Malaysia ra tuyên bố vụ tàu Hải Dương 8 tiếp cận tàu khoan dầu

Tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc vẫn đang hoạt động gần tàu khoan dầu West Capella thuộc Tập đoàn Dầu khí Petronas của Malaysia.

Ngày 23-4, Bộ Ngoại giao Malaysia đã ra tuyên bố liên quan việc tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc tiếp cận và quấy rối tàu thăm dò dầu West Capella (làm việc cho Tập đoàn Dầu khí Petronas - Malaysia) đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, hãng tin Reuters cho biết.

“Trong khi luật pháp quốc tế bảo đảm tự do hàng hải, sự hiện diện của các tàu chiến và tàu lớn khác ở biển Đông có nguy cơ gây gia tăng căng thẳng, có thể dẫn tới hậu quả tính toán sai ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực” - Reuters dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein.

Tàu Hải Dương địa chất 8 hoạt động gần bờ biển Trung Quốc năm 2018. Ảnh: SCHOTTEL

Tàu Hải Dương địa chất 8 hoạt động gần bờ biển Trung Quốc năm 2018. Ảnh: SCHOTTEL

Ngoại trưởng Hishammuddin Hussein nói Malaysia duy trì “liên lạc liên tục và cởi mở” với tất cả các bên liên quan, bao gồm Trung Quốc và Mỹ.

Malaysia kêu gọi các bên giải quyết bất đồng ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình và cũng khẳng định sẽ bảo vệ quyền lợi của mình trên biển Đông.

Tuần trước, tàu Hải Dương địa chất 8 và một tàu hải cảnh Trung Quốc đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và bắt đầu hoạt động khảo sát gần nơi tàu West Capella đang hoạt động.

Theo dữ liệu ngày 23-4 của trang web Marine Traffic chuyên theo dõi hoạt động tàu, tàu Hải Dương địa chất 8 vẫn còn gần vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.

Theo ông Greg Poling, Giám đốc tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (có trụ sở ở Mỹ), đây là động thái mới nhất trong hàng loạt động thái quấy rối mà các tàu Trung Quốc thực hiện với hoạt động ở 5 lô dầu ngoài bờ biển Malaysia trong từ năm ngoái đến nay. Theo ông Poling, từ tháng 12-2019, phía Trung Quốc đã có hành động quấy rối các tàu hậu cần phục vụ hoạt động của tàu thăm dò dầu West Capella.

Tuần trước, tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trước khi đến hoạt động gần tàu West Capella của Malaysia.

Phần mình, Trung Quốc bác bỏ mọi thông tin có sự đối đầu và nói rằng tàu Hải Dương địa chất 8 chỉ thực hiện các hoạt động bình thường.

Ngày 21-4, Hải quân Mỹ thông báo đã đưa tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đến khu vực gần nơi tàu Hải Dương địa chất 8 hoạt động.

Một ngày sau, Bộ Quốc phòng Úc xác nhận tàu hộ vệ HMAS Parramatta của Hải quân Hoàng gia Úc và tàu khu trục USS Barry của Hải quân Mỹ cũng được điều đến khu vực. 3 tàu chiến Mỹ và 1 tàu chiến Úc đã thực hiện một cuộc tập trận hàng hải chung.

Bốn tàu chiến của Mỹ và Úc trong cuộc tập trận ngày 22-4 ở biển Đông. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG ÚC

Phía Mỹ cho biết Washington mong muốn sự hiện diện của các tàu Mỹ ở khu vực sẽ "thúc đẩy tự do hàng hải, hàng không và các nguyên tắc quốc tế làm nền tảng an ninh và thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Mỹ cáo buộc Trung Quốc đẩy mạnh hiện diện ở các vùng biển tranh chấp trong lúc các nước khác đang bận rộn chống dịch COVID-19 và kêu gọi Trung Quốc chấm dứt chiến thuật bắt nạt ở biển Đông.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/malaysia-ra-tuyen-bo-vu-tau-hai-duong-8-tiep-can-tau-khoan-dau-907907.html