Manchester United đã đốt tiền thế nào thời hậu Sir Alex Ferguson?

Kể từ khi Alex Ferguson nghỉ hưu, Manchester United dường như đã đánh mất chính mình, không chỉ về phong độ thi đấu mà còn là cách chi tiêu của đội bóng.

Sau khi chia tay Alex Ferguson, qua 7 năm với 4 đời HLV, MU đã đưa về tới 37 cái tên với khoản chi lên tới 1 tỉ bảng. Hãy cùng điểm lại hành trình đó qua từng thời kì của mỗi huấn luyện viên. Qua đó cũng để thấy được ai là người thành công nhất với những bản hợp đồng của họ.

1. David Moyes (2013-2014)

David Moyes chính là người được kì vọng sẽ nối tiếp thành công của Sir Alex. Nhưng rồi ông đã trải qua 10 tháng thảm họa trên cương vị này. Việc Woodward theo đuổi chính sách "Galactico" cũng không thể giúp gì cho ông. Man United đã tiếp cận Bale, Fabregas, Toni Kroos và Mesut Ozil. Nhưng rồi cuối cùng họ kết thúc bằng cái tên Fellaini với mức giá 29 triệu bảng.

Sau đó, Quỷ Đỏ tiếp tục chào đón Juan Mata từ Chelsea với khoản phí 40 triệu bảng. Cả Fellaini và Mata đều đã thể hiện tốt và nhận được những đánh giá tích cực. Tiền đạo người Bỉ chỉ rời đi vào năm 2019 còn Mata vẫn ở lại cho đến lúc này.

Cuối cùng, David Moyes bị sa thải vào tháng 4 năm 2014. Ông là nạn nhân của chính sách mua bán đầy may rủi và sự non kinh nghiệm của Woodward.

David Moyes tại vị trong khoảng thời gian ngắn nhưng cũng kịp đem về một vài cái tên chất lượng.

David Moyes tại vị trong khoảng thời gian ngắn nhưng cũng kịp đem về một vài cái tên chất lượng.

2. Louis Van Gaal (2014-2016)

Sang đến phiên chợ hè 2014, MU đã sử dụng đồng tiền hiệu quả hơn. Đó là nhờ vào quyết tâm chi đậm để trở lại C1 cùng sức hút từ tân HLV Van Gaal. Cụ thể, đội bóng đã bỏ ra 175 triệu bảng để xây dựng đội hình theo ý của Van Gaal.

Trong đó, nổi bật và tiêu tốn nhiều nhất là Angel Di Maria với cái giá 67,5 triệu bảng. Ngoài ra, còn có Luke Shaw, Herrara, Rojo, Daley Blind và Falcao dưới dạng cho mượn. Trước đó, David Moyes cũng đã rất muốn có chữ ký của Herrara nhưng bất thành.

Về phần Di Maria, anh thực chất không nằm trong dự định của chiến lược gia người Hà Lan. Nhưng vì đề nghị từ Real quá hậu hĩnh, thương vụ này vẫn được kích hoạt. Van Gaal sau đó thừa nhận ông đã có những cầu thủ khác trong kế hoạch của mình. Điều đó khiến Di Maria trở thành người thừa tại sân Old Trafford và sớm phải ra đi.

Di Maria là bản hợp đồng đắt giá nhất của Van Gaal tại MU.

Sau khi trở lại với Champions League, MU tiếp tục tung tiền tại kì chuyển nhượng hè 2015. Tài năng trẻ Anthony Martial được coi là bản hợp đồng tiềm năng với mức phí 54 triệu bảng. Tiếp sau đó là sự xuất hiện của Depay và Schweinsteiger.

Với nhiều bổ sung chất lượng, Van Gaal được kì vọng sẽ thay đổi lối chơi bế tắc của Quỷ Đỏ. Nhưng rồi tất cả những gì ông và các học trò có thể làm được là chiếc cúp FA. Đây cũng là chiếc cúp đầu tiên của MU kể từ khi tạm biệt Sir Alex.

Van Gaal bị sa thải ngay sau đó. Cho đến thời điểm ấy, Martial là người duy nhất vượt qua được giai đoạn thử thách. Anh trở thành một phần quan trọng của đội bóng từ đó tới nay. Còn lại, những gương mặt khác được Van Gaal mang về đều đã gây thất vọng.

Tổng kết lại, nửa đỏ thành Manchester đã chi hơn 300 triệu bảng dưới triều đại Van Gaal. Nhưng trong số đó chẳng hề có bản hợp đồng nào thực sự mang tính bước ngoặt. MU vẫn còn quá nhiều vấn đề trong chi tiêu và mua sắm cầu thủ.

Van Gaal tuy được đầu tư khủng nhưng không mang đến nhiều sự tích cực.

3. Jose Mourinho (2016-2018)

Hè 2016, Mourinho tới tiếp quản chiếc ghế của Van Gaal. Ngay lập tức, những thay đổi lớn đã được tạo ra. Chỉ trong vài tuần đầu, BLĐ Man United đã móc hầu bao tới 166 triệu bảng. Trong đó, phần nhiều nhất thuộc về Paul Pogba với hợp đồng trị giá 89 triệu bảng. Bên cạnh đó là 2 cái tên Mkhitaryan và Eric Bailly. Ibrahimovic dù là hợp đồng miễn phí nhưng cũng làm tăng đáng kể quỹ lương.

Với đội hình đó, Mourinho đã có một khởi đầu không hề tồi. Ông cùng học trò dành được chức vô địch League Cup. Đặc biệt, MU đã lên ngôi vương tại Europa League năm đó. Đây cũng là danh hiệu lớn nhất đội bóng có được từ 2013 tới nay.

Mourinho đã giúp MU vô địch Europa League vào năm 2017.

Nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, Mourinho tiếp tục đẩy mạnh mua bán ở mùa giải tiếp theo. Hàng tiền đạo chào đón Romelu Lukaku với mức giá 75 triệu bảng. Tiếp theo lần lượt là Matic 45 triệu bảng và Lindelof 31,5 triệu bảng. Cuối cùng là Sanchez với mức lương điên rồ 500,000 bảng mỗi tuần.

Trong số những cái tên kể trên, chỉ có Matic là người thể hiện tốt. Sanchez trở thành gánh nặng khổng lồ của đội bóng. Ibrahimovic nhận nhiều kì vọng nhưng cũng không trở nên quá nổi bật. Trong khi đó, Lindelof chưa bao giờ khiến các Manucians yên tâm mỗi khi ra sân.

Mùa giải 2017-2018, MU kết thúc EPL ở vị trí thứ 2. Nhưng lối chơi khi ấy cũng mang đến cảm giác rằng ngày Mourinho rời chiếc ghế của mình không còn xa. Và Người đặc biệt cuối cùng cũng bị sa thải vào tháng 12.

Giống như những người tiền nhiệm, Mourinho cũng nhận được khoản đầu tư khổng lồ. Dù đã dành được 2 danh hiệu, nhưng nhìn chung ông cũng không đem lại những thay đổi quá tích cực cho Man United.

Mourinho vẫn phải ra đi trong thất bại giống như người tiền nhiệm.

4. Ole Gunnar Solskjaer (2018 tới nay)

Việc bổ nhiệm Solskjaer đã làm thay đổi hoàn toàn chính sách chuyển nhượng của MU. Bên cạnh việc chắp vá những vị trí còn hổng, họ cũng hướng đến các tài năng trẻ. Với tinh thần đó, 2 bản hợp đồng đầu tiên của ông có thể coi như khá thành công.

Cụ thể, Quỷ Đỏ cần một thủ lĩnh nơi hàng thủ và Maguire đến với mức giá kỉ lục. Trường hợp của Aaron Wan-Bissaka cũng vô cùng ấn tượng. Cầu thủ này đã nhanh chóng thể hiện một lối chơi năng nổ và hiệu quả. Trong khi đó, Daniel James cũng chứng minh mình là một nhân tố đáng hứa hẹn.

Solsa đã có một vài bản hợp đồng chất lượng khi vừa lên nắm quyền.

Nổi bật nhất có lẽ là cái tên Bruno Fernandes. Bản hợp đồng 47 triệu bảng có những màn trình diễn vượt xa ngoài mong đợi. Tuy nhiên, có một sự thật rõ ràng rằng MU đang thực sự cần thêm một trung vệ nữa. Nhưng Solskjaer đã không mang về thêm một cái tên nào như vậy.

Thay vào đó, ông hướng đến Donny van de Beek. Cầu thủ người Hà Lan cập bến với mức giá 35 triệu bảng. Thoạt nhìn, đây có vẻ là một bản hợp đồng tốt. Nhưng trên thực tế, nó đã gây ra cơn đau đầu không cần thiết cho Solsa ở hàng tiền vệ.

Nhìn chung, MU đã có những cải thiện trong chuyển nhượng dưới thời Solskjaer. Nhưng khi nhìn vào phong độ hiện tại của đội bóng, thật khó để nói vị thuyền trưởng người Na Uy đã làm đủ tốt với kế hoạch của mình.

MU vẫn đang chìm sâu trong khủng hoảng dưới bàn tay của Solskjaer.

Tổng kết lại, trong 7 năm hậu Sir Alex, MU đã đốt hết 1.074 tỉ bảng Anh. Và cả 4 huấn luyện viên đều không thể hưởng trái ngọt từ những bản hợp đồng của mình. Nói một cách công bằng, Solskjaer là người khá khẩm nhất trong việc mua bán. Tuy nhiên, MU vẫn còn rất nhiều việc cần làm để có thể quay trở lại những năm tháng đỉnh cao dưới thời Alex Ferguson.

Hoàng Phương

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/manchester-united-da-dot-tien-the-nao-thoi-hau-sir-alex-ferguson-4020201911222619798.htm