Maldives trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng Trung - Ấn

Maldives từ lâu được coi là một phần trong phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ. Vì thế, những nỗ lực giành lấy vị thế của Trung Quốc tại Maldives khiến Ấn Độ lo lắng và hành động.

Cầu Hữu nghị Trung Quốc - Maldives. Ảnh: Global Times

Cầu Hữu nghị Trung Quốc - Maldives. Ảnh: Global Times

Cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng của Trung Quốc và Ấn Độ tại Maldives được Hãng CNN mô tả qua câu chuyện của 2 cây cầu đặc biệt mà Bắc Kinh và New Delhi giúp xây dựng ngay tại thủ đô Malé.

Biểu tượng của 2 cây cầu

Tọa lạc tại trung tâm Ấn Độ Dương, cầu Hữu nghị Trung Quốc - Maldives dài 2,1km với kinh phí xây dựng 200 triệu USD phần lớn do Bắc Kinh tài trợ, nối thủ đô Malé với sân bay quốc tế cùng tên. Đây chỉ là một trong số các dự án do Trung Quốc đổ vốn đầu tư tại quốc gia nhiệt đới Nam Á, nổi tiếng với những bãi biển cát trắng và vùng nước màu ngọc lam.

Kế hoạch mở rộng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Maldives đã gây bất an cho nước láng giềng Ấn Độ. Trong động thái được coi là nỗ lực chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh, New Delhi hồi tháng 8 cam kết dành khoảng 500 triệu USD để phát triển hạ tầng giao thông tại Maldives, gồm chiếc cầu dài 6,7km và đường đắp được quảng bá là “dự án cơ sở hạ tầng dân sự lớn nhất” Maldives, nối Malé với 3 hòn đảo gần đó, lấn át chiếc cầu của Trung Quốc về chiều dài, quy mô và cả vốn đầu tư.

Cuộc chạy đua phát triển cơ sở hạ tầng tại Maldives nói trên cho thấy sự cạnh tranh địa chính trị đang leo thang giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Dưới thời cựu Tổng thống Abdulla Yameen, Maldives quay lưng với New Delhi và xích lại gần Bắc Kinh, thu hút đầu tư của Trung Quốc theo Sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)”. Trước năm 2011, Trung Quốc thậm chí không đặt đại sứ quán ở Malé. Song kể từ khi tham gia BRI, Maldives nổi lên như “mắt xích quan trọng” trong Con đường tơ lụa trên biển, nối Trung Quốc với châu Âu và châu Phi. Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm đầu tiên tới quốc đảo này, mở đường cho hàng loạt dự án đầu tư của Trung Quốc trong những năm tiếp theo, gồm dự án mở rộng sân bay quốc tế Malé trị giá 800 triệu USD hồi năm 2016, dự án nhà ở công cộng với 7.000 căn hộ trên hòn đảo Hulhumalé và cầu Hữu nghị Trung Quốc - Maldives được ông Yameen ca ngợi là “cột mốc” trong quan hệ song phương của hai nước.

Gió đảo chiều

Tuy nhiên, các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đã để lại cho Maldives “núi nợ”. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Maldives cho biết Malé nợ Bắc Kinh số tiền lên tới 600 triệu USD, cùng với khoản nợ khoảng 900 triệu USD để tài trợ những dự án như điện, nhà ở… Còn cựu Tổng thống Maldives thân Ấn Độ Mohamed Nasheed thì cho rằng Maldives có thể nợ Trung Quốc lên tới 3 tỉ USD, tức hơn một nửa GDP quốc đảo này.

Song, chính sự thất bại của ông Yameen trong cuộc bầu cử tổng thống hồi cuối năm 2018 đã tạo cơ hội cho Ấn Độ xích lại gần Maldives. Dưới thời Tổng thống đương nhiệm Ibrahim Mohamed Solih, Maldives ngày càng chú ý đến Ấn Độ trong khi New Delhi cũng mong muốn hàn gắn quan hệ song phương. Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, hỗ trợ tài chính mà New Delhi dành cho Malé đã vượt qua con số 2 tỉ USD kể từ khi ông Solih lên nắm quyền.

Giới phân tích nhận định sự cạnh tranh gay gắt giữa Trung Quốc và Ấn Độ đòi hỏi Maldives phải xử lý thận trọng trong quan hệ với hai nước láng giềng khổng lồ châu Á. Ngoài việc cần sự hỗ trợ kinh tế của hai nước này, Maldives cũng tận dụng quan hệ với các nước khác như Nhật Bản và Mỹ. Hồi tháng 9, Nhật Bản cung cấp khoản vay ưu đãi chưa từng có lên đến 47,5 triệu USD giúp Maldives trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Đến tháng 10, trong chuyến thăm Maldives, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo sẽ mở đại sứ quán tại Malé sau khi hai nước ký thỏa thuận quốc phòng song phương.

TRÍ VĂN (Theo CNN)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/maldives-trong-cuoc-canh-tranh-anh-huong-trung-an-a127786.html