Man United: Giá trị nằm ở tương lai

Ralf Rangnick, trên nguyên tắc, sẽ chỉ là HLV trưởng Man United đến hết mùa này. Có thể sau đó ông sẽ chuyển sang vai trò cao hơn và đấy mới là những gì mở ra hy vọng cho MU, trong cái nhìn về cả một tương lai lâu dài.

Khi France Football khai trương mục “CLB xuất sắc nhất năm” trong giải thưởng Quả Bóng Vàng 2021, thì Chelsea của HLV Thomas Tuchel trở thành CLB đầu tiên đoạt giải.

Nhờ HLV Tuchel? Hay nhờ… quyết định chọn Tuchel thay Frank Lampard ngay giữa mùa bóng? Nhân vật quyết định trong việc chọn Tuchel là “nữ tướng” Marina Granovskaia. Tờ Tuttosport vừa trao giải “Giám đốc CLB xuất sắc nhất năm” cho nhân vật này.

Man Utd đang thi đấu tốt sau khi Solskjaer bị sa thải.

Man Utd đang thi đấu tốt sau khi Solskjaer bị sa thải.

Thế nào là “giám đốc CLB”, lại rất khó nói, bởi mỗi nơi hoạt động theo mỗi mô hình khác nhau. Ở Chelsea, Granovskaia chủ yếu quyết định những bản hợp đồng, gồm cả hợp đồng với HLV Tuchel. Cũng có thể nói, nhân vật này chịu trách nhiệm và có quyền cao nhất về mọi vấn đề bóng đá ở Chelsea. Ở nơi khác, đấy có thể là giám đốc kỹ thuật. Trước khi chia tay Chelsea, HLV trưởng Antonio Conte phàn nàn: “Tôi chỉ là HLV”. Ý Conte muốn nói ông không được mua cầu thủ theo nhu cầu chuyên môn của mình. Granovskaia mới là người có quyền, kể cả quyền… mua Conte!

Arsenal hoặc M.U sẽ không thể có một giải thưởng như Chelsea vừa có, đơn giản vì họ… không có giám đốc CLB. Arsene Wenger toàn quyền quyết định mọi chuyện, từ khi giữ ghế HLV trưởng Arsenal vào năm 1996. Cuối mùa bóng 2016/17, Wenger có câu bất hủ: “Giám đốc bóng đá làm gì? Tôi không hiểu. Ở đây, tôi là HLV trưởng”. Sau mùa kế tiếp thì Wenger chia tay Arsenal. Thành lũy cuối cùng của khái niệm “manager cổ điển” trong bóng đá Anh coi như sụp đổ. Rất giống, nhưng nổi tiếng hơn cả Wenger, là Alex Ferguson, “manager kiểu cũ” của M.U, toàn quyền quyết định mọi vấn đề bóng đá suốt từ năm 1986 đến năm 2013.

Arsenal giờ đã có giám đốc bóng đá rồi. Tương tự, M.U giờ cũng đã có giám đốc kỹ thuật Darren Fletcher, bên cạnh giám đốc bóng đá John Murtough.

Nhưng, so với các CLB ở Bundesliga hoặc La Liga, thì M.U hoặc Arsenal giống như những đứa trẻ đang tập tễnh những bước đầu tiên, trong mô hình điều hành của bóng đá hiện đại. Khác biệt căn bản: trên HLV trưởng còn có nhân vật quan trọng, quyết định những điều lớn lao hơn, dù vẫn là những vấn đề bóng đá. Giống như Granovskaia ở Chelsea vậy, dù không giống hẳn. Nhưng ít ra, Chelsea chững chạc, hiện đại, phát triển hơn M.U trong khía cạnh này.

Fletcher hoặc Murtough còn quá mờ nhạt, đến mức không thể nói là “trên” HLV trưởng. Ralf Rangnick, trên nguyên tắc, sẽ chỉ là HLV trưởng M.U đến hết mùa này. Có thể sau đó ông sẽ chuyển sang vai trò cao hơn và đấy mới là những gì mở ra hy vọng cho M.U, trong cái nhìn về cả một tương lai lâu dài. Tất nhiên, Rangnick có thể thất bại – thế mới là bóng đá. Nhưng ít ra, Rangnick “là một con đường”, hơn là một HLV trưởng ngắn hạn. Chứ chỉ lui tới với mỗi khái niệm Gegenpressing, thì đấy cũng chỉ là tiểu tiết mà thôi. Bóng đá đâu có lối chơi nào là ưu việt tuyệt đối.

M.U “hậu Ferguson” cứ lặn ngụp mãi với David Moyes, Louis Van Gaal, Jose Mourinho, Ole Gunnar Solskjaer, không phải vì năng lực của những HLV này, mà vì không có mô hình “chuẩn”, cùng một nhân vật “chuẩn” đi kèm. Vài năm nữa mới định hình một câu trả lời?

Theo Bongdaplus

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/the-thao/man-united-gia-tri-nam-o-tuong-lai/20211217014351648