần thắt chặt tình thân của những người ưa làm thiện nguyện. 356 căn nhà tặng cho các cựu chiến binh khó khăn Hà Giang, chủ yếu là người lính giai đoạn chống xâm lược từ 1979 đến 1989. Xây một điểm trường mầm non ở Tàn Pà, trị giá gần 1 tỷ đồng. Tặng 400 giếng nước sạch cho người dân ở Cù lao Dung (Sóc Trăng) và Long Mỹ (Hậu Giang) trị giá 2 tỷ đồng...

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân với các cựu chiến binh Hà Giang. Ảnh: TL

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân với các cựu chiến binh Hà Giang. Ảnh: TL

Trong quá trình tìm kiếm hình thức mới để vận động từ thiện, một sáng kiến nảy sinh đã được nhóm thực hiện ngay rất hiệu quả: Luật sư Kim Anh, một thành viên trong nhóm không chỉ có tấm lòng quảng đại vì người nghèo mà còn có năng khiếu vẽ tranh với nghệ danh Viễn Phương. Chị đã chọn các bức ảnh đẹp do các thành viên trong nhóm cung cấp để vẽ tranh.

Tại Hội chợ ẩm thực quốc tế thường niên 2019 do Bộ Ngoại giao tổ chức ở Hà Nội, nhóm “Chia sẻ” đã tổ chức đấu giá 6 bức tranh của họa sĩ Viễn Phương. Toàn bộ số tiền đấu giá 475 triệu đồng đã được chuyển đến Bộ Ngoại giao xây cầu cho học sinh ở nơi mà các em phải qua sông đi học bằng bọc ni lông.

Cuối tháng 11.2019, khi biết nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đang vận động tặng mấy chục ngàn áo phao đa năng cho ngư dân đánh bắt xa bờ, nhóm đã nhanh chóng quyên góp được ngay 1.144.000.000 đồng để mua 1.000 áo phao. Những cái tên quen thuộc lại đi đầu trong cuộc vận động này: Đặng Thu Thủy ACB, Huỳnh Bích Ngọc TTC, Trần Thúy Nga Kiến Á, Nguyễn Kim Minh, Mai Thị Hạnh và gia đình, Trần Tú Liên, bệnh viện Phụ sản Quốc tế...

Tấm lòng của nguyên Chủ tịch nước

Đi miền núi là một việc rất quen thuộc của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Lúc chưa nghỉ hưu đã vậy, nghỉ hưu rồi ông cũng chưa bỏ thói quen này. Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Tuyên Quang... là những nơi ông Tư Sang hay lui tới. Ông bảo ở đó dân mình phần đông còn khó khăn lắm, lại là vùng phên dậu, đi để thấy những việc gì có thể vận động làm cho dân đỡ khổ thì cùng anh em làm.

Việc có thể làm, theo ông Tư Sang thấy qua những chuyến đi là ở Hà Giang tuy kinh tế đã phát triển nhiều so với trước nhưng cuộc sống của người dân vẫn còn rất khó khăn. Hà Giang còn tới 4.106 hộ nhà ở dột nát cần hỗ trợ. Từ tháng 7.2019, ông Tư Sang đã chia sẻ với lãnh đạo tỉnh ý tưởng vận động các nguồn lực để cùng tỉnh giải quyết khó khăn về nhà ở cho người nghèo.

Cuối tháng 9.2019, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh đưa ý tưởng này ra bàn trong Thường vụ Tỉnh ủy và lập tức nhận được sự đồng tình của tất cả các Ủy viên Thường vụ.

Trong một lần gặp gỡ các thành viên của nhóm “Chia sẻ” tháng 11.2019, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Phó Ban chỉ đạo Chương trình 3.000 căn nhà ở cho người nghèo kể: “Từ khi tỉnh triển khai chương trình, một tháng bác Sang lên Hà Giang tới 2 lần. Lần nào bác Sang cũng dành thời gian đi thăm một số cựu chiến binh nghèo trong tỉnh”.

Nhóm “Chia sẻ” trong chuyến đi tặng giếng nước sạch ở Hậu Giang. Ảnh: TL

Ngày 28.9, Hà Giang tổ chức lễ phát động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho cựu chiến binh nghèo, gia đình có công, hộ nghèo xã biên giới của tỉnh. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cùng tham dự buổi phát động ấy.

Sau lễ phát động, đại diện các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn đã tham gia quyên góp, ủng hộ chương trình. Tổng kinh phí huy động được tính tới thời điểm hiện tại khoảng 65 tỷ đồng. Lũy kế toàn tỉnh đã huy động được gần 120 tỷ đồng.

“Tất cả đều là nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách, cũng không có chi phí quản lý việc triển khai. Tất cả 60 triệu đồng được đưa trọn cho bà con để làm nhà. Mỗi căn nhà xây dựng tại Hà Giang được mạnh thường quân hỗ trợ 50 triệu đồng và tỉnh đối ứng 10 triệu đồng. Phần lớn số tiền đều do nguyên Chủ tịch nước và phu nhân vận động”, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết như vậy.

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, tin tức từ Hà Giang cho biết thêm: trước Tết Nguyên đán 2020, có ít nhất 1.000 ngôi nhà sẽ được bàn giao. Đến cuối năm 2020 sẽ có 1.000 căn nữa và con số còn lại sẽ được tiếp tục bàn giao trong năm tiếp theo. Hành trình thần tốc xây nhà cho người nghèo Hà Giang không thể diễn ra nếu thiếu sự nhiệt tình sâu sát và trách nhiệm thẩm định xuyên suốt của cán bộ các cơ quan, ban ngành trong tỉnh. Cán bộ trong tỉnh giờ đây đều biết có một ngày thứ Bảy để mọi lực lượng quân - dân - chính - đảng thay phiên nhau đến giúp đỡ các gia đình xây nhà mới nhằm giảm chi phí nhân công.

Các phóng viên đi theo các buổi bàn giao nhà đã chứng kiến sự xúc động của cựu chiến binh Long Đức Hoa ở xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì. Giải ngũ từ năm 1981 nhưng đến nay cuộc sống của ông vẫn hết sức khó khăn. Khi Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh đến thăm ông trong căn nhà cũ kỹ, trống trải và báo tin ông thuộc diện được hỗ trợ tiền xây nhà mới, ông Long đã không ngăn được nước mắt.

Càng gần đến Tết Canh Tý, Hà Giang càng tích cực chạy đua với khó khăn (chi phí vận chuyển vật liệu ở vùng hiểm trở đe dọa đội giá xây dựng nhà) để hoàn thành 1.000 căn nhà trước Tết. Chưa khi nào việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo sát biên giới tại Hà Giang lại được quan tâm mạnh mẽ tới vậy. Mùa đông 2019 này, nhiều gia đình tại Hà Giang đã được sống trong những ngôi nhà kiên cố. Cảnh sống co cụm nhà tranh vách đất, gió lùa lạnh thấu xương vào mùa đông đã thực sự lùi vào quá khứ.

Và trong câu chuyện chuẩn bị đón Tết trong nhà mới của những người dân nghèo Hà Giang, cái tên của nguyên Chủ tịch nước đã được thân mật nhắc tới, gần gũi và tự nhiên như khi đang khát có người đưa cho một ngụm nước mát...

Nguyễn Hà Giang

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/mang-chu-tam-len-non-xuong-bien-22177.html