Mâm giỗ liệt sĩ ở nhà ông hai Trí

Sáng 26-7, tôi đến nhà Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Trí (tên thường gọi là hai Trí, sinh năm 1949, ngụ xã Bình Hòa, Châu Thành, An Giang) tham dự lễ giỗ đặc biệt, do ông cùng nhiều người thân, đồng đội tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 hàng năm.

Gần 20 năm nay, tùy theo thời điểm phù hợp trong dịp 27-7, ông hai Trí (áo thun xanh sọc ngang) chọn ngày tổ chức đám giỗ cho các anh hùng, liệt sĩ khắp mọi miền đất nước.

Đồng đội của ông cùng tụ họp về, dù đang ở TP. Hồ Chí Minh hay những địa phương lân cận trong tỉnh, dù tuổi cao sức yếu, dù hoàn cảnh khá giả hay túng thiếu.

Bên ấm trà nóng, họ nhắc lại chuyện chiến tranh, thăm hỏi người còn sống, tưởng nhớ người đã hy sinh…

Họ ôm lấy nhau, nắm chặt tay nhau, “như chưa từng có cuộc chia ly”. Hàng trăm đồng đội cùng đơn vị của họ đã ngã xuống trước ngày đất nước hòa bình.

Lúc còn sát cánh chiến đấu bên cạnh, trong bữa cơm, có người hỏi: “Sau này tụi mình chết, ai cúng?”. Vậy là họ thống nhất: người may mắn sống sót sẽ có trách nhiệm cúng giỗ người hy sinh. Đến nay, lời hứa thiêng liêng ấy vẫn được thực hiện đều đặn, trang trọng.

Bên trong nhà, bà Nguyễn Thị Hương, vợ ông hai Trí (thứ 6 từ trái qua phải) cũng bận rộn tiếp đón đồng đội của mình, những người cùng tham gia Đội tải 161, thuộc lực lượng vũ trang An Giang ngày xưa.

Không rành công nghệ, không còn nhìn rõ mặt nhau, họ nhờ tôi chụp một kiểu ảnh lưu niệm, để mỗi khi nhớ đồng đội lại lấy ra xem.

Ít phút sau, một nhóm học sinh Trường THPT Long Xuyên (TP. Long Xuyên) đi xe buýt đến, thắp hương bàn thờ các anh hùng, liệt sĩ, tặng hoa vợ chồng ông hai Trí.

Em Võ Thị Lý Hương (lớp 10A2, áo dài), cùng các bạn trong lớp gửi tặng ông bà bài hát “Huyền thoại mẹ”. Chất giọng ngọt ngào, truyền cảm của cô bé mang lại rất nhiều cảm xúc cho những cựu chiến binh có mặt.

Ông hai Trí dành nhiều thời gian để kể cho các cô bé, cậu bé nghe về chiến tranh, các trận đánh lớn ông từng tham gia, những hy sinh mất mát của thế hệ đi trước để có độc lập, tự do cho hôm nay.

Các em chỉ mới biết về lịch sử qua trang sách, lần đầu tiên có dịp được nghe nhân chứng trực tiếp kể chuyện, nên say sưa dõi theo, ánh mắt chăm chú.

Đến 10 giờ, ông hai Trí cùng đồng đội bắt đầu thắp hương, khấn vái anh linh những anh hùng, liệt sĩ trên mọi miền đất nước, về ăn bữa cơm với gia đình ông.

“Dù cuộc sống đôi lúc gặp khó khăn, nhưng tôi biết rằng mình hạnh phúc hơn vạn lần những đồng đội đã hy sinh. Tôi còn được sống mấy mươi năm sau hòa bình, con cháu đầy đủ, chứng kiến đất nước ngày càng phát triển.

Trong khi đó, các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, đem xương máu tạo nên độc lập tự do cho đất nước. Công lao ấy không gì có thể bù đắp được. Buổi cúng giỗ này là một cách để chúng tôi bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với họ” – ông tâm sự.

Đôi tay gân guốc, già nua của những người lính từng vào sinh ra tử chậm rãi cắm nén hương trên bàn thờ. Thời gian đầu, ông hai chỉ làm mâm cơm nhỏ trong nhà. Dần dần, đồng đội, người quen biết được, đến tham dự ngày càng đông, có khi đến năm sáu chục người.

Ngoài sân, vợ chồng ông tiếp tục thắp hương cho 2 mâm cúng khác. Thức ăn đều do con cháu, người quen của gia đình trực tiếp chuẩn bị, với những món dân dã, quen thuộc của miền Tây: thịt kho hột vịt, cháo đậu xanh, cá nướng… Chẳng mâm cao cỗ đầy, nhưng ấm tình đồng đội, đồng chí trong tháng 7 nghĩa tình.

Nén hương tàn, những người lính năm xưa ngồi lại cùng nhau, ăn bữa cơm sum họp. Tóc phai màu, lưng đã còng, gương mặt in hằn dấu vết thời gian, nhưng tâm hồn họ vẫn trẻ trung như ngày nào vừa nhập ngũ.

Họ hứa với nhau: năm sau lại trở về đây, lại ôn chuyện cũ, nhớ người đã khuất. Hạnh phúc của người lính, chỉ đơn giản thế thôi!

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/mam-gio-liet-si-o-nha-ong-hai-tri-a279309.html