Malaysia và tranh cãi về ngoại giao 'anh cả' với Trung Quốc

Ngoại giao 'anh cả' của Ngoại trưởng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị vừa qua đang gây bão tại xứ sở dầu cọ.

Ngoại trưởng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein cho biết ông coi người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị là anh cả trong chuyến thăm tới Trung Quốc vừa qua. (Nguồn: THX)

Ngoại trưởng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein cho biết ông coi người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị là anh cả trong chuyến thăm tới Trung Quốc vừa qua. (Nguồn: THX)

Trong một cuộc họp báo chung gần đây tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein cho biết ông coi ông Vương Nghị là taiko (tạm dịch: anh cả) sau khi ông mô tả Malaysia và Trung Quốc là một gia đình.

Khi nhắc đến cụm từ này, ông Hishammuddin đã nói bằng tiếng Quan Thoại trước khi tự dịch sang tiếng Anh. Đáp lại, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng nhấn mạnh: "Chúng ta là anh em".

Dư luận Malaysia phản ứng

Ngay lập tức, câu chuyện ngoại giao “anh cả” này đã “gây bão” mạng xã hội Trung Quốc vì cách xưng hộ đó được xem như sự tôn trọng mạnh mẽ của Malaysia đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, nó đã gây ra nhiều tranh cãi tại Malaysia vì nhiều người cho rằng ông Hishammuddin dường như đang "lấy lòng" Bắc Kinh và hạ thấp vị thế của Kuala Lumpur.

Đáp lại những lời chỉ trích từ dư luận trong nước, Ngoại trưởng Malaysia giải thích rằng đó là cách thể hiện sự tôn trọng với người đồng cấp Trung Quốc, vì ông Vương Nghị lớn tuổi hơn (67 tuổi) ông Hishamuddin (59 tuổi) và là một nhà ngoại giao kỳ cựu hơn.

Trong chuyến thăm đầu tiên trên cương vị ngoại trưởng, ông Hishammuddin đã chọn điểm đến là Trung Quốc như một cách để bày tỏ sự cảm kích đối với Bắc Kinh vì sự giúp đỡ của nước này trong việc chống lại đại dịch Covid-19.

Trước đó, khi dịch Covid-19 lây lan nghiêm trọng ở Malaysia, Trung Quốc đã gửi khẩu trang, các thiết bị bảo hộ y tế khác để hỗ trợ nước này, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch của mình.

Dù Ngoại trưởng Malaysia đã lên tiếng cho rằng đây là cách thể hiện sự tôn trọng và cảm ơn, nhưng những lời giải thích của ông vẫn không thể xoa dịu dư luận trong nước.

Dẫn đầu những người công kích là cựu Ngoại trưởng Malaysia Datuk Seri Anifah Aman và lãnh đạo phe đối lập Datuk Seri Anwar Ibrahim. Họ nhận định ông Hishammuddin đã mắc lỗi sơ đẳng trong ngoại giao, để cảm xúc cá nhân lấn át và có thể vô tình “khiến Malaysia ở vị thế như một con rối” của nước lớn và yêu cầu lời xin lỗi.

Trong khi đó, phía Trung Quốc đánh giá cao mong muốn hợp tác và sự chân thành trong lời nói của ông Hishammuddin, người luôn có thiện chí trong quan hệ với Trung Quốc và hy vọng tương lai tích cực cho quan hệ hai nước.

Nhật báo của Trung Quốc tại Malaysia Sin Chew Jit Poh nhận xét từ “taiko” không thể hiện sự thấp kém và lật lại vấn đề rằng: “Ông Hishammuddin có ký hiệp ước nào mà có thể hủy hoại lợi ích của Malaysia không? Ông Hishammuddin đã từ bỏ chủ quyền quốc gia cho Trung Quốc chăng? Ngoại giao là gì? Đó là việc sử dụng ngôn ngữ một cách khéo léo để làm suôn sẻ quá trình đạt được mục tiêu của mình trong các cuộc đàm phán quốc tế”.

Hai góc độ chính trị và kinh tế

Đối với nhà quan sát chính trị, Giáo sư Tiến sĩ Chin Yew Sin, phát ngôn của ông Hishammuddin có thể được giải thích từ hai góc độ chính trị và kinh tế.

Từ góc độ chính trị, trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử (GE15) Malaysia đang tới gần, ông Hishammuddin đang muốn bày tỏ thiện chí với Trung Quốc để thu hút các phiếu bầu của người gốc Hoa tại Malaysia. Theo khảo sát, khoảng 30% cử tri gốc Hoa chưa quyết định ủng hộ đảng nào trong GE15.

Từ góc độ kinh tế, nền kinh tế Malaysia đang gặp nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid-19 nên rất cần những đối tác lớn như Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang gặp nhiều “trắc trở” trong quan hệ với phương Tây. Thêm vào đó, hậu đại dịch Covid-19, Malaysia cũng cần thu hút khách Trung Quốc để phục hồi ngành du lịch.

“Không lẽ tự dưng ông Hishammuddin gọi Trung Quốc là ‘taiko’?”, Giáo sư Chin Yew Sin nhấn mạnh.

Một số ý kiến cho rằng Ngoại trưởng Hishammuddin đang muốn dùng năng lực cá nhân để đạt được các mục tiêu quốc gia cho Malaysia. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển mạnh khi phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, Kuala Lumpur cần tăng cường hợp tác kinh tế với Bắc Kinh.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia trong suốt 12 năm qua. Bất chấp đại dịch, nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục vào năm 2020. Điều này mang lại nhiều lợi ích kinh tế và thương mại cho Malaysia.

Từ chuyến đi này, Malaysia đã đạt được một số bước đột phá trong thương mại. Đặc biệt, Bắc Kinh đã đồng ý cho phép nhập khẩu dầu cọ đỏ từ Kuala Lumpur, loại dầu trước đây không đáp ứng được các tiêu chuẩn về đặc điểm kỹ thuật màu của Trung Quốc.

Đây là bước ngoặt quan trọng với nền kinh tế Malaysia vì dầu cọ là mặt hàng xuất khẩu và thu ngoại tệ lớn cho Malaysia. Hội đồng Dầu cọ Malaysia (MPOC) gần đây dự báo Trung Quốc sẽ nhập khẩu khoảng 6,8 triệu tấn dầu cọ trong năm nay. Trong đó, khoảng 42% lượng dầu cọ sẽ từ Malaysia.

Ngoài ra trong chuyến thăm, ông Vương Nghị cũng cho biết Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Malaysia để tiếp tục thúc đẩy hợp tác sáng kiến Vành đai và Con đường chất lượng cao hậu Covid-19.

Đồng thời, phía Trung Quốc cũng bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác về nghiên cứu vaccine và thuốc điều trị Covid-19 với Malaysia. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ số như 5G, nền kinh tế kỹ thuật số và nông nghiệp hiện đại.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Malaysia tới Trung Quốc là một phần trong chuỗi chuyến thăm của ngoại trưởng 4 nước Đông Nam Á tới Bắc Kinh từ 31/3 - 2/4, theo lời mời của Ngoại trưởng Trung Quốc. Ngoại trưởng 3 nước Đông Nam Á còn lại là Singapore, Indonesia và Phillipines.

(theo The Star)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/malaysia-va-tranh-cai-ve-ngoai-giao-anh-ca-voi-trung-quoc-142289.html