Mạng ảo, tù thật!

Trong lúc cả xã hội đang lo ngại về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới (Covid-19) thì vào ngày 20-2, một phụ nữ ở tỉnh Hà Nam đưa lên Facebook cá nhân một văn bản giả mạo UBND tỉnh này về việc tiếp tục cho học sinh nghỉ đến hết tháng 3-2020

Phụ huynh bất an, dư luận xã hội lo lắng chỉ vì sự thỏa mãn vô lối của người này.

Cách đây vài ngày, Công an TP Đà Nẵng đã mời 2 quản trị viên của 2 nhóm Facebook có gần 40.000 thành viên lên làm việc và lập biên bản vi phạm hành chính. Nguyên do 2 trang Facebook này lập hẳn một bản đồ các chốt CSGT kiểm tra nồng độ cồn ở TP Đà Nẵng luôn được cập nhật để các thành viên "né" trạm. Những ma men tất nhiên luôn tìm đến với trang này nhằm thỏa thích ăn nhậu.

Facebook từ là một công cụ giải trí, giao tiếp trên không gian mạng, chẳng mấy chốc trở nên phức tạp và khó lường bởi rất nhiều người dùng nó cho mục đích tồi tệ. Trước hết là thói khoe khoang trong cộng đồng có thể ẩn danh. Bởi là trang cá nhân nên người khác không thể can thiệp vào nội dung mà chủ nhân thể hiện. Từ chuyện nhỏ như khoe một cái móng tay cho đến bình phẩm nhân cách mọi người, thậm chí phỉ báng cả tín ngưỡng của người khác... đều được chủ nhân tung hê không ngần ngại. Nhiều người qua đây tạo cho mình một đội ngũ người hâm mộ tùy hứng với ảo tưởng mình có quyền lực trên không gian mạng. Hiểu biết hạn chế thì cứ cóp nhặt, lượm lặt vô căn cứ để cố khoe kiến thức nửa mùa và nền văn hóa khập khiễng của mình.

Kế đến là những người tìm cơ hội trục lợi từ đám đông. Trong xã hội thương mại, sự quan tâm dễ dàng được biến thành tiền. Bỏ qua những người kinh doanh chân chính, rất nhiều người sử dụng Facebook đã bằng mọi cách lôi kéo người khác vào nhóm bằng các thông tin thất thiệt, không kiểm chứng, kể cả khi những thông tin đó phương hại đến người khác. Lượng người theo dõi lớn sẽ tìm được người trả tiền để quảng cáo, lăng xê... còn hậu quả gây ra cho xã hội thì mặc kệ.

Cộng đồng người dùng Facebook quá lớn nên cũng khó ngăn ngừa những kẻ bất lương chen chân vào lừa đảo. Đầu tháng 2-2020, Báo Người Lao Động nhận được phản ánh của bà Nguyễn Hồng Loan (ngụ xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM) về việc con bà bệnh nặng đã mất nhưng nhiều người vẫn đăng tải hình ảnh trên Facebook và kêu gọi mọi người góp tiền để chữa bệnh. Hàng trăm triệu đồng của nhũng người hảo tâm đã bị chiếm đoạt. Mô típ lừa đảo này khá phổ biến và luôn moi tiền được của những người nhẹ dạ. Nhiều bệnh viện lớn ở TP HCM cũng đã cảnh báo nhưng không ít kẻ lừa đảo vẫn nhởn nhơ.

Dù là mạng ảo nhưng Facebook là một phần của đời sống xã hội nên pháp luật có đủ quy định xử lý người sử dụng. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, nghiêm cấm các hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… Tùy mức độ sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 1 tỉ đồng hoặc xử lý hình sự, phạt tù đến 7 năm.

Mạng là ảo nhưng tù là thật nếu cố tình vi phạm.

Hồ Phi

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/mang-ao-tu-that-20200222221609126.htm