Màn hình gập - sự đột phá công nghệ hay trào lưu nhất thời?

Các nhà sản xuất điện thoại thông minh đang tìm kiếm thứ gì đó mới mẻ để thu hút người tiêu dùng trong bối cảnh họ không thay điện thoại thường xuyên như trước.

Điện thoại màn hình gập FlexPai của Royole.

Trong vài năm qua, ngành công nghiệp điện thoại thông minh nỗ lực tìm kiếm sự đột phá về công nghệ để hồi sinh một thị trường đang bị trì trệ và thiếu sự phát minh, đổi mới. Giờ đây, một số nhà sản xuất đang đặt cược vào công nghệ mới nổi - loại màn hình có thể gập làm đôi mà không bị vỡ.

Làn gió mới

Đại gia công nghệ Samsung (Hàn Quốc) và một số đối thủ đang chuẩn bị tung ra loại màn hình như thế để giúp thiết bị được sử dụng linh hoạt hơn trong công việc và giải trí. Màn hình có thể gập lại và mở ra, giúp không gian hiển thị của điện thoại to như chiếc máy tính bảng nhỏ nhưng khi gập lại có thể bỏ vào túi dễ dàng như một điện thoại thông thường.

Nếu loại điện thoại mới này có thể đáp ứng kỳ vọng của nhà sản xuất và người tiêu dùng, nó sẽ đánh dấu bước nhảy vọt của ngành công nghiệp này. Dù vậy, vẫn còn những câu hỏi về giá cả và độ bền của sản phẩm. Trong những bản tuyên bố đã có đến nay, rất dễ nhận thấy là việc tạo ra một màn hình vừa linh hoạt vừa bền không dễ dàng. Samsung đã công bố kế hoạch phát triển mẫu điện thoại màn hình gập cách đây năm năm nhưng mãi đến gần đây mới hé lộ chút ít về những gì đang chế tạo.

“Chúng ta lâu nay đang sống trong một thế giới nơi kích thước tối đa của màn hình chỉ có thể tương đương với kích thước của thiết bị. Giờ đây, mọi chuyện bắt đầu thay đổi”, ông Justin Denison, Phó chủ tịch cấp cao về tiếp thị sản phẩm di động của Samsung, nhấn mạnh khi cho ra mắt mẫu điện thoại màn hình gập cầm trên tay tại một sự kiện ở thành phố San Francisco (Mỹ) hôm 7-11. Thiết bị dự kiến được tung ra thị trường vào nửa đầu năm 2019 tới nhưng không có nhiều chi tiết về nó được hé lộ.

Ông Bill Liu, Giám đốc điều hành Royole, bên cạnh một số thiết bị sử dụng màn hình linh hoạt của công ty.

Các nhà sản xuất điện thoại thông minh đang tìm kiếm thứ gì đó mới mẻ để thu hút người tiêu dùng trong bối cảnh họ không thay điện thoại thường xuyên như trước, một phần vì thiết bị mới trở nên đắt đỏ nhưng lại không có nhiều khác biệt nổi bật. Thực trạng này là lý do chính khiến doanh số điện thoại thông minh trên toàn thế giới giảm trong bốn quý liên tiếp vừa qua, theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường IDC. Riêng Samsung chứng kiến doanh số điện thoại giảm 7% trong giai đoạn từ tháng 9-2017 đến tháng 9-2018.

Vì thế, các nhà sản xuất kỳ vọng nỗ lực thúc đẩy điện thoại màn hình gập có thể mang lại làn gió mới tích cực. Chu kỳ nâng cấp điện thoại trung bình ở Mỹ hiện là 32 tháng, tăng đáng kể so với mức 24-25 tháng hai năm 2013 và 2014. Việc rút ngắn được chu kỳ này, dù không nhiều, có thể giúp thị trường trở nên sống động hơn.

Royole Corp., một công ty nhỏ ở Thung lũng Silicon, hy vọng bán các phiên bản đầu tiên của điện thoại màn hình gập FlexPai với giá từ 1.300 đến 1.500 đô la tại Mỹ vào năm tới. Trước mắt, sản phẩm này dự kiến được tung ra thị trường Trung Quốc trong tháng 12 năm nay với mức giá khoảng 1.300 đô la - một diễn biến giúp Royole trở thành công ty đầu tiên trên thế giới bán thiết bị này. Một số tên tuổi khác cũng sẵn sàng tham gia cuộc đua phát triển điện thoại màn hình gập chạy hệ điều hành Android. Chẳng hạn như Huawei xác nhận đang phát triển mẫu điện thoại như thế trong lúc LG Electronics dự kiến giới thiệu thiết bị tương tự tại cuộc Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) tại thành phố Las Vegas (Mỹ) vào tháng 1-2019 tới.

Nhiều câu hỏi

Mục tiêu của Samsung

Bất chấp sự hoài nghi của một số nhà phân tích, Samsung vẫn đặt cược đáng kể vào điện thoại màn hình gập khi cho biết sẽ sản xuất ít nhất 1 triệu thiết bị này. Để so sánh, tập đoàn Hàn Quốc này đã xuất xưởng được hơn 300 triệu chiếc điện thoại vào năm ngoái, theo công ty nghiên cứu thị trường TrendForce.

Ý tưởng về một thiết bị có khả năng uốn cong thành các hình dạng khác nhau nghe có vẻ hấp dẫn. Royole cho biết họ thiết kế FlexPai để khắc phục hai điểm thiếu sót đáng kể của điện thoại thông minh truyền thống - màn hình mong manh và không đủ lớn để thực hiện những tác vụ như xem phim hoặc chỉnh sửa tài liệu. Ông Bill Liu, Giám đốc điều hành công ty, cho rằng FlexPai cơ bản là một máy tính bảng thu nhỏ có thể nhét vào túi quần, qua đó cho phép người tiêu dùng tiết kiệm tiền bạc và mang đến sự tiện lợi bởi họ không mang theo nhiều thiết bị cùng một lúc khi cần.

Dù vậy, nhà phân tích Ramon Llamas của IDC, hoài nghi về tính thiết thực và độ bền của chúng. Một trong những câu hỏi lớn nhất là liệu chất lượng màn hình có bị suy giảm hay không khi chúng được gấp lại nhiều lần. Trong nỗ lực giải tỏa mối nghi ngờ này, Royole cho biết thiết bị FlexPai có thể gập lại hơn 200.000 lần mà không bị giảm chất lượng màn hình. Trong khi đó, Samsung cho biết sản phẩm sử dụng công nghệ màn hình mới được gọi là Infinity Flex Display, cho phép người sử dụng mở và đóng gập màn hình nhiều lần mà không ảnh hưởng đến độ bền của thiết bị. Ngoài ra, vẫn còn quá sớm để biết được điện thoại màn hình gập có đủ sức cuốn hút số đông người sử dụng hay không, nhất là khi giá của nó dự kiến lên đến hơn 1.000 đô la.

Vẫn còn không ít sự đột phá công nghệ và thiết kế chờ đợi các nhà sản xuất điện thoại màn hình gập trong thời gian tới. Làm sao tích hợp pin đủ mạnh để cung cấp năng lượng cho màn hình lớn trong lúc phải bảo đảm thiết bị đủ mỏng để khi gập lại vẫn có thể bỏ vào túi quần? Loại bản lề nào cần thiết để đảm bảo điện thoại gập gọn gàng và an toàn? Các ứng dụng sẽ tự động thay đổi kích thước như thế nào khi người dùng chuyển từ màn hình nhỏ sang màn hình lớn hơn hoặc ngược lại? Thông tin tốt là Google đang phát triển phiên bản Android có thể tương thích tốt với điện thoại màn hình gập.

Điện thoại màn hình gập của Samsung được giới thiệu.

Ngay cả khi vượt qua được các rào cản nói trên, số phận của chiếc điện thoại màn hình gập còn phụ thuộc nhiều việc người tiêu dùng có thật sự cần đến loại thiết bị thế hệ mới này hay không. Dù sao thì nhiều điện thoại thông minh hiện nay có màn hình đủ lớn để khiến máy tính bảng trở nên dư thừa với phần lớn người sử dụng. Theo công ty nghiên cứu IDC, doanh số thị trường máy tính bảng trong quý 3-2018 này đã giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với FlexPai, thiết bị mang đến cảm giác to và cồng kềnh khi gập lại, một phần vì có bản lề khá dày. Điều này có thể khiến người sử dụng cảm thấy không thoải mái khi bỏ thiết bị vào túi quần. Chưa hết, màn hình thiết bị này có thể mang lại sự trải nghiệm xem phim tốt hơn, nhưng vẫn không đủ to để thay thế máy tính xách tay hoặc máy tính bảng màn hình lớn. Người sử dụng khó có thể muốn chỉnh sửa tài liệu hoặc làm những công việc khác trên thiết bị.

Minh Phương

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282534/man-hinh-gap--su-dot-pha-cong-nghe-hay-trao-luu-nhat-thoi.html