Mạn đàm ngày Quốc giỗ

Nói về Đền Hùng, về 18 đời vua Hùng và nhà nước Văn Lang đầu tiên thì sử sách đã nói nhiều. Nhà nước hẳn hoi, có vua nhưng không phải là phong kiến, thần dân cũng không phải là nô lệ.

Truyền thuyết còn kể, vua cùng dân binh đi săn; chiều về thường ngồi nghỉ ở đồi Lạn, cho mổ chim thú, lấy các bộ lòng quấn vào củ liệu nướng trên than củi, chia nhau cùng ăn tại rừng rồi mới mang thịt nguyên con (là thứ có thể để dành ăn dần) về các nhà (và hẳn là đem hun khói cho khô?).

Đời sau thành hẳn một mỹ tục, dân Thọ Khảo lập đền thờ Vua Hùng trên đồi Lạn, hàng năm cúng tế. Lễ vật là gà để cả con và bộ lòng gà quấn củ kiệu nướng chín. Lễ xong, người ta chia đều cho dân đinh; mỹ tục này còn đến tận ngày nay.

Vâng, nhưng chúng tôi xin thưa cái điều lần đầu tiên nói về Quốc giỗ.

Đó là năm 1992, cũng gần ngày Giỗ Tổ như dịp này, Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng bài: “Cần coi Giỗ Tổ Hùng vương là Quốc giỗ”. Nội dung chính: Chúng ta có những ngày nghỉ lễ, làm lễ kỷ niệm rõ to. Ngày nội sinh: Quốc khánh (2/9) thành lập Đảng (3/2) rồi ngày ngoại nhập như Hiến chương các Nhà giáo (20/11), Phụ nữ (8/3), Lao động (1/5) mà có ngày lễ trọng kỳ cựu hơn nhiều, đã có từ ngàn năm nay, đã thành ca dao tục ngữ "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba" mà lại không được Nhà nước công nhận như một ngày lễ trọng cấp quốc gia là vô lý cố.

Tôi nhớ còn có đoạn nhắc lại lời của cố nhà văn Nguyễn Công Hoan. Cụ nói: Mình có lên Đền Hùng. Từ dưới lên đến Đền Thượng chưa xây bậc nên rất khó đi. Một bà phú thương ở Hà Nội là bà Nghĩa Lợi đã cung tiến để xây bậc gạch, nên đường dễ đi. Những người thợ cao hứng vì thừa xi măng xây đường nên họ lấy luôn cả xi măng để lấp vào các gốc cây cổ thụ cạnh con đường.

Rồi còn chua, không chắc Nghĩa Lợi có là mỹ danh (tên công ty) của bà Chại không, nhưng bia đá ở đây còn ghi: Bà Lê Thị Chại, người xã Thị Cầu, tỉnh Bắc Ninh, công đức 1.000 đồng tiền Đông Dương để tu sửa đường bậc lên xuống núi Hùng. Bia khắc ngày 1/11 năm Đinh Tỵ - Khải Định thứ 2 (1917). Con đường bậc xi măng này khởi công ngày mồng 10/8 đến mồng 1/11 thì hoàn thành, nghĩa là làm trong 3 tháng cùng năm 1917.

“Chưa biết chắc. Chỉ chắc một điều, Đền Hùng là do dân làm, đến đời Tự Đức ngân khố có trùng tu. Đến năm 1913 thì đã xuống cấp như cụ Hoan nói. Công cuộc đại trùng tu từ năm 1917 - 1922 dân 18 tỉnh miền Bắc quyên góp được 6.000 đồng Đông Dương và diện mạo Đền Hùng như hôm nay (tức là 1992) chúng ta thấy thì gộp chung cả công tư, chưa ai hiếu nghĩa với vua Hùng, với Quốc Tổ bằng bà Chại”, tôi nhớ gần nguyên văn như thế.

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phú, mang hồ sơ Dự án trình Chính phủ xin phê duyệt kinh phí nâng cấp, mở rộng Khu tưởng niệm Đền Hùng; ngoài hồ sơ, ông Quang có photocoppy bài báo nói trên. Ngày 8/2/1994, Dự án được Chính phủ phê duyệt 92 tỷ và nhờ vậy, Đền Hùng có diện mạo như hiện nay.

Ngày 6/1/2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, quy định ngày 10 tháng 3 âm lịch trở thành ngày quốc lễ, ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Là ngày nghỉ lễ chính thức, được ăn lương của người lao động.

***

Làm đền thờ vua là việc của các hoàng gia. Trung Quốc nổi tiếng nhất nhì thế giới về các cung vàng điện ngọc và lăng tẩm đền đài, ví như lịch sử 13 vua Đại Minh là lịch sử của các công trình xây lăng tẩm đền đài ngót 300 năm, các vua tự xây lăng cho mình. Cứ đăng quang hôm trước, hôm sau rước đại hành vua cha nhập lăng, đóng sập cửa vĩnh cửu. Thì hôm sau nữa phát lệnh khởi công xây lăng đền cho mình. Có lẽ duy nhất ở Việt Nam có việc dân xây lăng tẩm cho vua tổ.

Hoàng Đế (黃帝) là vị quân chủ huyền thoại và được coi là thủy tổ của người Hán. Chữ Hoàng (黃) ở đây hàm nghĩa màu vàng, là màu của Hoàng thổ - đất do sông Hoàng vun bồi. Khác với Hoàng (皇) trong Hoàng đế, là danh xưng của các quân chủ kể từ thời Tần Thủy Hoàng. Hoàng Đế có tượng đặt ở Bảo tàng Lịch sử Trung Quốc, tôi đã xem và hỏi hướng dẫn viên, đền thờ ông ta ở đâu, được trả lời, không có hay là tôi không biết.

Vâng, “Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác”, Đền Hùng - Giỗ Tổ là một trong các minh chứng hùng hồn. Chẳng những đó là biểu trưng cho tinh thần chí hiếu của người Việt trước toàn thể nhân loại mà còn đặc biệt khác với văn hóa Trung Quốc. Muôn đời nay Việt Nam giao thoa, làm như là một với văn hóa Trung Quốc để tồn tại, yên thân; kỳ thực cốt lõi khác xa.

Đây cũng là hạt nhân để cắt nghĩa, người Việt đánh giặc ngoại xâm thì “kẻ thù nào cũng đánh thắng”; còn Trung Quốc, như tôi từng nói “người Trung Quốc đánh người ngoài thua người ngoài, đánh anh em thua anh em, rốt cục quay về đánh đàn bà là tục bó chân con gái vào thời nhà Tống".

Người Trung Quốc có câu nói nổi tiếng: “Phu phụ như y phục, huynh đệ như thủ túc” (vợ chồng như quần áo, có thể thay; anh em như tay chân, không thể tự chặt.) Nhưng "nói zậy mà không phải zậy". Thời nhà Đường có chuyện Lý Kiến Thành tranh ngôi với em hệt như An Sinh vương Trần Liễu. Kết cục hai chuyện lại rất khác nhau, như vua Trần Dụ tông ghi lại:

Đường Việt khai cơ, lưỡng Thái tông

Đường xưng Trinh quán, ngã Nguyên phong

Kiến Thành tru tử, An Sinh tại

Miếu hiệu tuy đồng, đức bất đồng

***

Nhưng nói chuyện lâu về người ngoài trong ngày giỗ nhà mình là việc không nên. Xin chỉ coi như nói qua, cốt để nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, nghĩa đồng bào, cốt nhục mà thôi.

Tôi không nói hơn thua. Tôi chỉ muốn nói về các nét khác biệt của người Việt.

Khác biệt từ nguyên ủy, xa xưa:

Sách Thông Chí của Trịnh Tiều đời Tống chép: “Đời Đào Đường Nam di có Việt Thường Thị qua nhiều lần thông dịch đến hiến một con rùa thần. Rùa ước được ngàn tuổi, trên lưng có chữ khoa đẩu, chép việc từ lúc khai thiên lập địa đến nay. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là Quy Lịch”. Khác biệt đến mức, vào đời nhà Tấn, Đào Hoàng, một viên thứ sử người Hán sang cai trị nước ta, còn gửi thư về cho Tấn Vũ Đế: “Giao Châu là dải đất chưa mở mang, ở một phương trời xa cách, phải hai, ba lớp thông ngôn mới hiểu, liên tiếp với mấy hòn đảo giữa biển, bề ngoài cách nước Lâm Ấp chỉ vài ngàn dặm…”

Một sắc dân có vua (có vua mới có giao hảo giữa hai quốc gia), có bờ cõi (“dải đất chưa mở mang, có mấy hòn đảo giữa biển”) như vậy là đã có bản đồ; chưa có bản đồ thì viên Thứ sử ấy lấy đâu tàu thuyền để đi ra Hoàng Sa, Trường Sa mà biết rằng có chúng(?), lại đã có chữ, là chữ khoa đẩu vậy mà dám bảo là nước man di? Rõ là thói hách xằng.

Nhưng “Các vua Hùng đã có công lập nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” là sứ mệnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự dặn mình, anh em cháu con đồng bào mình. Một sứ mệnh thiêng liêng rất nên nghĩ và nói vào ngày Giỗ Tổ.

Việc để cho người ta hách xằng với mình là lỗi của hết thảy chúng ta. Cái viên Thứ sử Đào Hoàng tấu báo về Kinh đô Trường An rằng “dải đất chưa mở mang” là một sự thật, cái nền kinh tế còn loạc choạc, lệ thuộc và còn nghèo của chúng ta lại đang là một sự thật khác. Muốn người ta trọng, hẳn mình phải để ra vài chục năm mà lặng lẽ tự cường. Để tự cường, hẳn phải lấy cái tinh thần chí hiếu, tinh thần cố kết cộng đồng, dân dám chết vì Tổ quốc - tức là lấy cái khác biệt làm hạt nhân - đòn bẩy.

Chứ đi vay, đi mượn mãi mà tự cường thì hình như không phải?

VĂN CHINH

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/man-dam-ngay-quoc-gio-post190679.html