Mâm cúng Tết Đoan Ngọ đủ đầy và thơm ngát hương hoa của gia đình Hà Nội

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ của chị Tô Hưng Giang có hương hoa, trái cây, rượu nếp và tấm lòng thành.

Năm nào cũng vậy, cứ vào Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch, chị Tô Hưng Giang - food blogger nổi tiếng sở hữu hàng nghìn công thức nấu ăn đều chuẩn bị đủ đầy và chỉn chu. Nhiều chị em nội trợ vào những ngày này cũng thường theo dõi trang cá nhân của chị Giang, chờ xem mâm cúng Tết Đoan Ngọ của chị để tham khảo theo. Năm nay, chị tâm sự vì bận rộn nên làm lễ cúng Tết Đoan Ngọ sớm trước một ngày. Mâm lễ chỉ có hương hoa, quả tươi, rượu nếp và tấm lòng thành. Dẫu vây mâm cúng của chị vẫn gây được sự chú ý bởi bài trí đẹp mắt và thơm ngát hương hoa.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ đủ đầy và đẹp mắt của chị Tô Hưng Giang.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ đủ đầy và đẹp mắt của chị Tô Hưng Giang.

Ngoài cơm rượu nếp, xôi cốm, vải thiều, mận Sơn La, mâm cúng Tết Đoan Ngọ gây ấn tượng bởi có thêm các loài hoa như hoa nhài, hoa cau, hoa móng rồng, mẫu đơn, ngọc lan. Đây cũng là gợi ý khá hay cho những bà nội trợ đang chưa biết chuẩn bị những gì cho ngày diệt sâu bọ.

Nếu có thời gian và muốn tự tay làm rượu nếp, chị em nội trợ có thể tham khảo công thức sau:

Chuẩn bị

- 1 viên men mua ở hàng bán gạo (loại men dùng cho nấu rượu nếp). Bóc bỏ chấu đi, giã men và rây lại cho mịn rồi chia làm 2 phần.

- Nếp cái hoa vàng hoặc nếp cẩm ngâm với nước âm ấm qua đêm (6-8h), vo sạch.

- 250gr nếp cái + 270ml nước lã

- 250gr nếp cẩm + 250ml nước lã

Cách làm

- Cho riêng nếp cái và nếp cẩm vào 2 nồi khác nhau, đun sôi, hạ lửa nhỏ nhất nấu 5 phút. Sau đó tắt bếp vẫn đậy nắp nồi và để 15 phút.

Sau 15 phút lại bật lửa lên, mức lửa nhỏ nhất, dùng đũa xới nhẹ cơm lên rồi lại đậy nắp nồi lại, nấu thêm 5 phút nữa và tắt bếp. Chờ 15-20 phút thì mở nắp và đổ cơm nếp ra mâm cho nguội hẳn.

- Lấy 1/2 viên men đã giã mịn ở trên rắc dần đều vào hạt nếp và đeo găng tay, trộn nhẹ nhàng. Lúc này có thể dùng lá sen hoặc lá chuối hay túi nilon chọc thủng ở đáy vài lỗ, đặt lá vào 1 chiếc rổ, bên dưới rổ có 1 tô to để hứng, rồi cho cơm nếp vào gói kín lại.

Lấy 1 chiếc túi nilon buộc phủ kín cả tô đó. Sau 2 ngày mở ra, trộn nếp với 200gr đường, chờ vài giờ cho đường tan. Cho nếp vào hộp đậy kín để ngăn mát tủ lạnh, phần nước ở trong tô khi nào ăn sẽ rưới vào phần nếp.

Tết Đoan Ngọ diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm, theo quan niệm dân gian là ngày Tết "giết sâu bọ" bằng cơm rượu nếp, bánh gio và các loại hoa quả. Có thể nói sau Tết Nguyên Đán, "Tết giết sâu bọ" là cái tết sum họp, quây quần nhất và có nhiều tục lệ gắn bó với đời sống bình dị của người dân.

Minh Hồng - Ảnh: Tô Hưng Giang

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/mam-cung-tet-doan-ngo-du-day-va-thom-ngat-huong-hoa-cua-gia-dinh-ha-noi-79210.html