Malaysia thay đổi như thế nào khi tái ngộ Việt Nam?

So với những lần chạm trán ở AFF Cup 2018, đội tuyển Malaysia đến Hà Nội lần này với nhiều thay đổi, nâng cấp về nhân sự.

Trên đây là đội hình xuất phát của Malaysia trong trận đấu gần nhất của họ tại vòng loại World Cup 2022 ( thua UAE 1-2 trên sân nhà hồi tháng 9). Cách bố trí đội hình của HLV Tan Cheng Hoe không thay đổi nhiều so với AFF Cup 2018 . Họ vẫn chọn sơ đồ khung là 4-2-3-1, với tiền vệ công Syafiq thường dâng lên để chuyển thành đội hình 4-4-2 khi phòng ngự. Sự xuất hiện của tiền đạo 24 tuổi Syafiq thay cho lão tướng Zaquan cũng là thay đổi duy nhất trên hàng công của Malaysia.

Nhưng cả hàng thủ lẫn các tiền vệ trung tâm đều có những xáo trộn lớn. So với AFF Cup 2018, chỉ có hai người trong hệ thống phòng ngự của Malaysia được giữ lại, gồm thủ môn Marlias và trung vệ Mohd Saad. Cặp tiền vệ trung tâm của họ lúc này là Gan Seng Ling - Nor Azam Azih, thay vì Mahinan - Syamer. Gan Seng Ling sinh ở Australia và từng chơi bóng cho Sydney FC. Còn Azih, sau một thời gian lận đận vì chấn thương, bắt đầu khẳng định tài năng ở Pahang, và từ đó có suất đá chính ở đội tuyển. Tuy nhiên, khả năng Azih có mặt trong trận đấu với Việt Nam ngày 10/10 còn bỏ ngỏ, vì anh này đang phải điều trị chấn thương mắt cá.

Dưới hàng thủ, cả hai cánh của Malaysia đều được làm mới bởi các cầu thủ sinh ở nước ngoài. Hậu vệ phải Matthew Davies sinh ở Australia, từng chơi cho đội U19 Australia, và CLB nổi tiếng Perth Glory. Còn hậu vệ trái La"Vere Corbin-Ong sinh tại Anh, nhưng hồi nhỏ chủ yếu sống ở Canada. Anh từng chơi bóng ở MLS, trong màu áo Vancouver Whitecaps, và ở giải hạng Ba Đức cho FSV Frankfurt. Corbin-Ong từng một lần khoác áo tuyển Canada, vào năm 2017, trước khi quyết định chuyển hẳn sang khoác áo Malaysia từ tháng 6/2019.

Định hướng lối chơi

Tương tự như trước đây, Malaysia thường cố gắng áp đặt thế trận tấn công ngay sau tiếng còi khai cuộc. Ngay cả khi đối thủ là UAE - một ông lớn tầm châu lục, Malaysia cũng không thay đổi lựa chọn. Trong trận đấu đó, các cầu thủ Malaysia tràn sang phần sân khách ngay sau khi giao bóng, và được đền đáp bằng bàn mở tỷ số ở giây thứ 35, nhờ công Syafiq. Đấy sẽ là điều HLV Park Hang-seo cần lưu ý, bởi đầu trận thường là giai đoạn các cầu thủ chưa có được sự tập trung cao nhất.

Malaysia cũng thường tổ chức pressing ngay từ khi các hậu vệ của đối phương còn triển khai bóng. Mục đích của chiến thuật này là khiến đối phương mắc sai lầm để Malaysia có thể đoạt được bóng ở các khu vực gần với khung thành. Đó chính là lúc tốt nhất để tổ chức một pha tấn công, bởi hàng thủ của đối phương thì đang xộc xệch (do các hậu vệ phải giãn ra để triển khai bóng), trong khi đội bóng tổ chức pressing lại có đủ nhân sự và sự sẵn sàng.

Các cầu thủ Malaysia (áo vàng) gây sức ép một cách hệ thống khi các cầu thủ UAE còn triển khai bóng quanh khu cấm địa đội nhà..

Các cầu thủ Malaysia (áo vàng) gây sức ép một cách hệ thống khi các cầu thủ UAE còn triển khai bóng quanh khu cấm địa đội nhà..

Ở tình huống trên, các cầu thủ Malaysia đã tổ chức pressing tới tận vị trí thủ môn của UAE. Hành động của trung vệ UAE trong tình huống này được gọi là “chuyền áp lực”, vì với cách gây sức ép của cầu thủ Malaysia, và khoảng cách giữa trung vệ UAE với thủ môn đội này, ngay khi thủ môn nhận bóng, anh ta sẽ lập tức bị đặt dưới áp lực lớn mà trước đó thuộc về trung vệ. Không có nhiều lựa chọn cho thủ môn đội khách khi mỗi đồng đội xung quanh anh đều đã bị một cầu thủ Malaysia theo sát.

Trong hiệp 1, khi các cầu thủ Malaysia còn dồi dào thể lực, những pha pressing tầm cao quyết liệt như thế này đã gây ra vô vàn khó khăn cho các cầu thủ UAE, nhất là khi đội khách khá kiên trì với chiến thuật triển khai bóng từ hàng thủ. Có không ít tình huống Malaysia đã cướp được bóng, hoặc ép các cầu thủ UAE phải chuyền sai, để từ đó tổ chức được những pha tấn công nguy hiểm. Nếu các chân sút của Malaysia chính xác hơn, hoặc các hậu vệ của UAE không kịp lăn xả và phá bóng ngay trước mũi giày đối phương, Malaysia đã có thể ghi được không dưới hai hoặc ba bàn thắng.

Tất nhiên, một đội bóng không thể chỉ trông chờ vào pressing tầm cao. Đây là một chiến thuật đòi hỏi sự đồng bộ cao, và quan trọng là rất tốn sức. Thực tế hiệp 2 cho thấy sự tốn sức đó, khi Malaysia hầu như không còn pressing tầm cao nữa, mà chuyển sang chiến thuật pressing hàng tiền vệ. Đội bóng của HLV Tan Cheng Hoe cũng rất tích cực triển khai bóng từ hàng thủ. Hai tiền vệ trung tâm của họ là những người chịu trách nhiệm chính trong việc đưa trái bóng tới các khu vực cao hơn một cách ổn định.

Trong cách triển khai của Malaysia, một trong hai tiền vệ trung tâm (số 8 Azih hoặc số 6 Gan Seng Ling) sẽ lùi xuống sâu, đôi khi ngang hàng với các trung vệ, để nhận bóng và triển khai. Người còn lại sẽ dâng cao để chơi giữa các tuyến, đóng vai trò trạm trung chuyển bóng từ tuyến dưới tới các tiền đạo. Đây là một bài tổ chức quen thuộc của Malaysia mỗi khi Azih là người chơi thấp nhất. Tiền vệ của Pahang có những đường chuyền dài thực sự ấn tượng.

Như tình huống trên, bóng luân chuyển từ Azih đến hậu vệ trái Corbin-Ong rồi được đẩy lên cho Gan Seng Ling. Lúc này, cầu thủ sinh tại Australia đã di chuyển vào khoảng trống giữa hàng thủ và hàng tiền vệ của UAE (hai tiền vệ phòng ngự của UAE đều bị bỏ lại phía sau). Trái bóng sau đó được Gan Seng Ling chọc khe cho Sumareh băng xuống. Đây là một pha tấn công rất có chất lượng, nhưng sau khi Sumareh loại được thủ môn của UAE và đưa bóng cắt ngang khung thành, không có đồng đội nào kịp băng vào.

Vũ khí tấn công biên

Tương tự ở AFF Cup 2018, cánh phải tiếp tục là hướng tấn công chủ đạo của Malaysia. Năm ngoái, họ có một Safari công thủ ấn tượng, còn bây giờ, Matthew Davies thậm chí còn đáng nể hơn. Trong trận đấu UAE, phần lớn cơ hội nguy hiểm nhất mà Malaysia tạo được, nhất là trong hiệp 1, đều đến khi Davies còn được dâng cao thường xuyên, đều đến từ cánh phải. Bài tấn công quen thuộc của Malaysia là Davies dâng cao để chồng biên, thường là với Sumareh.

Bàn mở tỷ số của họ đến sau một pha lên bóng như thế. Sumareh giữ được bóng ở rìa vòng cấm của UAE, chờ Davies băng lên rồi tỉa xuống nách. Cựu hậu vệ của Perth Glory đã có một pha tạt bóng hoàn hảo để số 20 Syafiq âm thầm băng vào đánh đầu. Những pha di chuyển âm thầm vào khoảng mù của các hậu vệ UAE để nhận những đường tạt bóng hoặc căng ngang từ Davies cũng chính là vũ khí nguy hiểm nhất của cá nhân Syafiq và đội tuyển Malaysia. Trong hiệp 1, Syafiq còn một lần khác thoát xuống nhận đường chuyền thông minh của Davies, nhưng lại dứt điểm lệch cột.

Những pha thoát xuống ở biên phải của Davies, kết hợp với Syafid hoặc Sumareh luôn tiềm ẩn nguy hiểm.

Tuy nhiên, các pha tấn công bên cánh phải của Malaysia chỉ thực sự mạnh mẽ khi có sự tham gia của cả Sumareh lẫn Davies . Đó là bởi Sumareh là một mối nguy quá lớn với hàng thủ UAE, nên anh luôn nhận được sự chăm sóc đặc biệt, do đó tạo điều kiện để Davies rảnh chân. Ngoài ra, Sumareh cũng có thể giữ bóng đủ lâu để chờ Davies băng lên, điều mà không nhiều cầu thủ khác làm được. Và khi có Sumareh, Davies có thể yên tâm tấn công, vì nếu cần cầu thủ gốc Gambia sẽ hỗ trợ cho anh ở khâu phòng ngự.

Nhưng Malaysia không thể lúc nào cũng để Sumareh bên cánh phải. Trong trận đấu với UAE, HLV Tan Chang Hoe đã dùng anh ở ba vị trí khác nhau. Đầu tiên là tiền vệ cánh phải. Sau đó là tiền vệ cánh trái. Và cuối cùng, trước khi Sumareh phải rời sân vì chấn thương, là tiền đạo. Đây cũng là điều mà ông Park Hang-seo và đội ngũ trợ lý đã lưu ý. Chia cắt được Sumareh và Davies sẽ là vấn đề mang tính “sống còn”. Nếu tấn công vào cánh trái của Malaysia đủ mạnh, Việt Nam sẽ phải kéo Sumareh sang đó để hỗ trợ Corbin-Ong phòng ngự, do Safawi, tiền vệ cánh còn lại của họ, hầu như không có khả năng phòng ngự.

Và những điểm yếu

Sau trận đấu giữa Malaysia với UAE, trên mạng xã hội xuất hiện một bình luận vui thu hút được rất nhiều tương tác. Vui nhưng lại phản ánh đúng thực tế: “Malaysia tấn công như một đội bóng hàng đầu, nhưng phòng ngự như một đội bóng đá nữ”. Cả hai bàn thua của Malaysia trước UAE đều hoàn toàn có thể tránh được, nếu các hậu vệ của họ không chơi bóng một cách quá thiếu quyết liệt (bàn đầu tiên) hoặc tự bắn vào chân (bàn thứ hai).

Đó sẽ là cơ sở đáng kể nhất để thầy trò Park Hang-seo hướng tới chiến thắng đầu tiên ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Nhưng tất nhiên, Việt Nam sẽ không thể bước vào trận đấu với tư tưởng chờ đợi các hậu vệ của Malaysia sai lầm. Điều đội cần phải làm là tìm ra những điểm yếu trong hệ thống của họ để có thể khai thác chúng một cách ổn định, nhằm tạo ra các cơ hội chủ động. Và một trong những điểm yếu ấy xuất phát từ chính đặc điểm nổi bật trong lối chơi của Malaysia: những tình huống pressing tầm cao.

Như đã nói, pressing tầm cao là một chiến thuật đòi hỏi tính đồng bộ và sự nhuần nhuyễn rất cao. Những nỗ lực pressing lẻ tẻ chắc chắn sẽ thất bại. Cũng bởi thế, mỗi lần Malaysia tổ chức pressing, luôn có ít nhất 6 cầu thủ của họ xuất hiện bên phần sân của đối phương: 2 tiền đạo theo sát 2 trung vệ của UAE, 2 tiền vệ cánh theo sát 2 hậu vệ cánh, và 2 tiền vệ trung tâm theo sát 2 tiền vệ trung tâm. Trong trường hợp UAE cử thêm người lùi về để hỗ trợ thoát pressing, số lượng cầu thủ Malaysia phải dâng cao sẽ tăng lên ứng với số cầu thủ UAE lùi về.

Trên đây là một tình huống các cầu thủ Malaysia chuẩn bị tổ chức một pha pressing tầm cao với các cầu thủ UAE. Ngoài các cầu thủ tấn công, hai tiền vệ trung tâm của họ cũng đã và chuẩn bị vượt qua vạch giữa sân để gây sức ép với các tiền vệ trung tâm của UAE. Từ vị trí của các tiền vệ trung tâm của Malaysia, không khó để hình dung được nguy cơ mà họ phải đối mặt, đó là khoảng trống sau lưng hàng tiền vệ và trước mặt hàng hậu vệ là quá lớn.

Bình thường, để giải quyết vấn đề này, các đội bóng, Liverpool hay Man City chẳng hạn, sẽ chọn cách đẩy hàng phòng ngự lên cao 5 mét hay 10 mét hoặc thậm chí cao hơn. Khi đó, khoảng trống giữa hàng thủ và hàng tiền vệ sẽ được co lại. Nhưng mặt trái là khoảng trống sau lưng hàng thủ sẽ lớn hơn. Nếu đội bóng đối thủ có những tiền đạo tốc độ, trong khi các trung vệ của đội phòng ngự lại không đủ nhanh, thì đó là một chiến thuật tự sát. Đó cũng chính là vấn đề của Malaysia, nên họ chọn cách không... tự sát, tức là vẫn duy trì một hàng phòng ngự thấp.

Khi đó, bằng cách chọn vị trí thông minh, hai hay ba cầu thủ tấn công của đối phương có thể “ghim” bốn hậu vệ của Malaysia lại, không cho họ dâng lên cắt bóng khi cần - như cách các cầu thủ UAE đã làm dưới đây. Sẽ có một hoặc hai cầu thủ UAE được tự do hoạt động ở khoảng trống khổng lồ giữa các tuyến của Malaysia. Nếu đối phương có thể đưa được bóng cho cầu thủ này, Malaysia sẽ gặp rắc rối lớn, vì lúc đó UAE sẽ tạo được tình huống 4 đánh 4 ở một phần ba sân phòng ngự của Malaysia.

Một vấn đề khác của Malaysia, cũng liên quan tới khâu pressing, là chất lượng các pha pressing chưa ổn. Khi quyết định gây sức ép, một cầu thủ phải đồng thời hoàn thành hai nhiệm vụ. Thứ nhất là gây sức ép với cầu thủ có bóng, thứ hai, không cho cầu thủ có bóng kia thực hiện đường chuyền ra phía sau anh ta. Đó là lý do chúng ta thấy các cầu thủ khi dâng lên pressing thường vừa chạy vừa quan sát và điều chỉnh vị trí cũng như tư thế. Nếu cầu thủ pressing chỉ biết hùng hục lao vào bóng, anh ta có thể dễ dàng bị by-pass (vượt qua bằng một đường chuyền), và nỗ lực pressing của toàn đội sẽ đổ vỡ.

Đấy là vấn đề mà Malaysia không ít lần để lộ ra trong trận đấu với UAE, mà thực ra cũng là vấn đề đã được đề cập từ AFF Cup 2018. Và nói chung, họ gặp vấn đề này ngay cả khi không chủ động pressing tầm cao.

Như trong tình huống trên, ba tiền vệ của Malaysia cố gắng tạo thành một phòng tuyến để ngăn trung vệ của UAE chuyền bóng vào giữa. Nhưng vì họ không quan sát ở phía sau lưng, nên có tới 2 tiền vệ của đội khách “lẻn” được vào những vị trí tốt để nhận bóng. Từ đây, họ có rất nhiều lựa chọn để triển khai bóng. Thường thì UAE chủ động tấn công vào nách trái trong hệ thống phòng ngự của Malaysia. Từ AFF Cup 2018 tới nay, đó vẫn là điểm yếu “chí tử” của đội bóng có biệt danh “Những con hổ”.

Nếu các học trò của HLV Park Hang-seo có thể dụ được các tiền vệ và tiền đạo của Malaysia dâng cao, rồi tìm ra kẽ hở trong hệ thống của họ để thực hiện những đường chuyền xuyên tuyến lên phía trên, Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội để khai thác điểm yếu này, nhờ tốc độ của những Văn Toàn hay Công Phượng.

Để làm được điều đó, trước hết các trung vệ và tiền vệ phòng ngự cần kiên trì triển khai bóng từ hàng thủ, bởi nếu ngại sức ép của Malaysia mà dùng ngay các pha phát bóng dài thì sẽ không có cơ hội như đã nói. Các tiền đạo cần phải chọn được vị trí tốt để có thể bằng ít người nhất ghim được nhiều hậu vệ Malaysia nhất. Phần còn lại, hãy để những tiền vệ thông minh có khả năng hoạt động trong khoảng trống tốt - những cầu thủ cây kim của ông Park - đảm nhiệm.

Theo VNE

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/bong-da/malaysia-thay-doi-nhu-the-nao-khi-tai-ngo-viet-nam/180285.htm