Mane từ cậu bé bỏ nhà đến biểu tượng của châu Phi

Từ cậu bé đam mê bóng đá đủ để bỏ nhà tới ngôi sao hay bậc nhất Premier League và vị trí thứ tư Quả bóng Vàng châu Âu, Sadio Mane đã đi chặng đường dài.

Từng là cầu thủ vô kỷ luật và tùy tiện, Sadio Mane giờ trở thànhhình mẫu chuyên nghệp của châu Phi, khi chủ động tiết chế tính cách hoang dã của mình lại, sinh hoạt điều độ hơn để tập trung cống hiến lâu nhất có thể cho Liverpool.

Anh vẫn cảm thấy tiếc vì những tháng ngày tuổi trẻ đã không vào khuôn khổ.

"Mọi điều tốt đẹp chỉ đến khi bạn chăm chỉ"

Sự nghiệp của cầu thủ bóng đá Sadio Mane thật ra không đi trên đường thẳng, mà trải qua nhiều ngã rẽ và chướng ngại vật. Khi còn là cầu thủ trẻ của Metz, Mane thường bị bà Madame Brech, người phụ trách học viện này, bắt gặp khi lẻn ra ngoài đi chơi khoảng một tiếng trước lúc bình minh.

Tại Áo, anh thường nằm ườn ra xem tivi với bạn của mình. Anh sẵn sàng bỏ thời gian về quê nhà Senegal cho những kỳ nghỉ dài, mà chẳng cần suy nghĩ quá nhiều.

 Những năm tháng ở Salzburg đã giúp Mane trưởng thành. Ảnh: Getty.

Những năm tháng ở Salzburg đã giúp Mane trưởng thành. Ảnh: Getty.

Tại Metz, mỗi tuần, Mane chỉ ra sân một lần. Từ ngày chuyển sang Liverpool, cầu thủ người Senegal buộc phải cẩn trọng hơn, vì các trận đấu diễn ra đều đặn sau mỗi 3 ngày. Anh cần hồi phục nhanh nhất để đáp ứng các yêu cầu chuyên môn.

Cho nên Mane, cầu thủ mà ta đã biết ngày nay, cảm thấy tiếc nuối với sự phí phạm thời gian của bản thân trước kia. "Đó là sai lầm thật sự. Khi còn trẻ, đáng lý bạn phải tận dụng tối đa để làm việc chăm chỉ. Tôi nghiệm ra điều đó khi đi đến giai đoạn này của sự nghiệp. Mọi điều tốt đẹp chỉ đến khi bạn chăm chỉ", Mane nói.

Mane, người được mô tả là hay cười, dè dặt, khiêm tốn và đáng yêu, đôi khi quá bận rộn. "Anh ấy tử tế, được quý mến, nhưng đôi khi không có thời gian dành cho bạn bè", Pierre Bouby, đồng đội của Mane tại Metz nhớ lại. Còn Olivier Perrin, HLV của Mane tại đội trẻ Metz nói anh "sở hữu sức mạnh tinh thần đến từ nội tại, sau tất cả những gì đã trải qua".

Perrin nói: "Đối với người Senegal, mọi thành công đều gắn với gia đình. Bạn phải làm mọi thứ cho họ, và điều đó khác xa người châu Âu. Đó là động lực mà chúng tôi không có". Chính Mane từng khẳng định: "Bạn có thể nói 'Tôi không biết mình sẽ đi đâu. Nhưng bạn không thể nói, tôi không biết mình đến từ đâu. Bạn phải luôn nghĩ đến những người đã cưu mang bạn'".

Người hùng ở Senegal

Ngôi làng Bambali nằm trên một trong những khúc quanh rộng lớn, uốn lượn của sông Casamance ở Tây Nam Senegal. Đối với Mane, đây là nhà. Các đường phố được bao phủ bởi những tấm áp phích gọi Mane là "niềm tự hào quốc gia".

Ngay sau khi Moussa Ndione, giáo viên và huấn luyện viên của câu lạc bộ đầu tiên của Mane, Mansacounda de Bambali, phàn nàn rằng mặt sân của họ "mấp mô và chật chội với những đứa trẻ và đàn bò của chúng", Mane đã tài trợ để xây riêng một trường học, một bệnh viện và nhà thờ hồi giáo mới ở quê hương, với những mái nhà bằng kim loại.

Vấn đề duy nhất bây giờ là lũ trẻ đi học muộn liên tục, vì chúng đều muốn trở thành Sadio Mane mới, mải mê đá bóng, mặc trên người một trong số 300 chiếc áo đấu Liverpool mà anh đã tài trợ. Ngay cả khi Mane đã có một bài nói chuyện tại đây, khuyên nhủ lũ trẻ hãy học hành trước đã, thì chuyện này cũng không thay đổi.

Những đứa trẻ tại Senegal đều mơ một ngày trở thành Sadio Mane. Ảnh: Getty.

Nhà thờ mà Mane xây có một bức chân dung của cha anh, một thầy tế (vai vế rất cao trong đạo Hồi), người đã mất khi Mane mới 11 tuổi. Anh lớn lên cùng mẹ, chú và bà của mình, trong một đại gia đình có 45 người, hiện sống cùng nhau trong căn biệt thự mà anh xây cho họ.

Dì anh, Tiana Cisse, phẫn nộ khi thiên hạ đồn rằng, gia đình đã cố ngăn cản Mane chơi bóng, nhưng bỏ qua sự thật rành rành: Chính Mane đã nói như vậy. Anh từng kể lại câu chuyện phải kéo theo một người bạn về nhà cùng với mình để tránh bị đánh đòn, vì đã bỏ đi đá bóng thay vì đi học.

Chú anh, Ibrahim Toure, từng hét vào mặt Mane vì anh từ chối giúp gia đình thu hoạch: "Nó nói: Cháu mệt mỏi lắm rồi. Cháu sẽ trở thành một tuyển thủ quốc gia và sẽ không còn phải làm việc trên cánh đồng này nữa. Tôi quát nó: Nhảm nhí. Bằng cách nào? Ta không giàu. Ta không có tiền cho cháu đi đá bóng'. Tôi không tin vào giấc mơ của nó".

Năm 16 tuổi, Mane trốn đến Dakar, thủ đô của Senegal, để tìm cơ hội làm cầu thủ. Theo đúng kiểu đứa trẻ trâu giận dỗi gia đình: Anh giấu túi thể thao trong bãi cỏ bên ngoài cửa nhà vào đêm hôm trước, chỉ tiết lộ kế hoạch với người bạn thân nhất của mình. Hành vi bị phát hiện nhưng cũng chính nhờ lần đó, gia đình cho Mane đá bóng, để đổi lại, anh phải tốt nghiệp trước đã.

Năm 2009, Mane thi đấu tại giải vô địch khu vực ở Mbour, cách Dakar 80 km, và được mời đến thử việc cùng hàng trăm đứa trẻ khác. Với đôi giày rách rưới, được khâu lại một cách cẩu thả và mặc một chiếc quần đùi, Mane vào tầm ngắm của Abbou Diatta, tuyển trạch viên kỳ cựu của Học viện Generation Foot. Diatta đã do dự vì Mane quá ít nói. Sau cùng, ông đồng ý cho Mane vào học viện, nhưng anh vẫn được trở về cánh đồng làm việc và thu hoạch cùng gia đình mỗi mùa hè.

Cầu thủ của học viện Generation Foot thường đá cho Metz, vì hai bên ký thỏa thuận hợp tác từ năm 2003. Mane chỉ phải đợi đến cuối năm 2009 để gia nhập học viện Metz, nơi gần biên giới của Pháp với Đức và Luxembourg. Đến tháng 1/2010, cầu thủ 18 tuổi được định cư tại thành phố cổ xưa này.

Mane ra mắt Ligue 2 trong trận gặp Bastia vào tháng 1/2012 và nhanh chóng đá ngày càng tốt lên. Tuy nhiên, tiếc là sau đó Metz tụt xuống giải hạng Ba Pháp. Và Mane mơ về những hành trình mới. Chàng trai 20 tuổi thường nhìn ra cửa sổ xe bus của Metz và mơ về chuyến đi tiếp theo sẽ là khởi hành đến chức vô địch Champíon League.

Trải nghiệm đỉnh cao đầu tiên của Mane diễn ra vào mùa hè 2012, khi anh vào tứ kết môn bóng đá nam Olympic 2012 với tuyển Senegal và vào tầm ngắm của Gerard Houllier, khi ấy đã cộng tác với Red Bull.

Metz hét giá 2,5 triệu euro, cho rằng số tiền đó đủ để chùn tay đối tác khi nghĩ về cầu thủ mới có 19 kinh nghiệm thi đấu ở Ligue 2. Tuy nhiên, họ đã nhầm. Giám đốc kỹ thuật Ralf Rangnick hứng thú với màn trình diễn của Mane trước Tours vào tháng 8. Metz quyết định nâng giá chào bán lên 4 triệu euro. Tuy nhiên, vì phải xuống hạng, họ không thể gồng trước áp lực tài chính.

Mane là biểu tượng của Senegal và cả châu Phi. Ảnh: Getty.

Đây dường như là lựa chọn của số phận. Houllier là cựu HLV của Liverpool và ông lại góp một tay đào tạo cầu thủ cho Liverpool. HLV Roger Schmidt của Salzburg lúc đó theo đuổi phong cách bóng đá như Dortmund của Klopp. Và Mane thích nghi rất nhanh.

“Sadio tập chiến thuật nhiều, đặc biệt học cách đá gegenpressing, tức là giành lại bóng nhanh nhất có thể sau khi dễ mất”, trung vệ Andre Ramalho của Salzburg trả lời phỏng vấn. Vì bất đồng ngôn ngữ, Mane phải nhờ đồng đội Mustapha Mesloub làm “người quản lý” của mình, một cách gọi vui của nhân vật đã giúp anh rất nhiều trong hành trình hòa nhập ở Áo.

“Anh ấy như người trong gia đình”, Mane nói. Mesloub làm phiên dịch cho Mane, đi ăn với anh, vợ Mesloub chăm sóc Mane, giặt quần áo cho chân sút này. “Tôi sẽ không bao giờ quên giai đoạn đó của cuộc đời”, chân sút người Senegal tâm sự.

Bước ngoặt và Liverpool

Dưới thời tân Giám đốc kỹ thuật Rangnick, tân HLV Roger Schmidt, mùa 2013/14, Salzburg thắng 6/6 trận ở vòng bảng Europa League, và vào tháng 1/2014, bước ngoặt lớn xảy ra. Họ đá giao hữu với Bayern Munich của Pep Guardiola. Ramalho gọi đó là “trận đấu không thể quên được”.

“Chúng tôi thậm chí sút hỏng phạt đền”, hậu vệ này mỉm cười. “Màn thể hiện của Mane nổi bật. Tôi cảm thấy thương hậu vệ Bayern hôm đó, anh ấy là không thể ngăn cản”. Mane ghi bàn đầu tiên ở phút 13, kiếm được quả phạt đền để ghi bàn thứ hai, và kiến tạo bàn thứ 3. Guardiola nhận được cái mà ông gọi là “một bài học bổ ích” cho ngày sinh nhật thứ 43.

Mane là cầu thủ quan trọng bậc nhất của Liverpool trong những chiến công suốt 2 năm qua. Ảnh: Getty.

Salzburg muốn Mane trở thành đàu tàu của đội bóng ở chiến dịch Champions League 2014/15, nhưng sau đó, Rangnick quyết định loại bỏ chân sút này. Mane tự ý bỏ buổi tập ở trận play-off thứ hai Champions League, khi Salzburg thua Malmo 0-3 và bị loại với tổng tỷ số 2-4. Sau sự cố đó, Salzburg quyết định bán Mane đến Spartak Moscow. Tuy nhiên, cầu thủ người Senegal muốn đến Dortmund. Cuối cùng, Southampton nhảy vào.

Sau này, Mane tóm tắt hành trình của anh: “Ở Salzburg, tôi khám phá ra thứ bóng đá đích thực. Tại Southampton, tôi hệ thống lại kiến thức và các kỹ năng của mình. Để rồi sau đó, tôi sẵn sàng ký hợp đồng với CLB lớn bậc nhất châu Âu”.

Mane không ghi bàn, không kiến tạo trong 46/67 trận đầu tiên ở Premier League. Nhưng mọi thứ thay đổi ở trận tiếp Aston Villa ngày 16/5/2015. Anh ghi cú hat-trick nhanh nhất lịch sử Premier League: Ba bàn trong 2 phút 56 giây. Mane gọi đó là “một cú bóp cò”. “Tôi tự nhủ không thể mắc sai lầm nữa. Tôi phải bước lên đẳng cấp mới, và từ thời điểm đó, mọi thứ đều khả thi”.

Tuy nhiên, rắc rối lại một lần nữa ập đến. Mane bị Ronald Koeman cho ngồi dự bị trong trận gặp Norwich tháng 1/2016 sau khi đến họp đội muộn. Các tay săn tin thân cận của Southampton đồn rằng, Mane không chủ đích làm vậy. Lý do là anh lạc đường. Anh không tìm được phòng họp trong khách sạn. Nhưng Koeman không chấp nhận lý do đó.

Southampton hét giá 34 triệu bảng và ban đầu, nó quá cao so với Liverpool. Khi đội bóng này nhận ra việc Coutinho sẽ đến Barcelona tháng 1/2018, họ tự tin hơn và chốt hạ thương vụ.

Khi Mane mất dần sự tự tin trong những tháng đầu, Klopp nói chuyện riêng với Mane. “Ông ấy nói buộc phải xoay vòng, nhưng ông ấy giấu việc Coutinho sắp ra đi. Ông ấy thể hiện niềm tin vào tôi. Tôi nói với ông ấy: Tôi muốn được đá thường xuyên, vì sắp đến ngày bầu chọn Quả bóng Vàng châu Phi. Tôi muốn đua tranh cùng Mohamed Salah”.

Nếu cú hat-trick vào lưới Aston Villa là cú bóp cò, thì việc Coutinho ra đi cũng mang lại hiệu ứng tương tự. Việc đổi cánh với Salah giúp Mane dễ thở. Andrew Robertson bên cánh trái thường dâng cao, Mane được bó vào trung lộ chơi như số 10. Mane trở thành cầu thủ hay nhất châu Phi vào năm đó.

Thành công bây giờ giúp Mane trở thành người hùng của dân tộc và mọi người thường nhìn vào hiện tại để ngợi ca. Chỉ Mane hiểu, và anh cũng chia sẻ nhiều lần, anh đi lên từ những sai lầm tuổi trẻ. Những cự cãi không cần thiết với các HLV, những lần vô kỉ luật, quá nhiều thời gian bị phí phạm. Mane cảm thấy tiếc nuối.

Gerard Houllier nói, chính ông giới thiệu Mane cho Liverpool, nhưng nếu đến Liverpool vào thời điểm đó, có lẽ anh cũng thất bại. Đó mới là lúc Mane tu chí. Đó mới là thời điểm Klopp đến và màu áo đỏ hội tụ đủ yếu tố để Mane tỏa sáng. Âu cũng là sự sắp đặt của số phận.

Klopp: 'Ai đó giải thích cho tôi về tình huống việt vị?' HLV Klopp bực mình với quyết định bắt lỗi việt vị Sadio Mane sau khi trọng tài tham khảo VAR ở trận Liverpool hòa Everton 2-2 tại vòng 5 Premier League.

Đỗ Hiếu

Four Four Two

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mane-tu-cau-be-bo-nha-den-bieu-tuong-cua-chau-phi-post1144865.html