Malaysia tập trận sau khi bị Trung Quốc làm khó trong vùng đặc quyền kinh tế

Hải quân Malasia vừa có cuộc tập trận với sự kiện phóng thử tên lửa hôm 15.7 tại khu vực được mô tả là ngay gần điểm xảy ra tranh chấp với Trung Quốc. Sự kiện này là một phần của cuộc tập trận quân sự quy mô lớn có tên 'Kerismas' và 'Taming Sari'.

Hình ảnh tàu Malaysia phóng tên lửa - Ảnh: Hải quân Hoàng gia Malaysia:

Hình ảnh tàu Malaysia phóng tên lửa - Ảnh: Hải quân Hoàng gia Malaysia:

Malaysia và Trung Quốc đang có căng thẳng xung quanh việc thăm dò khai thác dầu trên Biển Đông. Theo SCMP, tàu Hải dương 35111 đã lởn vởn như muốn thăm dò xung quanh bãi cạn Luconia, một cụm rạn san hô ở cuối phía nam biển Đông, suốt từ ngày 10 đến 27.5, nơi có một lô dầu khí được Malaysia cấp phép cho công ty dầu khí Sarawak Shell.

Khi Malaysia gửi hai tàu chở dầu và khí đốt đến khu vực này, tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã vây tròn chúng một cách khiêu khích, có lúc chỉ cách gần 80 mét, SCMP cho biết.

“Bắc Kinh dường như quyết tâm ngăn chặn các hoạt động dầu khí đơn phương mới của các nước láng giềng”, một người am hiểu tình hình cho hay đồng thời cho biết thêm rằng các tình huống xung quanh việc “thăm dò dầu khí liên tục” của Trung Quốc là khó nắm bắt và nguy hiểm.

“Áp sát và phô bày hành vi khiêu khích kiểu đó tiềm ẩn rủi ro rõ ràng, chỉ cần một vụ va chạm vô tình có thể dẫn đến sự leo thang”, nguồn tin nhận định. Cuối tháng 5, tàu Hải dương 35111 mới chịu quay trở về đảo Hải Nam.

Sau sự kiện này, Hải quân Malasia (RMN) đã có cuộc tập trận với sự kiện phóng thử tên lửa hôm 15.7 tại khu vực được mô tả là ngay gần điểm có tranh chấp với Trung Quốc. Sự kiện này là một phần của cuộc tập trận quân sự quy mô lớn được gọi là 'Kerismas' và 'Taming Sari'.

Theo Tạp chí quốc phòng Jane, các tên lửa Exocet MM40 Block II đã được bắn từ tàu hộ tống lớp Kasturi (Loại FS 1500), KD Kasturi (25). Còn trên không, một máy bay trực thăng hải quân Super Lynx. Kasturi đã phóng một cặp tên lửa chống hạm Sea Skua.

Các khí tài khác của RMN tham gia tập trận bao gồm tàu ngầm diesel-điện lớp Perdana Menteri (Scorpene) KD Abdul Rahman, tàu hộ tống lớp Laksamana (Assad) Laksamana Hang Nadim (134) và Laksamana Tan Pusmah (137) tàu khu trục lớp, KD Lekiu (30).

"Thành công của vụ bắn tên lửa là bằng chứng cho thấy RMN có thể thực hiện các hoạt động ở Biển Đông", Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Bin Sabu tuyên bố về cuộc tập trận.

"Việc thực hiện cuộc tập trận này sẽ đảm bảo cho những người tham gia nghề biển, đặc biệt là những người ở phía đông Malaysia, rằng RMN và Lực lượng Vũ trang Malaysia sẵn sàng bảo vệ hòa bình và bảo vệ lợi ích của họ ở Biển Đông", ông Bin Sabu nhấn mạnh.

Giới quan sát đánh giá cuộc tập trận của Malaysia nhằm đáp trả việc bị khiêu khích. Lần gần nhất mà RMN thực hiện bắn tên lửa chống hạm là vào năm 2014, thời điểm mà Biển Đông cũng bị khuấy sóng như hiện giờ.

Sự kiện Malaysia phóng tên lửa tập trận đã được báo chí chất vấn với Bộ ngoại giao Trung Quốc vào tối qua 19.7. Phóng viên đặt câu hỏi: “Chính phủ Malaysia cho biết họ đã tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật gần các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Tôi muốn ngài có nhận xét về các hoạt động trên?”

Đáp lại, ông Cảnh Sảng – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời: “Theo báo cáo, Malaysia đã tiến hành một cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông và phía Trung Quốc đang cố gắng thu thập thông tin về việc này”.

Bãi cạn Luconia ở khu vực khoanh đỏ

Bãi cạn Luconia chỉ nằm cách bờ biển Malaysia trên đảo Borneo 100 km và nằm hoàn toàn trong vùng biển Đặc quyền kinh tế của Malaysia. Tuy nhiên người Trung Quốc (bao gồm cả đại lục và Đài Bắc) lại coi nó thuộc trong cái gọi là Nam Sa và nằm trong đường 9 đoạn mà họ tự vẽ ra. Trên thực tế, Bãi cạn Luconia cách đất liền Trung Quốc 2.000 km.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/dien-bien-bien-dong-c-124/malaysia-tap-tran-sau-khi-bi-trung-quoc-lam-kho-trong-vung-dac-quyen-kinh-te-117468.html