Malaysia trong cuộc chiến chống tham nhũng: Đệ nhất phu nhân và kho báu hàng hiệu

Hermes Birkin, một trong những nhãn hiệu túi xách hạng sang thuộc hàng đắt giá nhất thế giới, là thứ đồ sang chảnh luôn được săn lùng bởi những minh tinh màn bạc, ngôi sao ca nhạc, và cả cựu Đệ nhất phu nhân của Malaysia, người từ lâu đã được đặt biệt danh là 'Bà hoàng của các loại túi xách'.

Bà Rosmah Mansor xuất hiện cùng túi sách hiệu Louis Vuitton trong chuyến đi mua sắm ở New York, Mỹ năm 2014 Nguồn: NYTimes.

Cuộc sống xa hoa

Nằm trong tâm điểm của cuộc điều tra tham nhũng gây chấn động Malaysia hiện nay không phải là cựu Thủ tướng Najib Razak với quỹ 1MDB đầy đen tối của ông, mà lại chính là người vợ có lối sống hết sức sang chảnh của ông.

Trong tuần qua, thông tin hé lộ về cuộc sống của bà Rosmah Mansor đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng nước này.

Túi xách nhãn hiệu Hermes Birkin, có giá bán lẻ ở bất kỳ đâu trên thế giới trong khoảng 11.900 - 300.000 USD, chính là tâm điểm gây phẫn nộ của người dân Malaysia trong suốt tuần trước và cả tuần này, khi các cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào ông Najib Razak cho ra kết quả đầu tiên: Giới chức trách thu được vô số thùng chứa toàn đồ hiệu Hermes từ các khu tư dinh của ông.

Các thùng chứa này, vốn thuộc về vợ của ông là bà Rosmah Mansor, đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội.

Nhiều người dân Malaysia dù đã biết về lối sống của bà Mansor, vẫn không khỏi choáng ngợp trước bộ sưu tập toàn hàng hiệu mà bà tích trữ qua nhiều năm.

Vào đầu năm 2015, khi người dân Malaysia đang phản đối các kế hoạch tăng thuế tiêu dùng của chính phủ, thì vị Đệ nhất phu nhân lúc bấy giờ chỉ lên tiếng phàn nàn về chi phí làm tóc của bà quá đắt.

Phát biểu khi tham gia một diễn đàn công chúng về việc áp dụng tăng thuế tiêu dùng, bà Rosmah Mansor phàn nàn rằng bà đã phải trả 1.200 ringgit (300 USD) chỉ để nhuộm tóc, ngay trong thời điểm mà mức thu nhập tối thiểu của người dân Malaysia chỉ là 900 ringgit/tháng.

Phát ngôn của bà Mansor lúc bấy giờ khiến dư luận Malaysia đầy phẫn nộ, họ bắt đầu chú ý tới những chiếc đồng hồ hay túi xách đắt tiền mà bà mang theo mỗi khi xuất hiện cùng chồng của mình, ông Najib Razak- người đã thất bại trong kỳ bầu cử hôm 9-5 vừa qua.

Nhưng do chính phủ thắt chặt quản lý mạng xã hội lúc bấy giờ, có rất ít những lời chỉ trích công khai nhằm vào bà xuất hiện. Giờ đây, sau khi lực lượng cảnh sát thu được hàng trăm chiếc túi xách, bao gồm nhiều chiếc túi hiệu Hermes, và một thùng chứa đầy trang sức từ nhiều khu căn hộ thuộc quyền sở hữu của gia đình Najib, mọi sự chú ý mới đổ dồn về phía bà Mansor.

Trong suốt khoảng thời gian tuần này, mạng xã hội Malaysia liên tục dậy sóng, yêu cầu lý giải vì sao mà bà Mansor có một cuộc sống xa hoa đến vậy.

Rất nhiều người so sánh bà với Imelda Marcos, người từng để lại hơn 1.200 đôi giày đắt tiền khi chồng bà, Ferrdinand Marcos, bị lật đổ khỏi chức vị Tổng thống Philippines hồi năm 1986.

“Tôi cần được trang điểm, chăm chút vẻ bề ngoài”

Đáp lại những câu hỏi của người dân về sự sang chảnh, bà Mansor từng nhiều lần lên tiếng bảo vệ thú vui của mình.

“Có nhiều loại trang sức và quần áo mà tôi đã mua bằng chính tiền của mình làm ra. Điều đó có gì sai?”- bà Mansor, 66 tuổi, nói trong một cuốn sách tự truyện xuất bản năm 2013 để giải thích về lối sống bị chỉ trích của mình.

“Là một người phụ nữ và là vợ của một nhà lãnh đạo, tôi phải được trang điểm, gọn gàng và chăm sóc cho vẻ bề ngoài. Sẽ thật xấu hổ cho người dân Malaysia nếu như các nước khác châm chọc người vợ xuề xòa của Thủ tướng Malaysia”- bà Mansor nói.

Trong hôm thứ Bảy tuần trước, bà Mansor, thông qua công ty luật của mình, đã đề cập tới “chuỗi sự kiện gần đây dẫn tới làn sóng phản đối trên mạng xã hội” và yêu cầu chính quyền tuân thủ luật pháp để tránh tình trạng gây ra sự phán xét thiếu chín chắn trong dư luận.

Kể từ khi ông Najib Razak bị đánh bại trong kỳ bầu cử bởi chính người dẫn dắt của mình, ông Mahathir Mohamad - hiện là đương kim Thủ tướng của Malaysia- ông đã trở thành mục tiêu của một cuộc điều tra cáo buộc rửa tiền. Cả ông Najib và vợ đều bị cấm rời khỏi Malaysia.

Chính phủ mới của Malaysia hiện đang điều tra các cáo buộc gian lận và tham nhũng tại quỹ nhà nước Malaysia Development Berhad (1MDB) được thành lập bởi ông Najib. Chính quyền Mỹ nói rằng vị cựu Thủ tướng này đã đút túi gần 700 triệu USD từ quỹ này, trong khi bị cáo bác bỏ mọi việc làm sai trái.

Túi Hermes Birkin da cá sấu có giá 129.000 USD năm 2007, mới được thu giữ tại nhà riêng của gia đình Najib Razak.

Hermes Birkin và đôi dép sandal 4 USD

Hồi tuần trước, trong các cuộc kiểm tra nhằm vào chuỗi các dinh thự siêu sang của ông Najib, lực lượng cảnh sát Malaysia đã thu giữ được gần 300 thùng chứa đầy túi xách và hàng chục thùng chứa tiền mặt cùng trang sức.

Các mặt hàng hạng sang như túi sách Hermes Birkin và đồng hồ đắt tiền nằm trong số các đồ vật bị thu giữ, dù cảnh sát không nêu rõ ai là chủ sở hữu của số đồ vật này.

Được biết, túi xách Hermes Birkin, vốn được ưa chuộng bởi giới nổi tiếng và siêu giàu, có thể có giá lên tới hàng trăm nghìn USD.

Thông tin về vụ thu giữ nói trên chỉ xuất hiện vài giờ sau khi mạng xã hội lan truyền một bức ảnh cho thấy đương kim Thủ tướng Mahathir đang mang một đôi dép sandal hiệu Bata có giá chỉ vỏn vẹn 4 USD.

Hình ảnh này nhanh chóng gây sốt trên mạng xã hội, khiến nhiều cư dân mạng so sánh lối sống giản dị của ông Mahathir với cựu Thủ tướng Najib.

Năm ngoái, Bộ Tư pháp của Mỹ đã bắt đầu xử lý các vụ kiện liên quan tới lượng tiền lớn bị đánh cắp từ quỹ 1MDB với mục đích được sử dụng để mua trang sức đắt tiền cho bà Mansor: 27 triệu USD để mua một viên kim cương màu hồng cực hiếm và 1,3 triệu USD để mua 27 vòng đeo cổ bằng vàng.

Xuất thân bình dị

Được biết, xuất thân của bà Rosmah Mansor trước đây khá khiêm nhường. Bà sinh năm 1951 tại Kuala Pilah, một thị trấn nhỏ thuộc bang Negeri Sembilan, nằm ở Tây nam bán đảo Malaysia.

Theo cuốn sách tự truyện về bản thân xuất bản năm 2013, bà đã theo học ngành Xã hội học và Nhân loại học ở một trường ĐH địa phương, trước khi theo đuổi bằng Tiến sỹ ở ĐH bang Louisiana, Mỹ.

Trong tiểu sử của mình, bà có nhắc tới khó khăn về tài chính khi còn là sinh viên và công việc đầu tiên của bà là một vị trí tại một ngân hàng nông nghiệp, nơi bà nhận được mức lương 800 ringgit/tháng.

Bà ngừng làm việc vào năm 1987 để tập trung hơn vào việc lập gia đình với ông Najib Razak - người lúc đó đang giữ vị trí Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao của Malaysia.

Sau khi ông Najib trở thành Thủ tướng Malaysia, bà Rosmah Mansor tập trung vào công tác từ thiện, hỗ trợ những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, các tổ chức phụ nữ, y tế và cả thể thao.

Năm 2017, chỉ một ngày sau khi Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra cáo buộc về vụ mua bán một viên kim cương hồng có giá 27 triệu USD, các luật sư của bà Mansor đã đưa ra một thông báo đe dọa sẽ khởi kiện bất cứ ai dám đưa ra “các ấn phẩm hay hình ảnh sai trái và hiểm độc” nhằm vào bản thân bà.

Trong những trang cuối cuốn sách tự truyện của mình, bà Mansor yêu cầu người dân Malaysia hãy chấp nhận bản chất tự nhiên của bà: “Tôi hy vọng rằng người dân chấp nhận thực tế rằng tôi cũng là một con người bình thường. Tôi không hề hoàn hảo”.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/malaysia-trong-cuoc-chien-chong-tham-nhung-de-nhat-phu-nhan-va-kho-bau-hang-hieu-tintuc405252