Màn kinh tử chữa đau nửa đầu

Màn kinh tử hay còn gọi là vạn kim tử, quan âm, thuốc kinh, thuốc ôn, đẹn ba lá...

Màn kinh tử

Màn kinh tử là một cây nhỏ hay nhỡ, mùi thơm, có thể cao tới 3m. Cành non có 4 cạnh, có lông mềm bao phủ. Lá kép và thường gồm 3 lá chét; mặt trên nhẵn, mặt dưới nhiều lông trắng. Những lá chét hai bên nhỏ hơn, gân không nổi rõ. Hoa màu lơ nhạt, dài 13 -14mm, mọc thành chùy xim ở đầu cành, nhiều khi phía dưới có lá. Quả hình bầu dục có rãnh, đầu hơi dẹt, rộng chừng 6mm, được che kín quá nửa bởi đài phát triển và tồn tại.

Màn kinh tử mọc hoang rất nhiều khắp nơi ở nước ta. Loại 1 lá chét rất phổ biến, dọc bờ biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Vào các tháng 9 - 11 quả chín hái về phơi khô, loại bỏ cuống và tạp chất là có thể dùng được. Quả màn kinh tử có tinh dầu, trong tinh dầu có cam phen, pinen, ditecpen alcool và tecphenilaxetat, có ancaloit, vitamin A.

Theo Đông y, màn kinh tử có tác dụng trừ phong và thanh nhiệt, làm cho đầu óc và mắt sáng suốt.

Trị đau đầu do cảm mạo: Màn kinh tử, cúc hoa, phòng phong, toàn phúc hoa mỗi thứ 12g; xuyên khung 6g, khương hoạt 6g, sinh thạch cao 20g, chỉ xác 8g, cam thảo 4g, sắc nước uống.

Chữa đau đầu do huyết áp cao: Màn kinh tử 12g, cúc hoa 12g, bạc hà 8g (cho sau), bạch chỉ 8g, câu đằng 12 - 16g sắc nước uống.

Chữa đau nửa đầu (thiên đầu thống): Màn kinh tử 10g, cam cúc hoa 8g, xuyên khung 4g, tế tân 3g, cam thảo 4g, bạch chỉ 3g, đổ 600ml nước sắc đặc còn 1/3 chia 3 lần uống trong ngày.

Chữa đau mắt đỏ do phong nhiệt (viêm màng tiếp hợp cấp): Màn kinh tử 16g, cúc hoa 12g, chi tử 12g, hoàng cầm 12g, mộc tặc 12g, thiền thoái 4g sắc nước uống.

GS.TS Đỗ Tất Lợi, nguyên Trưởng khoa Dược liệu ĐH Dược Hà Nội

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/man-kinh-tu-chua-dau-nua-dau-d271779.html