Man City bị cấm dự Champions League: Sự sụp đổ của kỷ nguyên dầu mỏ?

Manchester City nhận trái đắng sau 10 năm tưới đẫm bóng đá bằng tiền bạc và sự gian dối, nhưng đây có phải cột mốc đánh dấu kỷ nguyên làm bóng đá của những ông chủ giàu có vùng Vịnh đã khép lại?

Kỳ 1: Hacker khiến Ronaldo lao đao, đánh sập tham vọng châu Âu của Man City là ai?

Kỳ 2: Man City bị cấm đá Champions League: Dàn sao triệu USD sớm rời Etihad?

Manchester City nhận án cấm thi đấu ở Champions League trong 2 năm. Quãng thời gian này không dài, chỉ bằng một phần sáu thời gian giới chủ Ả Rập bắt đầu tiếp quản nửa xanh thành Manchester và phù phép bằng những đồng tiền nhuốm mùi dầu mỏ, biến đội bóng này trở thành một trong những CLB mạnh nhất thế giới.

Song, 730 ngày không Champions League sẽ khiến Man City chịu cái giá cực đắt về mặt kinh tế, hình ảnh. Sau đế chế ngập ánh hào quang, màn đêm đã lờ mờ xuất hiện.

Các chủ sở hữu của đội bóng đến từ Abu Dhabi đã thiết lập kỷ nguyên mới của chủ nghĩa tư bản Manchester. Không sở hữu truyền thống hào hùng như Manchester United, Bayern Munich, Barcelona, Real Madrid, nhưng cũng không muốn chờ đợi hàng chục hay hàng trăm năm để xây dựng "đế chế", Man City đã làm gì?

Tìm cách gian lận để chen chân vào vị trí hàng đầu của bóng đá châu Âu và thiết lập nên 1 đế chế bóng đá toàn cầu, có lợi nhuận cao, bất chấp các quy tắc. Vinh quang của CLB bắt nguồn, và được đắp bồi bằng những điều dối trá.

Nguyên tắc kinh doanh của Man City rất đơn giản. Do tiền đầu tư trực tiếp từ chủ sở hữu rót xuống đội bóng không được xem là doanh thu, đội ngũ lãnh đạo Man City "phù phép", biến tiền của Abu Dhabi thành những khoản đầu tư hợp pháp từ các công ty hay tập đoàn bên ngoài.

Man City nhận được những hợp đồng tài trợ kếch xù từ nhiều thương hiệu, nhưng thực chất, đó đều là công ty của ông chủ đội bóng Sheikh Mansour.

Man City chơi trên sân Etihad và áo của đội cũng được Etihad tài trợ. Hãng hàng không Abu Dhabi được điều hành bởi ông em cùng cha khác mẹ của Mansour. Công ty viễn thông Abu Dhabi Etaluat và cơ quan du lịch Abu Dhabi cũng quảng cáo với CLB, cùng sự góp mặt của cả Quỹ đầu tư Aabar của Abu Dhabi, đơn vị sở hữu cổ phần trong UniCredit và Virgin Galactic.

Bóng đá Anh chưa bao giờ chứng kiến khoản đầu tư ồ ạt với quy mô khủng khiếp như vậy. Những con số thực sự trong bản phân tích nội bộ của bởi lãnh đạo CLB khiến tất cả phải ngạc nhiên. Đến thời điểm 2012, Mansour mới điều hành CLB trong 3 năm 8 tháng, và khoản đầu tư của ông chủ UAE vào CLB tương ứng 1,1 tỷ bảng Anh.

Thông thường, hoạt động kinh doanh của bóng đá diễn ra theo trình tự này: các cầu thủ chơi bóng thành công, thu hút lượng khán giả ngày càng tăng, các trận đấu được truyền hình trực tiếp và các nhà tài trợ quan tâm. Những nhà tài trợ này ký hợp đồng với đội bắt buộc phải trả một khoản tiền cố định để đổi quyền quảng cáo với CLB.

Số tiền này trở thành một phần trong ngân sách của đội bóng cho mùa giải và có thể được sử dụng để ký hợp đồng với cầu thủ, trả phí môi giới hoặc duy trì mặt cỏ. Khi kế hoạch của đội không thuận lợi, hoặc đột nhiên phải chi nhiều hơn so với khoản kêu gọi được, CLB bị lỗ vào cuối mùa giải và phải cắt giảm chi phí.

Nhưng vấn đề ở chỗ: Man City không phải là CLB bình thường. Chi phí và nợ? Không có vấn đề gì. Nếu thiếu tiền, các nhà tài trợ, vốn có mối quan hệ thân tín không khó lý giải với chủ sở hữu, chỉ cần bơm nhiều tiền hơn.

Nhờ có hệ thống "công ty ma" tinh vi và dày đặc, ông chủ Mansour thoải mái chi tiền cho Man City dưới danh nghĩa các hợp đồng tài trợ.

Video: Các ông chủ Ả-rập sẽ không tháo chạy khỏi Man City?

Lấy ví dụ về hợp đồng của hãng hàng không Etihad. Abu Dhabi United Group (ADUG), tập đoàn của Mansour có danh nghĩa chủ sở hữu Man City, rót cho Etihad khoản tiền 59,5 triệu bảng Anh thông qua hợp đồng với bên thứ ba. Etihad nhận khoản tiền này, tự bổ sung thêm 8 triệu và ký hợp đồng tài trợ trị giá 67,5 triệu bảng Anh cho Man City. Khi ấy, Etihad "được tiếng" tài trợ cho Man City 67,5 triệu bảng Anh, nhưng có tới 85% trong số ấy là tiền của chính Mansour.

Mánh khóe này giúp Man City sống sót qua cơn bão chi tiêu trong nhiều năm, trước khi bại lộ bởi một hacker.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà các CLB là bàn đạp tiếp nối tham vọng chiến lược của các quốc gia dầu mỏ như UAE, Qatar, Ả Rập Xê Út. Ở đó, những căng thẳng địa chính trị được chuyển lên sân cỏ, đồng thời các quốc gia tìm cách mua vốn văn hóa bằng cách đầu tư vào các đội ở nước ngoài. Man City chỉ là một trong số đó.

Đội bóng thành Manchester mất gì sau án phạt? Cơ hội đá Champions League trong 2 năm, điều gần như chắc chắn nếu Man City không bị cấm, khoảng 170 triệu bảng Anh tiền bản quyền truyền hình cộng với sự ra đi của hàng loạt tên tuổi như HLV Pep Guardiola hay Kevin de Bruyne, Raheem Sterling,...

Có kháng án thành công hay không, Man City cũng sẽ mất rất, rất nhiều tiền. Họ phải sử dụng sức mạnh tài chính để bảo vệ đế chế cũng được xây đắp bằng tiền. Đó là một vòng lẩn quẩn.

Trên khía cạnh thành tích, khoản đầu tư của giới chủ UAE phần nào mang lại thành quả, với 4 chức vô địch Ngoại hạng Anh, 4 cúp Liên đoàn Anh, 4 FA Cup, xô đổ hàng loạt kỷ lục và tạo ra một Man City có bản sắc riêng, đồng thời đầu tư vào học viện đào tạo trẻ để tái tạo tài nguyên và tiệm cận đẳng cấp hàng đầu thế giới.

Man City giành 100 điểm, chơi thứ bóng đá siêu đẳng, giành được những danh hiệu và đứng ngạo nghễ trên đỉnh cao nước Anh suốt 2 năm qua. Nhìn cách nhà Glazer đầu tư hời hợt và biến MU thành món đồ chơi sinh lời để thấy sự khác biệt.

Thế nhưng, khi quá trình phát triển "nóng" bất thường của Man City vỡ lở, tất cả sẽ có cảm giác UEFA đang chống lại họ. Đội bóng thành Manchester có quyền cảm thấy bất công khi PSG chi 222 triệu euro mua Neymar và 180 triệu euro mua Kylian Mbappe, nhưng không bị sờ gáy, còn Man City hiếm khi mua cầu thủ với giá hơn 50 triệu bảng giờ đây phải trả giá đắt.

Dù vậy, đặt trong bối cảnh những báo cáo tài chính gian dối, như đã phân tích ở trên để thấy: mọi mánh khóe đều phải trả giá. Thậm chí, án phạt nói trên cũng đã nằm trong dự liệu của ban lãnh đạo Man City (chỉ là không nghĩ nặng như thế).

Khi thủ đoạn gian lận tài chính tinh vi của Man City bị phơi bày ra ánh sáng, UEFA chắc chắn thiết lập quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về mối liên hệ giữa các công ty tài trợ và chủ sở hữu CLB. Khi ấy, các nhà đầu tư Ả Rập muốn "giàu xổi", xây dựng một đế chế từ con số 0 sẽ phải suy nghĩ rất kỹ lưỡng. Hoặc chấp nhận bỏ vài năm đầu tư và chờ đợi, điều họ thường không thích cho lắm, hoặc đầu tư và chấp nhận mạo hiểm.

Man City từng có cả chiến dịch chống lại FFP - luật Công bằng tài chính. Song, UEFA đâu phải trò đùa.

Khi PSG chi 222 triệu euro để "cuỗm" Neymar khỏi Barca, Chủ tịch Javier Tebas của LaLiga bình luận ngắn gọn: "PSG không bao giờ quan tâm đến lợi nhuận khi mua cầu thủ, bởi họ được hậu thuẫn bởi cả một quốc gia. PSG đẩy các CLB khác đến bờ vực tài chính và phá vỡ cấu trúc giá trị chuyển nhượng".

Sau khi PSG "lũng đoạn" thị trường, hàng loạt cầu thủ đã bị thổi lên mức giá vượt xa giá trị thực. Xét về tội, PSG dường như còn nặng hơn Man City. Ít ra đội bóng thành Manchester chưa từng mua cầu thủ nào với mức giá phi lý. Nhưng Man City đã sụp đổ, còn PSG chưa nhận án phạt nào, ngoài khoản phạt tiền như "muỗi đốt inox" trước đây.

Trên New York Times, cây bút Tariq Panja phân tích lý do PSG vẫn "bình yên vô sự" dù đổ cả tấn tiền. Chủ tịch Nasser Al-Khelaifi của PSG là một thành viên của Ủy ban điều hành UEFA, đồng thời đóng vai trò chủ chốt tại tập đoàn truyền thông beIN, một trong những đối tác lớn nhất của UEFA.

Điều tra viên FFP từng yêu cầu những hình phạt cụ thể với PSG nhưng hội đồng xét xử không đồng ý và UEFA, với ảnh hưởng cực lớn của ông chủ người Qatar đã không thúc ép vấn đề này như cách họ làm với Man City. Vụ án nhanh chóng "chìm xuồng".

New York Times cũng tiết lộ chi tiết về cuộc điều tra âm thầm của UEFA với PSG trong gần 1 năm, về cả cách thức PSG sử dụng để lách luật, cũng như cách UEFA tự tay chấm dứt cuộc điều tra của mình.

Trở lại với phát biểu "PSG được hậu thuẫn bởi cả một quốc gia" của Tebas. Trong thương vụ chiêu mộ Neymar, PSG thực chất không mất một đồng phí chuyển nhượng nào cho cầu thủ này. Các ông chủ PSG, thông qua chương trình quảng bá hình ảnh cho World Cup 2022 (tổ chức tại Qatar), đã ký hợp đồng trị giá 222 triệu euro để siêu sao người Brazil đóng vai trò đại sứ hình ảnh.

Neymar nhận 222 triệu euro tiền mặt, và cầu thủ này mang tiền đến trụ sở Barca mua lại hợp đồng, phá vỡ thỏa thuận giải phóng và trở thành cầu thủ tự do. PSG ký hợp đồng với Neymar khi ngôi sao này vừa tự do, và đó là lý do Neymar có giá chuyển nhượng 0 euro.

Cùng là những "xảo thuật", song PSG tỏ ra khôn ngoan hơn, và cũng được tạo điều kiện để gian lận nhờ mối quan hệ bền vững của giới chủ với UEFA. Sau cùng, luật Công bằng tài chính chưa chắc đã công bằng. Dù cái giá phải trả của Man City có vẻ là xứng đáng, song để lọt những đội bóng như PSG cho thấy "lưới trời" của UEFA vẫn còn rất thưa.

Hồng Nam (Đồ họa: Hà Thành)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bong-da-anh/man-city-bi-cam-du-champions-league-su-sup-do-cua-ky-nguyen-dau-mo-ar528543.html