Malaysia - thử thách cuối cùng cho ngôi vương AFF Cup của Việt Nam

Malaysia giờ không còn là đội tuyển từng thua Việt Nam 0-2 ở vòng bảng tại Mỹ Đình. 'Harimau Malaya' đã bước những bước dài từ ngày đó để tiến vào trận chung kết AFF Cup.

Khi trọng tài Adham Makhadmeh người Jordan chỉ tay vào chấm phạt đền đúng vào phút cuối cùng của trận bán kết lượt về giữa Thái Lan và Malaysia trên sân Rajamangala, các cầu thủ áo xanh đã ôm chầm lấy nhau. Họ tin rằng cơ hội từ chấm 11 mét sẽ đưa mình vào trận chung kết.

Phần còn lại như tất cả đều đã biết, Adisak Kraisorn đưa bóng lên trời, đá văng cơ hội lọt vào chung kết của người Thái, đưa người Malaysia trở về từ cửa tử để đối đầu với tuyển Việt Nam của HLV Park Hang-seo trong trận chung kết.

May mắn? Có thể đúng. Nhưng may mắn như Issac Newton từng nói chỉ đến với “những bộ não đã chuẩn bị trước”. Malaysia thực sự xứng đáng vào trận chung kết sau khi đã chơi trên chân người Thái trong cả hai lượt trận bán kết.

Malaysia bước vào AFF Cup 2018 bằng thành tích không đến nỗi nào (so với mặt bằng Đông Nam Á) tại hai giải đấu lớn từ đầu năm là VCK U23 châu Á và ASIAD 2018. Ở giải đấu tại Thường Châu, U23 Malaysia vượt qua vòng bảng với vị trí thứ nhì sau Iraq khi đả bại Saudi Arabia ở lượt đấu cuối cùng với tỷ số 1-0. Ở vòng tứ kết, Malaysia cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho U23 Hàn Quốc trước khi thua cuộc với tỷ số 1-2.

Tại ASIAD 2018, đội Olympic nước này cũng vượt qua vòng bảng khi đánh bại ông lớn Hàn Quốc, trước khi thúc thủ trước Nhật Bản ở vòng 1/8. Thành tích này của lứa trẻ Malaysia là rất hứa hẹn nếu đặt vào bối cảnh bóng đá của đất nước này đã chịu nhiều ảnh hưởng vì chuyện bán độ vào năm 2017 cũng như thất bại ngay tại vòng bảng của AFF Cup 2016.

Trong đội hình tham gia AFF Cup 2018, Malaysia chỉ chọn 7 cầu thủ từng làm nên chuyện tại ASIAD 2018, con số này được coi là ít nếu so với Việt Nam (15 cầu thủ). Khác biệt này là do khác với Việt Nam sử dụng chung một HLV cho cả hai cấp độ Olympic và đội tuyển quốc gia, Malaysia chủ động chia thành hai người.

Ông Ong Kim Swee dẫn dắt lứa trẻ, trong khi ông Tan Cheng Hoe làm việc với đội tuyển quốc gia. Song công bằng mà nói thì ông Tan Cheng Hoe vẫn đặt Malaysia đi đúng con đường trẻ hóa mà LĐBĐ Malaysia đã vạch ra.

Tuổi trung bình của đội hình “Harimau Malaya” tham dự AFF Cup 2018 chỉ là 25,1, không chênh lệch quá nhiều so với tuyển Việt Nam lấy nòng cốt là lứa U23 và Olympic làm nên chuyện tại Thường Châu cũng như ASIAD (24,2).

Giống với Việt Nam có những cựu binh là Anh Đức, Văn Quyết hay Trọng Hoàng, Malaysia tại giải lần này vẫn ít nhiều phụ thuộc vào những nhân tố đã thành danh trong quá khứ. Đó là hai anh em Aidil Zafuan Radzak và Zaquan Adha, là thủ môn Farizal Marlias và đặc biệt là tiền đạo Idlan Talaha.

4 nhân tố này tạo nên trục dọc rất đáng sợ cho Malaysia. Farizal Marlias mang tới sự chắc chắn trong khung gỗ, Aidil Zafuan là lá chắn nơi hàng phòng ngự, trong khi Zaquan Adha và Talaha làm nhiệm vụ lĩnh xướng hàng công.

8 trong tổng số 9 bàn của Malaysia tại giải lần này tới từ Zaquan Adha và Talaha. Pha lập công duy nhất không in dấu giày của hai cựu binh từng cùng Malaysia vô địch Sea Games 2009 là cú sút siêu phẩm gỡ hòa 1-1 trước Thái Lan tại bán kết của Syahmi.

Kinh nghiệm cùng khả năng bùng nổ của Adha cũng như Talaha là yếu tố then chốt trong cách tấn công dựa vào khả năng bứt tốc ở đoạn ngắn của Malaysia. Và nền tảng để hai cựu binh này tỏa sáng là những cầu thủ Malaysia trẻ hơn chạy không biết mệt trong suốt cả trận, táo bạo sẵn sàng chơi đến tận cùng mặc cho những kết quả xấu nhất có thể tới.

Malaysia đã lọt vào chung kết AFF Cup, sẵn sàng thách thức Việt Nam theo cách đó.

Nếu nhìn vào sự thật rằng Malaysia chỉ còn cách chức vô địch AFF Cup 2018 có 2 trận đấu nữa, thì thật khó để tin rằng trước giải đấu, ông Tan Cheng Hoe đã gặp những chỉ trích rất lớn vì cách chọn người. Talaha, người đã ghi 5 bàn cho Malaysia tính đến lúc này, nhận phải sự phản đối dữ dội của truyền thông nước này khi được triệu tập.

Họ cho rằng Talaha đã hết thời và việc triệu tập ngôi sao sinh năm 1986 sẽ hạn chế khả năng của những cầu thủ khác. Nhưng vinh quang thì luôn dành cho phần thiểu số dám nghĩ dám làm thay vì đám đông chỉ trích suông. Vai trò của Talaha với Malaysia ở AFF Cup 2018 là quá quan trọng và chẳng có sai lầm nào trong việc triệu tập tiền đạo kỳ cựu này.

Nhưng Talaha chưa phải trường hợp duy nhất gây tranh cãi tại Malaysia trước giải nhưng chơi bùng nổ sau đó. Cầu thủ nhập tịch Mohamadou Sumareh là trường hợp tương tự. Malaysia không phải quốc gia có xu hướng mở cửa với những cầu thủ nhập tịch như Singapore trước kia.

Trong quá khứ, rất nhiều cầu thủ Malaysia xin được nhập tịch, song đều bị khước từ. Sumareh không có quan hệ họ hàng với người bản địa Malaysia, thế nên việc tiền vệ người Gambia được mang quốc tịch Malaysia khiến không ít người bất ngờ. Bộ trưởng Thể thao Malaysia Syed Saddiq Abdul Rahman đã phản ứng dữ dội với liên đoàn bóng đá nước này, song quyết định cuối cùng không đổi.

Ông lên tiếng: “Tôi nghĩ tuyển Malaysia chưa cần cầu thủ nhập tịch. Chúng ta cần bàn bạc kỹ lưỡng hơn. Với quan điểm của Bộ Thể thao, Malaysia nên tập trung nguồn lực để đào tạo cầu thủ trẻ hơn là nhập tịch những ngôi sao không có chung dòng máu”.

Sự phân biệt đối xử, thậm chí dè bỉu của những quan chức Malaysia cũng như một phần cổ động viên quốc gia này dành cho Sumareh là có thể nhận thấy. Song màn trình diễn của tiền vệ sinh năm 1994 tại AFF Cup đã phần nào xoa dịu đi những quan điểm hà khắc đó.

Dù không ghi bàn như Adha hay Talaha, khả năng xuyên phá của cầu thủ gốc Phi này đã luôn giúp Malaysia có được những phương án khai phá thế bế tắc trước những đối thủ sử dụng hàng phòng ngự co cụm.

Trong trận bán kết lượt đi với Thái Lan tại Bukit Jalil, chính Sumareh đã tạo ra vô vàn khó khăn cho “Voi chiến” và chỉ có sự vô duyên đến kỳ lạ của hàng công mới khiến Malaysia không có bàn thắng trước Thái Lan.

“Kẻ suýt chết thường sống rất dai”, quy luật mang tính truyền miệng này lại luôn có những giá trị lớn trong một môn thể thao chứa hàng tỷ biến cố như bóng đá.

Italy vô địch World Cup 2006 với một nửa đội hình có thể vào tù vì scandal dàn xếp tỷ số bị phanh phui trước giải, Argentina vô địch World Cup 1978 sau khi suýt bị loại ở vòng bảng thứ hai khi kém hơn Brazil hiệu số là những ví dụ đỉnh cao của câu nói này.

Chính Việt Nam đã từng là nhân vật chính của một bộ phim hành động vượt qua nghịch cảnh như thế. AFF Cup 2008, chúng ta đã thua Thái Lan 0-2 ngay trận ra quân trước khi vượt qua hàng loạt những thử thách như Malaysia, Singapore và cuối cùng là Thái Lan trong trận chung kết với cú đánh đầu không tưởng của Lê Công Vinh tại Mỹ Đình ngày 28/12/2008 đúng phút cuối cùng.

Nhưng Việt Nam không phải trường hợp duy nhất tại Đông Nam Á. Chính Malaysia mới là chủ nhân của những màn lật ngược thế cờ nhiều nhất. Đáng nói hơn nữa là nạn nhân của Malaysia đều là Việt Nam.

SEA Games 2009, Malaysia buộc phải thắng Thái Lan ở lượt cuối cùng của vòng bảng nếu muốn đi tiếp vào vòng bán kết. Đội bóng của HLV Rajagopal bị dẫn trước tới phút thứ 81 trước khi hai bàn thắng không tưởng của Nasriq và Fakri (phút 90+2) khiến Malaysia trực tiếp hất văng Thái Lan, lật ngược thế cờ để đi vào vòng bán kết trước khi vô địch sau chiến thắng trước chính Việt Nam trong trận chung kết.

Chưa hết, một năm sau tại AFF Cup 2010, Malaysia một lần nữa lên ngôi vô địch theo cách này. Vẫn là Rajagopal đặt các học trò vào tình thế sống hoặc chết khi thua Indonesia 1-5 ngay trận ra quân trước khi lách qua khe cửa hẹp vào vòng bán kết khi thắng đậm Lào lượt cuối trong khi Thái Lan thất bại trước Indonesia.

Tại bán kết trước tuyển Việt Nam khi đó là đương kim vô địch và được đánh giá mạnh hơn, Malaysia đã gây sốc với chiến thắng 2-0 tại Bukit Jalil. Lượt về ở Mỹ Đình, thầy trò Henrique Calisto không thể lội ngược dòng khi chỉ hòa 0-0 và chấp nhận trở thành cựu vô địch.

Trong hai lượt trận chung kết, Malaysia quật ngã Indonesia từng thắng họ tới 5-1 ở vòng bảng với tỷ số 3-0 trong trận lượt đi trước khi thua 1-2 ở trận lượt về để lên ngôi vô địch.

Trong bóng đá, việc trở về từ “cửa tử” luôn là liều doping tinh thần khiến các đội bóng trở nên mạnh mẽ lẫn đáng sợ hơn nhất là thể thức thi đấu knock-out, nơi mà bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra.

"Trơn tru" (smooth) là tính từ mà ông Tan Cheng Hoe đã mô tả về Malaysia trước khi AFF Cup khởi tranh. Ông nói rằng đội hình Malaysia đã hoàn thiện và mọi cầu thủ đã "sẵn sàng" cho AFF Cup. Malaysia thực tế không "trơn tru" như ông Tan nói.

Đội bóng này đã vừa đá vừa tìm ra lối thoát cho từng trận đấu bằng kinh nghiệm của những cựu binh như Adha hay Talaha, sức trẻ của những Sumareh, Safawi Rasid hay Syahmi Safari. Mọi thứ có thể đã rất tệ với Malaysia khi Kraisorn đứng trước chấm 11 mét. Nhưng sau cùng kịch bản ấy đã không tới.

Sau khi kết thúc trận bán kết kịch tính trên Rajamangala, HLV Milovan Rajevac của Thái Lan thừa nhận: “Trong hai lượt trận, Malaysia chắc chắn là những người tỏ rõ quyết tâm và sự nhiệt huyết hơn so với các cầu thủ Thái Lan. Họ khao khát được chơi ở trận chung kết của hơn chúng tôi”.

Tuyên bố ấy của HLV trưởng Thái Lan đã làm bật lên khát khao tiếp tục tạo ra một điều kỳ diệu nữa ở sân chơi khu vực của người Mã. Họ muốn chức vô địch.

Người Mã đang nói nhiều tới hai chữ "trả thù" trước hai lượt trận chung kết với Việt Nam. Họ đều đã thành công với sự dữ tợn ấy trong những chiến thắng vào năm 2009 (trước Việt Nam) và 2010 (trước Indonesia).

Lần này, liệu những Quang Hải, Văn Đức, Công Phượng, Văn Lâm hay Duy Mạnh có thể phá cái thế hừng hực đó của người Mã? Bukit Jalil ngày 11/12 và Mỹ Đình ngày 15/12 sẽ cho ra câu trả lời.

Việt Nhật
Đồ họa: Như Ý

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/malaysia-thu-thach-cuoi-cung-cho-ngoi-vuong-aff-cup-cua-viet-nam-post898774.html