Mặn sẽ đến sớm và gay gắt trong mùa khô 2020 - 2021

Trong các tháng đầu mùa khô năm 2021, khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ đến sớm, cao hơn, gay gắt hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ, nhưng thấp hơn mùa khô 2019 - 2020.

Nhiều diện tích sầu riêng tại Bến Tre đã bị ảnh hưởng do đợt hạn mặn khốc liệt vừa qua khiến đất vườn bị xì phèn, cây trồng không hấp thu được chất dinh dưỡng, dẫn đến bị chết. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền - TTXVN

Nhiều diện tích sầu riêng tại Bến Tre đã bị ảnh hưởng do đợt hạn mặn khốc liệt vừa qua khiến đất vườn bị xì phèn, cây trồng không hấp thu được chất dinh dưỡng, dẫn đến bị chết. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền - TTXVN

Chiều 18/9, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức hội nghị thông tin tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn những tháng cuối năm 2020, mùa khô năm 2020 - 2021 và công tác chuẩn bị phòng tránh, ứng phó thiên tai, hạn mặn của tỉnh thời gian tới.
Nhận định tình hình thời tiết, thủy văn Nam Bộ từ tháng 9/2020 - 3/2021, ông Nguyễn Kiệt, Trưởng phòng dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ dự báo đỉnh lũ năm tại đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp. Đỉnh lũ trên sông Tiền tại Tân Châu, sông Hậu tại Châu Đốc thấp hơn báo động 1 từ 0,2 - 0,3m (báo động 1 tại Tân Châu: 3.50m; Châu Đốc: 3.00m).
Theo ông Nguyễn Kiệt, thời gian xuất hiện mực nước đỉnh lũ năm có khả năng xảy ra vào giữa tháng 10/2020.

Dự báo đỉnh lũ năm 2020 trên sông Cửu Long ở mức thấp, tổng lượng dòng chảy thượng nguồn Mekong về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, nên trong các tháng đầu mùa khô năm 2021 khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ đến sớm, cao hơn, gay gắt hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ, nhưng thấp hơn mùa khô 2019 - 2020.
Tuy nhiên, do mưa cuối mùa ở khu vực Nam Bộ cao hơn trung bình nhiều năm từ 15 - 30%, cùng với khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa vào mùa khô năm 2020 - 2021 nên khả năng thiếu hụt nước trong nội đồng và nhu cầu nước sinh hoạt trong nhân dân không gay gắt như mùa khô 2019 - 2020.
Theo GS.TS Tăng Đức Thắng, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, lũ trên Đồng bằng sông Cửu Long giảm nhiều do hồ chứa trên lưu vực lớn; tần suất lũ lớn chỉ xảy ra ít; dự báo mực nước lũ nhỏ ở Tân Châu từ 3,4 - 3,8m.
Năm nay, nguồn nước Mekong ít, xâm nhập mặn lên cao và đến sớm (khoảng từ tháng 1), độ mặn 4g/l xâm nhập mặn cách cửa sông khoảng 70 km. Các địa phương vùng biển sẽ thiếu nước ngọt từ tháng 1 - tháng 3/2021.
Từ giữa tháng 9/2020 - 3/2021, tại ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 5 đợt triều cường cao vào các ngày 18 - 21/9/2020, 15 - 19/10/2020, 14 - 18/11/2020, 13 - 17/12/2020 và từ ngày 13 - 16/1/2021, với độ cao triều cường có thể chạm mốc kỷ lục vào ngày 18/10/2020 trong trường hợp trùng với kỳ hoạt động của gió chướng sẽ gây ngập lụt cho khu vực ven biển Nam Bộ, các cù lao ven sông, các tỉnh: Cần Thơ, Vĩnh Long,...
Trước những khả năng hạn, mặn tiếp tục sẽ xảy ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, GS.TS Tăng Đức Thắng, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đề nghị tỉnh Bến Tre cân nhắc kích hoạt kế hoạch phòng chống hạn mặn ở mức cao; triển khai tổ chức quản lý nguồn nước. Bên cạnh đó, rà soát diện tích vườn cây ăn trái chi tiết đến từng loại cây trồng và từng huyện, cân đối nguồn nước tưới trong thời gian ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chủ động ứng phó (nạo vét mương liếp, tưới tiết kiệm nước, không xử lý ra trái,...).
Định hướng phát triển vùng cây ăn trái lâu dài trong điều kiện hạn mặn xảy ra, GS.TS Tăng Đức Thắng đề xuất tỉnh Bến Tre rà soát quy hoạch, đẩy mạnh việc chuyển đổi, bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với các tiểu vùng sinh thái (lũ, ngọt, mặn - lợ), hạ tầng thủy lợi.
Đồng thời, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi vùng trồng cây ăn trái, xây dựng các công trình kiểm soát mặn tại đầu các kênh rạch thông ra sông nhằm ngăn mặn, trữ ngọt, tạo hồ trữ ngọt.

Nhà vườn nên nghiên cứu giải pháp tích trữ phân tán kênh rạch, ô bao, ao trữ, hộ gia đình trong các hệ thống thủy lợi để chủ động nguồn nước trong thời điểm mặn xâm nhập sâu.
Ông Nguyễn Kiệt cho rằng tỉnh Bến Tre và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, chủ động cập nhật các thông tin dự báo của các cơ quan chuyên ngành thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn để đề phòng trường hợp diễn biến tình hình khí tượng thủy văn trở nên phức tạp hơn.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập lưu ý lãnh đạo các huyện cần có kế hoạch, phương án cụ thể trong sơ tán người dân khi bão xảy ra; phương án kiểm đếm tàu thuyền chặt chẽ.
Về phòng, chống hạn mặn, các địa phương tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân trong chủ động trữ nước mưa, nước ngọt.

Lãnh đạo từ cấp tỉnh đến xã phải kiểm tra, giám sát rõ các hộ dân trong việc trữ nước mưa, nước ngọt bằng mọi phương án.

Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân trong ứng phó, phòng chống thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa bão, triều cường.

Các địa phương kiểm tra các đê bao, bờ bao xung yếu không để xảy ra vỡ đê khi triều cường, mưa bão; yêu cầu các đơn vị cấp nước tiếp tục đảm bảo chủ động không để xảy ra việc cấp nước mặn cho người dân.../.

Trần Thị Thu Hiền/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/man-se-den-som-va-gay-gat-trong-mua-kho-2020-2021/170065.html