Malaysia 'nghẹt thở' vì rác thải nhựa

Miếng mồi ngon từ ngành công nghiệp tái chế rác thải nhựa làm dấy lên tình trạng nhập khẩu ồ ạt và xử lý rác trái phép, bất chấp việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Rác thải nhựa bên ngoài một xưởng tái chế trái phép ở Jenjarom - Ảnh: Reuters

Cuối năm 2017, Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa từ nước ngoài trong chiến dịch giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường. Lượng rác khổng lồ từ các nước phương Tây như Anh, Mỹ sau đó ồ ạt đổ về các nước Đông Nam Á, trong đó có Malaysia.

Chính quyền Kuala Lumpur nhìn thấy “những tiềm năng kinh doanh” từ việc nhập khẩu rác thải nhựa mà Bộ trưởng Chính quyền địa phương và Nhà ở Zuraida Kamaruddin ước tính lên đến 30 tỉ ringgit (171.196 tỉ đồng), theo tờ New Straits Times.

Dù đặt ra những tiêu chuẩn và quy định về chất lượng rác nhập khẩu cũng như giới hạn cấp phép cho một số ít cơ sở để nhập khẩu, nhưng miếng mồi ngon từ ngành công nghiệp này đã dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị hoạt động chui thi nhau mọc lên, nhập rác về và tái chế bất chấp tác động khôn lường đến môi trường.

Theo Tổ chức Hòa bình xanh, Malaysia đã trở thành “thùng rác của thế giới” khi nhập khẩu đến 754.000 tấn rác thải nhựa từ tháng 1 - 6.2018. Phần lớn số này được đưa vào qua Klang, cảng hàng hải lớn nhất của Malaysia. Một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là thị trấn Jenjarom thuộc huyện Kuala Langat, bang Selangor. Theo số liệu của chính quyền, ít nhất 33 xưởng tái chế trái phép mọc lên tại thị trấn nằm kế cận cảng Klang, đa số là người từ nơi khác đến thuê đất để mở nhà xưởng. Một số cơ sở “ẩn nấp” dưới những cánh đồng cọ dầu trong khi số khác lại nằm sát bên khu dân cư, bốc mùi kinh khủng và bị cho là gây ra nhiều bệnh về da, hô hấp.

[VIDEO] Tìm thấy 40 kg nhựa trong dạ dày cá voi chết

Theo BBC, để tiết kiệm chi phí, những cơ sở này chôn rác không tái chế được xuống đất hoặc đốt cháy, phát ra những đám khói độc hại cho sức khỏe người dân lẫn môi trường. “Mùi hôi thối khiến tôi không thể ngủ vào ban đêm. Tình trạng kéo dài nhiều ngày khiến tôi mệt mỏi và cảm giác mình như trở thành thây ma”, một người dân trong vùng tên Ngoo Kwi Hong than phiền. Bà Belle Tan sống gần đó cũng cho biết đứa con trai 11 tuổi của bà nổi ban đỏ khắp người do chất độc từ bãi rác. “Da nó tróc vảy và bị đau lúc tôi chạm vào. Tôi rất tức giận và lo lắng cho sức khỏe của con nhưng không thể làm gì hơn. Mùi thối đó chỗ nào cũng có”, bà Tan bức xúc nói.

Sau khi được trình báo, các cơ quan chức năng địa phương đóng cửa 33 xưởng tái chế rác trái phép tại Jenjarom và bắt giữ 60 lao động nhập cư lậu, theo tờ Malay Mail. Tuy nhiên, chủ của những xưởng này thì chuồn mất, để lại hơn 17.000 tấn rác cho giới chủ đất cùng chính quyền loay hoay tìm cách giải quyết. Theo một quy định mạnh tay gần đây, những chủ đất không dọn sạch đống rác trong khu đất của mình đúng thời hạn do chính quyền đặt ra sẽ bị tịch thu mảnh đất. Bên cạnh đó, chính quyền cũng ngừng cấp mới giấy phép nhập khẩu rác cho các công ty, đồng thời tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện những cơ sở tái chế trái phép.

[VIDEO] Mang vỏ chai nhựa đi mua vé xe buýt, tại sao không?

Tuy vậy, tình trạng tái chế rác thải chui bị cho là vẫn còn xuất hiện ở nhiều nơi khác. Ông Ng Sze Han, một quan chức tại Selangor, cho hay nhiều người thuê đất để mở xưởng trái phép, khi bị phát hiện thì bỏ trốn đến nơi khác hoạt động tiếp. Trong khi đó, nhiều chủ đất cũng sẵn sàng cho thuê địa điểm để những cơ sở này hoạt động vì giá thuê có khi lên đến 50.000 ringgit/tháng (khoảng 285 triệu đồng), gấp nhiều lần so với thu nhập trung bình hằng tháng của một gia đình Malaysia, theo BBC. Các nhà hoạt động vì môi trường cũng như một số quan chức cho rằng chỉ khi chính phủ cấm toàn bộ việc nhập khẩu rác thải nhựa thì mới giải quyết được triệt để nạn tái chế rác trái phép. Nếu không, việc Malaysia có thêm những đô thị khác phải chịu cảnh giống Jenjarom chỉ còn là vấn đề thời gian.

Một số nghiên cứu cho thấy hít phải khói phát ra từ việc đốt rác thải nhựa ngoài gây những triệu chứng như phát ban, nhức đầu, buồn nôn hay hen suyễn, còn có thể gia tăng nguy cơ bệnh tim hoặc gây tổn thương đến hệ thống thần kinh. Mặt khác, những người sống nhiều năm trong môi trường không khí ô nhiễm do khói độc từ rác thải nhựa còn có thể có nguy cơ cao mắc ung thư, theo trang Business Insider.

Bảo Vinh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/malaysia-nghet-tho-vi-rac-thai-nhua-1064617.html