Mạn đàm về một thế kỷ phong trào phụ nữ Việt Nam

Baoquocte.vn. Tối 24/3, Viện Pháp tại Hà Nội – L'Espace và Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm 'Một thế kỷ phong trào phụ nữ Việt Nam – từ kinh nghiệm hiện đại hóa đối diện các thách thức và cơ hội trong thời đại 4.0'.

Buổi tọa đàm về phong trào phụ nữ Việt Nam được tổ chức nhân sự kiện ra mắt sách Tự Lực văn đoàn với Vấn đề phụ nữ ở nước ta (Tủ sách Phụ nữ tùng thư – Giới và Phát triển), thu hút được sự tham gia của đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Các diễn giả chia sẻ tại Tọa đàm. (Ảnh: Yến Nhi)

Các diễn giả chia sẻ tại Tọa đàm. (Ảnh: Yến Nhi)

Cùng với các diễn giả như TS. Đoàn Ánh Dương - nhà nghiên cứu Viện Văn học Việt Nam, TS. Bùi Trân Phượng - nguyên Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, nhà quản lý và nghiên cứu giáo dục, TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, NSƯT Trần Ly Ly - Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, chương trình có sự tham gia của nhà văn Trang Hạ trong vai trò điều phối chương trình.

Tại Tạo đàm, nhà văn Trang Hạ đã ví von: “Nếu so sánh thế kỷ XX như một người phụ nữ, thì chắc chắn cô gái này thật quá phức tạp. Trong 20 năm đầu, cô được dạy dỗ một cách rất truyền thống thì sau đó cô ấy phải nếm trải những khó khăn của thời bao cấp. Cô ấy còn bị giằng co giữa vai trò, khát vọng và hàng loạt các giá trị khác, để rồi 20 năm cuối cùng bị bỏ rơi khi mọi thứ đều lao vào thế kỷ XXI. Dường như, cô ấy đã sống một cuộc đời thật nhiều mâu thuẫn".

Giải thích vì sao phải đấu tranh cho nhân quyền và nữ quyền thời điểm đó, TS. Bùi Trân Phượng cũng cho biết: “Đơn giản vì nhân quyền và nữ quyền thời đó không được bảo đảm. Bên cạnh chịu sự ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, người phụ nữ chịu thêm nhiều gánh nặng khác như nghề truyền thống không còn đem lại thu nhập như trước đây, khiến người phụ nữ bị gạt ra ngoài lề xã hội, trong khi phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của họ”.

Liên hệ tới nhóm Tự Lực văn đoàn - những người đầu tiên phác họa hình ảnh người phụ nữ một cách đẹp đẽ và tích cực trong văn học Việt Nam, TS. Đoàn Ánh Dương cho rằng, giai đoạn Tự Lực văn đoàn hoạt động cũng là lúc phong trào phụ nữ ở Việt Nam phát triển rất mạnh. Lý do Tự Lực văn đoàn quan tâm đến phụ nữ vì họ là độc giả chủ yếu của văn học lãng mạn, từ đó nhóm hướng đến vấn đề cải cách xã hội, đấu tranh cho quyền phụ nữ.

Buổi tọa đàm thu hút được sự tham gia của đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ. (Ảnh: Yến Nhi)

Theo TS. Đoàn Ánh Dương, ý thức về nữ quyền ở Việt Nam đã phát triển đến mức như một phong trào chính trị xã hội. Điều này có được một phần do nước ta thời đó không có điều kiện để xây nhiều trường nam sinh và nữ sinh như mong muốn của thực dân Pháp. Việc nữ sinh được học tập và hoạt động xã hội như nam sinh đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho phụ nữ Việt Nam phát triển và ý thức về nữ quyền.

Tại buổi tọa đàm, NSƯT Trần Ly Ly cũng có những chia sẻ thú vị về "tính nữ" trong thời điểm quá khứ đến hiện tại, trong khi TS. Khuất Thu Hồng nói lên thách thức của phụ nữ hiện nay khi vừa thực hiện thiên chức gia đình vừa đảm nhiệm vị trí, vai trò trong xã hội.

Có thể nói, các bài học đấu tranh cho quyền phụ nữ được chia sẻ tại tọa đàm rất hữu ích khi vận dụng vào quá trình khẳng định vị thế, vai trò, ý thức tự vận động và vươn lên của phụ nữ Việt Nam trong thời đại cách mạng xã hội 4.0.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/man-dam-ve-mot-the-ky-phong-trao-phu-nu-viet-nam-140259.html