'Mầm bệnh' khủng hoảng EU lây lan

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Liên minh Châu Âu (EU) và Anh không sớm thống nhất được thỏa thuận Brexit, có nguy cơ kéo theo một số thành viên khác của EU 'nối gót' Anh.

Điều này sẽ khiến khu vực này rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Nhiệm vụ đưa nước Anh rời EU đã trải qua 3 đời Thủ tướng Anh: David Cameron, Theresa May và đương nhiệm là Boris Johnson. Tuy nhiên đến nay, mọi thứ lại rơi vào bế tắc vì Quốc hội Anh không đồng ý với thỏa thuận Brexit.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chính thức chấp nhận quyết định gia hạn Brexit đến ngày 31/1/2020 của EU, tuy nhiên, ông Johnson cho rằng đây là một "sự kéo dài không mong muốn". Ảnh: AFP

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chính thức chấp nhận quyết định gia hạn Brexit đến ngày 31/1/2020 của EU, tuy nhiên, ông Johnson cho rằng đây là một "sự kéo dài không mong muốn". Ảnh: AFP

Nội bộ Anh chia rẽ sâu sắc

Có nhiều lý do nước Anh vẫn một mức muốn rời khỏi EU, nhưng lý do phổ biến nhất mà giới trí thức nước này đưa ra là EU đe dọa chủ quyền Anh. Bằng chứng là trong nhiều thập kỷ qua, một loạt các quyết định của EU về nông nghiệp, cạnh tranh, bản quyền, luật sáng chế đã chuyển “quyền lực chính trị” từ thủ đô các nước thành viên về Ủy ban châu Âu (EC).

Trong khi đó, đa số cử tri Anh cũng không muốn là “công dân Châu Âu”, nên việc họ bầu Thị trưởng London, ngài Boris Johnson, làm Thủ tướng - một trong những chính trị gia nhiệt liệt ủng hộ Brexit là vì lý do đó.

Tuy nhiên, kể từ thời ông David Cameron đến bà May làm Thủ tướng Anh, ý chí Brexit rất quyết liệt, nhưng đến phút chót bị chặn lại bởi Quốc hội Anh. Kết cấu quyền lực chính trị Anh đang bị xáo trộn nghiêm trọng, nhất là khi nội các Anh bị chia rẽ sâu sắc. Trong khi Thượng viện Anh hoan nghênh Brexit, thì Hạ viện lại có nhiều ý kiến phản đối.

Việc khởi động đàm phán lại Brexit hoặc một Brexit không có thỏa thuận sẽ không chỉ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Anh, mà cả kinh tế EU, thậm chí còn đe dọa đến nền kinh tế thế giới.

Brexit còn chia rẽ nước Anh ở khắp các giai tầng xã hội, ở mọi vùng miền. Tầng lớp trẻ tuổi phản đối Brexit, bởi họ muốn đất nước đẩy mạnh hội nhập vào EU để tạo cơ hội cho họ có việc làm, cơ hội phát triển.

Còn người già lại muốn Brexit, vì họ e sợ nước Anh phải đóng góp nghĩa vụ lớn hơn cho EU. Trong khi các nước trực thuộc như Scotland, Ireland muốn trưng cầu dân ý để được rời khỏi Liên hiệp Anh. Bởi các quốc gia này cho rằng, tham gia EU sẽ thu được nhiều lợi ích hơn, so với nằm trong sự kiềm tỏa của Anh.

Tuy nhiên, sự biến động trong Quốc hội Anh mới là nguyên do trực tiếp làm kéo dài Brexit. Số lượng ủng hộ Brexit lúc ban đầu giờ chuyển sang phản đối ngày một nhiều.

Bài học từ EU

Việc khởi động đàm phán lại Brexit hoặc một Brexit không có thỏa thuận sẽ không chỉ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Anh, mà cả EU, thậm chí còn đe dọa kinh tế thế giới.

Tuy nhiên trong thời gian trước mắt, Brexit nhùng nhằng chỉ ảnh hưởng đến nước Anh và EU. Việc kéo dài thời hạn Brexit sẽ khiến nội bộ nước Anh trở nên “lục đục” hơn nữa. Chính phủ Anh hiện không có bất cứ sự ủng hộ nào cho bất kỳ thỏa thuận nào, kể cả giải pháp tình thế cho vấn đề Bắc Ireland.

Bất kỳ sự trì hoãn có hứa hẹn nào cũng phải song trùng với sự thay đổi thái độ trong nội bộ nước Anh về Brexit. Có nghĩa, ông Johnson phải thay đổi tỉ lệ ủng hộ/phản đối trong nội các và Quốc hội theo hướng có lợi cho thỏa thuận được thông qua. Hiện có hai cách hóa giải vấn đề này, một là tiến hành trưng cầu dân ý lần thứ 2, hoặc bầu cử sớm để thiết lập lại nội các mới.

Có thể nói Brexit là “đêm trước” của cuộc khủng hoảng về mô hình liên kết, hợp tác và phát triển mà nhiều khu vực, châu lục trên thế giới đang theo đuổi. Từ trước tới nay, EU luôn được xem là hình mẫu của hội nhập, nhưng phải chăng EU đã quá tham lam khi ban hành luật pháp chung, mậu dịch chung, đồng tiền chung Châu Âu (EUR)?.

Brexit, Itexit và nguy cơ tan rã EU bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng nợ công hồi năm 2009. EU không chống đỡ được nên các thành viên “trong sạch” bị vạ lây. Nhưng EU không thể không cứu Hy Lạp, Ireland, Tây Ban Nha, bởi vì mấu chốt là đồng tiền chung EUR.

Đây là bài học mà các quốc gia có ý định thành lập liên minh khu vực phải giải quyết mâu thuẫn quyền lợi giữa các thành viên, quyền lực của tổ chức nắm quyền điều phối chung... Đó cũng là nguyên nhân chính gây ra sự chia rẽ EU.

Trương Khắc Trà

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/mam-benh-khung-hoang-eu-lay-lan-160586.html