Man City lâm đại nạn, thời khắc cho Quỷ phục sinh

Manchester City lâm đại nạn, bóng đá Anh sẽ cần một đối trọng mới để cân bằng với Liverpool. Đó là cơ hội để Manchester United tìm lại sự thịnh vượng như xưa.

1. Thế lớn trong bóng đá xứ sương mù có đôi điều dị biệt với các quốc gia khác tại châu Âu. Đại để như trường hợp của Liverpool và Manchester United. Dẫu vẫn được xem là kình địch song khi Liverpool thịnh thì M.U suy và ngược lại, không xuất hiện trường hợp cùng thịnh cùng suy như Barcelona và Real Madrid tại Tây Ban Nha hay thời đại “Bảy chị em” tại Italia.

Diễn giải cặn kẽ hơn, khi Liverpool thống trị bóng đá Anh lẫn đấu trường châu Âu vào những năm thập niên 1980, M.U vật lộn với cuộc chiến trụ hạng. Khi M.U tạo thành đế chế tại Ngoại hạng Anh cùng Sir Alex Ferguson, Liverpool chật vật 30 năm không một lần đăng quang. Còn ở hiện tại, đối trọng của Liverpool là Man City chứ không phải M.U. Tức M.U và Liverpool không phải là đối trọng, không phải là động lực để đôi bên cùng ganh đua và phát triển.

Sự kình địch của M.U và Liverpool chủ yếu xuất phát từ vị trí địa lý và thành tích trong quá khứ. Manchester và Liverpool cách nhau chưa đầy 1 giờ đồng hồ chạy xe và cư dân hai thành phố vốn thù ghét bởi hệ lụy phát triển thời cách mạng công nghiệp ở thế kỷ 17. Sau đó, khi bóng đá phát triển, hai đội lại thay nhau giữ vị thế đội bóng giàu thành tích nhất.

Tính chất kình địch giữa hai đội khác hẳn câu chuyện tại Tây Ban Nha, nơi Barcelona và Real Madrid ganh đua nhau từng chút một cho vị thế kẻ thống trị. Khi Barca vươn tới đỉnh cao, Real nỗ lực không ngừng để bám đuổi và ngược lại. Sự dị biệt ấy phần nào xuất phát từ đặc điểm của các giải đấu. Ngoại hạng Anh là sự ganh đua khốc liệt giữa nhiều đội bóng còn La Liga là cuộc chiến riêng của Barca và Real.

Liverpool và M.U tuy là kình địch nhưng không phải là đối trọng.

Liverpool và M.U tuy là kình địch nhưng không phải là đối trọng.

2. Man City lâm đại nạn, với án cấm tham dự Champions League 2 mùa tới là biến cố không chỉ với đội chủ sân Etihad mà còn xê dịch cả dòng chảy lịch sử bóng đá Anh. Như đã đề cập, ở thời điểm hiện tại Man City là đối trọng số một của Liverpool tại giải Ngoại hạng, nhưng với biến cố vừa xảy ra chắc chắn The Citizens sẽ đi xuống. Phù thịnh chứ không ai phù suy và vốn dĩ đội bóng này đã trên đà thoái trào.

Vì thế, sẽ phải xuất hiện một thế lực mới đóng vai trò đối trọng của Liverpool. Dòng nhân sự, cục diện cho đến chiến thuật tại Ngoại hạng Anh chảy xiết hơn Serie A hay Bundesliga gấp bội phần để không có chuyện The Kop thống trị tuyệt đối như Juventus hay Bayern Munich. Hơn nữa, chênh lệch đẳng cấp giữa các đội tại Ngoại hạng Anh không xa vời vời như La Liga để Man City giữ vững vị thế sau đòn giáng mạnh như Real hay Barca đã từng.

Nhưng những điều kiện cần nào để tạo ra đối trọng đủ tầm ganh đua chức vô địch Ngoại hạng Anh với Liverpool? Để trả lời câu hỏi này, có thể gạch ra hàng chục gạch đầu dòng, nhưng ba yếu tố tiên quyết là truyền thống, tiền bạc và con người, tức một nền tảng lịch sử, tài chính và nhân lực đủ vững bền. M.U hội tụ đủ cả ba yếu tố nói trên bất chấp người hâm mộ có thể mai mỉa đội bóng này quy tụ những gã hề hay những cầu thủ lông gà, lông vịt.

Truyền thống là điều quá dễ thấy. M.U là đội bóng vĩ đại bậc nhất lịch sử bóng đá và sở hữu lượng CĐV lớn nhất hành tinh. Tiền bạc càng dễ thấy. M.U là đội bóng duy nhất trên thế giới này tồn tại nghịch lý thành tích đi ngược với doanh thu, thành tích ngày càng nghèo nàn nhưng doanh thu ngày càng tăng. Ấy là nhờ lượng CĐV khổng lồ đội bóng này sở hữu.

Cũng nhờ nghịch lý ấy, M.U là đội bóng giàu nhất thế giới, doanh thu cao nhất thế giới và có sẵn tiền mặt trong ngân hàng nhiều nhất thế giới. Thế nên, cứ mỗi mùa chuyển nhượng, M.U lại đốt hàng đống tiền chiêu binh mãi mã mà chẳng bao giờ phải lo sợ bị thòng lọng Công bằng tài chính siết cổ như “gã hàng xóm lắm mồm” Man City.

Và với số tiền đã chi (cùng sản phẩm từ lò đào tạo), M.U vẫn sở hữu trong đội hình nhiều ngôi sao sáng giá như David De Gea, Harry Maguire, Wan-Bissaka, Paul Pogba, Marcus Rashford hay mới đây là tân binh Bruno Fernandes. Đó là nền tảng căn bản để Quỷ đỏ phục sinh một cách nhanh chóng từ đống tro tàn. Có thể liên hệ Real Madrid hay Bayern Munich, những thế lực giàu có khác để thấy sự tương đồng nhất định.

Real mùa trước nát như tương nhưng chưa đầy một mùa giải đã trở lại với đà chinh phục từ La Liga đến Champions League. Tài nghệ Zizou là một phần, phần nữa là nền tảng đội hình quá chất lượng nhờ chi đậm trong nhiều năm. Ramos, Varane, Kroos, Modric, Benzema đều là những cựu binh đẳng cấp và bản lĩnh. Ngoài ra, Real vẫn chi mạnh tay trong mùa vừa rồi với Hazard, Jovic và Mendy, dù mới chỉ có cái tên cuối cùng đáp ứng được kỳ vọng. Hãy nhớ Modric mùa đầu gia nhập Real còn được bình chọn là bản hợp đồng đáng thất vọng nhất.

Bayern tái tạo còn nhanh hơn. Nửa đầu mùa giải này Hùm xám khủng hoảng tới mức sa thải HLV Niko Kovac, thế nhưng đến hiện tại họ đã trở lại với vị trí quen thuộc trên đỉnh bảng xếp hạng Bundesliga. Nếu không có cựu binh như Lewandowski, không có những vụ đầu tư chất lượng như Perisic hay Coutinho, liệu Hùm xám có thể phục hồi nhanh đến vậy?

3. Tất nhiên, cho đến hiện tại, sau 7 năm từ ngày Sir Alex chia tay, giới mộ điệu chỉ thấy M.U hóa điêu tàn chứ chưa hề chứng kiến cảnh phục sinh. Song đó là bằng chứng cho thấy sự yếu kém từ thượng tầng thay vì vấn đề nhân sự. Ed Woodward, Phó chủ tịch phụ trách điều hành; Ole Gunnar Solskjaer, HLV,... đều chưa để lại nhiều dấu ấn trong yếu tố chuyên môn, từ quyết sách mua sắm đến đấu pháp.

Một chi tiết nữa cần lưu ý, sự vươn lên của Man City cách đây non thập kỷ cũng đánh dấu sự suy tàn của M.U. Bây giờ, Man City sắp suy, cờ đã đến tay, vấn đề là M.U có phất được hay không mà thôi!

Theo bongdaplus.vn

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/the-thao/202002/man-city-lam-dai-nan-thoi-khac-cho-quy-phuc-sinh-2471262/