Màn tái xuất bất ngờ của trùm khủng bố IS

Bất chấp nhiều nỗ lực truy bắt, thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr Al-Baghdadi vẫn thoát nạn đầy bí ẩn. Mới đây, đối tượng đã lại xuất hiện sau suốt 5 năm 'lặn không sủi tăm'.

Màn tái xuất đầy bất ngờ

Hôm cuối tháng 4 vừa qua, mạng lưới truyền thông Al-Furqan của IS bất ngờ công bố một đoạn video ghi lại cuộc nói chuyện của thủ lĩnh của tổ chức AlBaghdadi. Trong đoạn video, Al-Baghdadi được nhìn thấy ngồi khoanh chân trên một chiếc đệm, bên cạnh có ba người đàn ông che mặt.

Trong suốt bài thuyết trình kéo dài 18 phút, Al-Baghdadi đã đề cập đến cuộc giao tranh kéo dài nhiều tháng qua tại Baghouz, thành trì cuối cùng của IS ở miền Đông Syria, vốn kết thúc hồi tháng 3 vừa qua. “Cuộc chiến giành Baghouz đã kết thúc”, đối tượng thừa nhận.

Al-Baghdadi cũng đã thừa nhận một chuỗi các thất bại của IS, bao gồm cả ở Mosul của Iraq và Sirte ở Libya, nhưng khẳng định các phần tử thánh chiến không “đầu hàng”.

“Thánh Allah đã ra lệnh cho chúng ta phát động cuộc thánh chiến. Ngài không ra cho chúng ta phải chiến thắng”, đối tượng khích lệ tinh thần của những phần tử thánh chiến. Đề cập đến vụ tấn công đúng vào ngày lễ Phục sinh khiến 250 người thiệt mạng và gần 500 người bị thương vừa qua ở Sri Lanka hôm 21/4 vừa qua, AlBaghdadi tuyên bố vụ việc là “sự báo thù cho những người anh em ở Baghouz”.

Đối tượng cũng khẳng định các hoạt động của IS chống lại phương Tây là một phần của “trận chiến dài” và IS sẽ tiếp tục “trả thù” cho các thành viên đã bị giết. “Sẽ có thêm nhiều việc tiếp diễn sau cuộc chiến này”, trùm khủng bố nói. Abu Bakr Al-Baghdadi, còn có tên khác là Ibrahim Awwad Ibrahim AlBadri, sinh năm 1971 tại tỉnh Samarra, Iraq.

Là con của một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu nổi tiếng về tinh thần mộ đạo, ngay từ khi còn trẻ, đối tượng đã có niềm đam mê đọc kinh Koran và tỉ mỉ trong việc tuân thủ giáo luật. Đối tượng được gia đình đặt cho biệt danh “Tín đồ” vì niềm tin tôn giáo mãnh liệt cũng như sự khắt khe trong việc tuân thủ các quy định.

Đối tượng sẵn sàng trừng phạt người thân nếu họ không thực hiện theo đúng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt do hắn vạch ra. Al-Baghdadi sau đó tiếp tục theo đuổi những đam mê tôn giáo tại trường đại học.

Năm 1996, đối tượng lấy được bằng cử nhân về nghiên cứu Hồi giáo tại Đại học Baghdad và đến các năm 1999 và 2007 thì lần lượt có được bằng thạc sĩ và tiến sĩ về nghiên cứu kinh Koran từ Đại học nghiên cứu Hồi giáo Saddam của Iraq.

Cũng chính trong thời gian theo học ở các cơ sở giáo dục này, Al-Baghdadi đã bị chú của mình thuyết phục gia nhập tổ chức Anh em Hồi giáo. Kể từ đó, đối tượng tích cực giao du với một số ít những kẻ bảo thủ cực kỳ bạo lực trong phong trào Hồi giáo này và đến năm 2000, dưới sự giám hộ của những tên đó, Al-Baghdadi đã chấp nhận theo chủ nghĩa thánh chiến Salafist.

“Năng khiếu đặc biệt”

Trong vài tháng kể từ khi lực lượng liên quan do Mỹ dẫn đầu tấn công vào Iraq năm 2003, Al-Baghdadi đã cùng với một số đối tượng đứng ra thành lập nhóm nổi dậy Jaysh Ahl al-Sunnah wa al-Jamaah. Tháng 2/2004, đối tượng bị lính Mỹ bắt giữ tại Falluja và bị đưa đến một nhà tù tại Bucca.

Trong 10 tháng bị giam giữ tại đây, Al-Baghdadi vẫn miệt mài với các vấn đề tôn giáo, cầu nguyện và thuyết giảng cho các bạn tù. Theo một kẻ từng bị giam giữ cùng, đối tượng có năng khiếu đặc biệt trong việc thu phục các đối tượng chống đối, xoa dịu những mâu thuẫn.

Chính vì vậy nên đối tượng có mối quan hệ tốt với nhiều nhóm tù nhân khác nhau, có thể dễ dàng di chuyển giữa các khu vực giam giữ những đối tượng thuộc các phe phái đối địch lẫn nhau. Al-Baghdadi cũng đã lập liên minh với nhiều tên trong số đó và giữ liên lạc với chúng sau khi được trả tự do vào tháng 12/2004.

Sau khi được thả ra, Al-Baghdadi đã liên lạc với người phát ngôn của alQaeda ở Iraq (AQI) - một nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Iraq do tên Jordanian Mus al Zarqawi điều hành. Ấn tượng với những kiến thức học thuật về tôn giáo của Al-Baghdadi, người phát ngôn AQI đã thuyết phục đối tượng tới Damascus để đảm nhiệm việc đảm bảo các tài liệu tuyên truyền của AQI tuân thủ các nguyên tắc của đạo Hồi vốn cực kỳ bảo thủ.

Tháng 6/2006, Zarqawi thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ. Một đối tượng người Ai Cập tên Abu Ayyub al-Masri đã tiếp quản vị trí thủ lĩnh AQI. Tháng 10 năm đó, Masri đã giải thể AQI và thành lập tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Iraq (ISI). Nhóm này tiếp tục cam kết trung thành với al-Qaeda.

Vì có kiến thức tôn giáo phong phú và khả năng hàn gắn chia rẽ giữa những người nước ngoài đã đứng ra thành lập ISI và những người Iraq địa phương nên sau khi gia nhập ISI, Al-Baghdadi đã dần được giao cho những vị trí cao hơn trong tổ chức cực đoan này.

Đối tượng được giao trọng trách giám sát viên của Ủy ban Luật Sharia và được đưa vào Hội đồng Shura gồm 11 thành viên, chịu trách nhiệm cố vấn cho “tiểu vương” của ISI Abu Omar al-Baghdadi. Một thời gian sau, Al-Baghdadi được đưa vào Ủy ban Điều phối của ISI, chịu trách nhiệm giám sát việc liên lạc với các chỉ huy của nhóm tại Iraq.

Khi Omar al-Baghdadi bị tiêu diệt, năm 2010, AlBaghdadi được chọn làm người kế nhiệm. Mùa xuân năm 2013, đối tượng quyết định đổi tên tổ chức cực đoan thành “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và alSham (ISIS/ISIL). Vào tháng 6/2014, ISIS đã chiếm được Mosul - thành phố lớn thứ 2 của Iraq. Ít lâu sau đó, ISIS tuyên bố thiết lập Đế chế Hồi giáo ở Iraq, đồng thời đổi tên nhóm thành “Nhà nước Hồi giáo” (IS). Ít ngày sau đó, Al-Baghdadi có một bài giảng ở Mosul và tuyên bố là caliph, tức người kế tục nhà tiên tri Mohammed.

Đối tượng bị truy nã gắt gao nhất thế giới

Kể từ khi tuyên bố sự ra đời của “đế chế Hồi giáo” của IS trên khắp các vùng của Iraq và Syria, Al-Baghdadi đã lui vào hoạt động bí ẩn, không ai biết đối tượng đang ở đâu. Trong khi IS bị truy quét ở khắp nơi trên thế giới thời gian qua, đối tượng cũng bị săn lùng vô cùng gắt gao.

Song đối tượng được đặt biệt danh “con ma” vì vẫn còn xuất hiện sau nhiều lần được cho là đã bị tiêu diệt hoặc bị thương khi lãnh thổ của IS bị thu hẹp. Ví dụ, tháng 11/2014, giữa lúc có tin đồn Al-Baghdadi đã bị tiêu diệt, IS đã công bố một đoạn ghi âm thu sẵn đoạn phát biểu của đối tượng để đập tan tin đồn.

Theo các nguồn tin, ngày 3/11/2016, Al-Baghdadi đã phạm một sai lầm khiến đối tượng suýt phải trả giá bằng mạng sống của mình. Khi đó, trong lúc IS đang đẩy mạnh trận chiến giành thành phố Mosul của Iraq dù liên minh do Mỹ đứng đầu vẫn đang tích cực chiến đấu, từ một vị trí ở ngoại ô Mosul, Al- Baghdadi đã thực hiện một cuộc gọi dài 45 giây để kích động những tín đồ tiếp tục chiến đấu. Tín hiệu đã bị máy bay nghe lén điện tử của liên minh chống khủng bố chặn được.

Ngay lập tức, lực lượng liên minh đã được điều động để đến tiêu diệt thủ lĩnh IS. Có điều, AlBaghdadi đã nhanh hơn một bước. Khi liên quân có mặt, đối tượng đã nhanh chân trốn thoát. Kể từ đó, các lực lượng chống khủng bố đã không thể phát hiện được thêm vị trí của Al- Baghdadi ở đâu nữa. Mọi hành tung của đối tượng đều được che giấu vô cùng kỹ.

Đối tượng được cho là thường xuyên di chuyển ở các nơi, sẵn sàng thay đổi vị trí ngay sau khi thực hiện những cuộc điện thoại hay liên lạc với thế giới bên ngoài qua internet. Đối tượng cũng được cho là duy trì một lực lượng rất nhỏ các cộng sự cực kỳ tin cậy bên mình để hỗ trợ, gây khó khăn đáng kể cho việc truy bắt.

Tình báo Mỹ đã phải mất gần 10 năm, từ tháng 9/2001 đến tháng 5/2011, để truy tìm và tiêu diệt được trùm khủng bố Osama Bin Laden. Để đặc nhiệm Mỹ có thể xông vào hang ổ của Bin Laden ở Pakistan, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và tình báo Anh đã phải làm việc vô cùng tích cực, mở những chiến dịch theo dõi, chặn và giải mã thông tin liên lạc ở khắp nơi trên toàn thế giới cùng nhiều biện pháp khác.

Song, với sự khôn ngoan của Al-Baghdadi, việc tìm kiếm được cho là sẽ không hề dễ dàng. Đối tượng hiện đang là kẻ bị truy nã gắt gao nhất thế giới, với mức thưởng mà Mỹ treo để lấy đầu là 25 triệu USD.

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/man-tai-xuat-bat-ngo-cua-trum-khung-bo-is-d97360.html