Malaysia tập trung nguồn lực, kéo các 'nhà đầu tư khủng', gây dựng Trung tâm bán dẫn của Đông Nam Á

Hướng mục tiêu trở thành trung tâm bán dẫn của Đông Nam Á, Malaysia sẵn sàng mở cửa chào đón các khoản đầu tư từ các nhà sản xuất chip trên khắp thế giới, để hoàn thiện hệ sinh thái của mình.

Malaysia tập trung nguồn lực, kéo các nhà đầu tư khủng, gây dựng Trung tâm bán dẫn của Đông Nam Á. Trong ảnh: Penang, nơi được mệnh danh là Thung lũng Silicon của phương Đông. (Nguồn: InvestPenang)

Malaysia tập trung nguồn lực, kéo các nhà đầu tư khủng, gây dựng Trung tâm bán dẫn của Đông Nam Á. Trong ảnh: Penang, nơi được mệnh danh là Thung lũng Silicon của phương Đông. (Nguồn: InvestPenang)

Không nghỉ trên "vòng nguyệt quế"

Chỉ riêng trong quý đầu tiên của năm 2022, ngành công nghiệp điện và điện tử (E&E) Malaysia đã đóng góp hơn 19 tỷ RM với 13.700 cơ hội việc làm mới.

Trải qua hai năm đại dịch Covid-19 và tình trạng thiếu chip toàn cầu, thế giới nhận ra một điều - châu Á đóng vai trò không thể thiếu trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Đặc biệt, châu Á-Thái Bình Dương là thị trường lớn nhất thế giới về chất bán dẫn, chiếm 60% doanh số toàn cầu, trong đó riêng Trung Quốc chiếm hơn 30%.

Trong bối cảnh, các chính phủ trong khu vực đều đang nỗ lực tăng cường năng lực cung ứng linh kiện bán dẫn, Malaysia chọn cách đẩy mạnh hợp tác với các công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực chip, khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn tại quốc gia này.

Malaysia từ lâu đã giữ một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu. Ngành công nghiệp bán dẫn của quốc gia này chủ yếu tập trung ở Penang - nơi còn được mệnh danh là Thung lũng Silicon của phương Đông.

Xét về tầm quan trọng, Penang, góp tới 80% sản lượng quốc gia về sản phẩm bán dẫn và phụ trợ để đóng góp cho toàn cầu, chiếm hơn 5% doanh số bán dẫn của thế giới trong vài năm qua, theo Cơ quan Phát triển đầu tư Malaysia (MIDA).

Tuy nhiên, đất nước này không có kế hoạch nghỉ ngơi trên "vòng nguyệt quế" của mình. "“Chúng tôi đang nỗ lực hướng tới việc thu hút tất cả những tên tuổi lớn trong ngành bán dẫn”, Giám đốc điều hành MIDA, Arham Abdul Rahman nói với Tech Wire Asia (TWA) trong một cuộc họp báo tại SEMICON Đông Nam Á 2022 ở Penang, hồi tháng 6.

Thêm vào đó, ông Arham cũng nhấn mạnh tới các khoản đầu tư vào quốc gia này, đặc biệt là vào năm ngoái, đã rất “xuất sắc”, lần đầu tiên vượt qua mốc 300 tỷ RM.

"Chưa bao giờ trong lịch sử, chúng tôi tích lũy được số tiền đầu tư lớn như vậy, chủ yếu được đóng góp từ một vài dự án lớn",vị Giám đốc điều hành MIDA cho biết. Dữ liệu của MIDA cho thấy, Malaysia phê duyệt khoản đầu tư kỷ lục 306,5 tỷ RM (tương đương 73,33 tỷ USD) vào năm ngoái, tăng 83% so với năm 2020, lĩnh vực sản xuất dẫn đầu.

Năm 2021, riêng lĩnh vực sản xuất đã đảm bảo số lượng dự án trị giá 195,1 tỷ RM, tăng hơn 114% so với năm trước, phần lớn đầu tư vào ngành điện và điện tử. Đúng như dự đoán, Penang - trung tâm sản xuất chất bán dẫn của Đông Nam Á, cũng là nơi nhận đầu tư lớn nhất.

Giải thích lý do tại sao Malaysia, đặc biệt là Penang thường được nhắc đến là trung tâm công nghiệp bán dẫn của khu vực, ông Arham khẳng định, đây là "hệ sinh thái gần như hoàn chỉnh" của lĩnh vực điện và điện tử, cũng như bán dẫn.

"Những người trong ngành, từ các công ty lớn hoặc vừa, đều biết những gì Malaysia có thể cung cấp, theo nghĩa đó, chúng tôi có lợi thế hơn so với các nước láng giềng”, Giám đốc điều hành MIDA nói,

Ông Arham Abdul Rahman chia sẻ, việc càng nhiều người tham gia hơn, bao gồm cả các nhà cung cấp nguyên liệu và máy móc, cùng nhiều nhà cung cấp khác, sẽ cho phép Malaysia hoàn thiện hệ sinh thái. “Chúng tôi đã phát triển một hệ sinh thái tốt, gần như hoàn chỉnh, ở Penang, nhưng các bang khác cũng là một lựa chọn không tồi. Chúng tôi cũng có ý định tham gia vào các lĩnh vực khác, bao gồm hệ sinh thái máy móc, hàng không vũ trụ và thiết bị y tế”.

Trên thực tế, Malaysia hiện đã thu hút hơn 5.000 nhà đầu tư từ hơn 40 quốc gia. Chỉ tính riêng trong quý đầu tiên của năm 2022, 42,8 tỷ RM các khoản đầu tư đã được phê duyệt, trong đó ngành điện và điện tử đóng góp 19 tỷ RM với 13.700 cơ hội việc làm mới. Nhiều tên tuổi hàng đầu của ngành bán dẫn, điện và điện tử thế giới đều đã có mặt hoặc ngỏ lời muốn "neo đậu" tại đất nước này như: Intel, Applied Engineering (Mỹ), Nexperia (Hà Lan), Infineon (Đức), AT&S (Áo), Taiyo Yuden (Nhật Bản)...

“MIDA tiếp tục cam kết xây dựng chuỗi cung ứng điện tử bền vững và linh hoạt ở Malaysia và khu vực ASEAN. Chúng tôi theo đuổi đầu tư chất lượng cao và dựa trên công nghệ để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và tăng trưởng thương mại. Ngoài tạo điều kiện phát triển các công ty trong ngành trong nước, chúng tôi đang mở rộng lợi ích của hệ sinh thái sản xuất của mình cho các doanh nghiệp và thương hiệu toàn cầu”, Giám đốc điều hành MIDA khẳng định.

Xây dựng đội ngũ nhân lực bản địa

Chủ tịch Hiệp hội các ngành công nghiệp chất bán dẫn Malaysia (MSIA) Wong Siew Hai cho biết, MSIA và ngành E&E đang làm tất cả những gì có thể để thuê đủ công nhân Malaysia, đáp ứng yêu cầu mới của chính phủ khi quy định những nhà máy này phải đạt ít nhất 80% công nhân bản địa, trước khi muốn tuyển thêm công nhân nước ngoài.

Bằng cách ráo riết tuyển nhân sự trên toàn lãnh thổ Malaysia cũng như ở Sabah và Sarawak với sự hỗ trợ của các trung tâm việc làm, MSIA và E&E kỳ vọng sẽ đáp ứng được yêu cầu mở rộng sản xuất của các nhà máy. Theo yêu cầu công việc, trước khi được nhận vào làm, người lao động Malaysia sẽ trải qua khóa đào tạo tại chỗ trong 18 tháng và sau đó được cấp chứng chỉ kỹ thuật viên sau khi hoàn thành khóa đào tạo.

Ngành công nghiệp bán dẫn và E&E đang là những ngành đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Malaysia, đồng thời cũng là ngành tăng trưởng chính, cũng nhận được nhiều cơ hội đầu tư nhất trong năm 2021. Theo đó, 94 dự án được phê duyệt với trị giá 148 tỷ RM (khoảng 37 tỷ USD) và sẽ tạo ra 28.362 cơ hội việc làm. Những khoản đầu tư vào ngành này ở Malaysia cho thấy nhu cầu về chất bán dẫn rất lớn trên toàn cầu, cung không đáp ứng đủ cầu.

Trên thực tế, theo Chủ tịch MSIA Wong Siew Hai, các công ty MSIA và E&E ở Malaysia thích thuê người Malaysia hơn lao động nước ngoài, nhưng không có đủ nguồn cung cấp lao động phù hợp hoặc sẵn có cho ngành này ở Malaysia, mặc dù mức lương tối thiểu đã tăng gần đây. Theo kết quả khảo sát được thực hiện vào tháng 11/2021 bao gồm 80 thành viên của MSIA, ngành công nghiệp này cần ít nhất 30.000 công nhân ngay lập tức trong khi các công ty E&E vẫn đang tiếp tục mở rộng nhà máy hoặc thành lập nhà máy mới.

MSIA cũng nhấn mạnh rằng ,tác động của sự thiếu hụt nguồn cung lao động bản địa là rất nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và các công ty Malaysia vì họ cũng đang bị mất nhân công vào tay các công ty đa quốc gia có mức lương cao hơn và kết quả là các doanh nghiệp vừa và nhỏ này đã phải từ chối các đơn đặt hàng mới.

An Sinh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/malaysia-tap-trung-nguon-luc-keo-cac-nha-dau-tu-khung-gay-dung-trung-tam-ban-dan-cua-dong-nam-a-191704.html