Malaysia, Indonesia sang Việt Nam giành giật từng 'ông' xe ôm vỉa hè

Xe ôm công nghệ đang có sự cạnh tranh quyết liệt khi đối thủ mới Go-Viet gia nhập thị trường. Hàng loạt chiêu trò được tung ra để có được lái xe và tranh giành khách hàng.

Sau một ngày rầm rộ ra mắt, anh Duy (Hoàng Mai, Hà Nội) tỏ ra bức xúc khi liên tục đặt xe bằng ứng dụng của Go-Viet không thành công. Trong khi trên ứng dụng có thông báo ba bốn xe máy tại địa điểm anh đang đứng nhưng khi tiến hành đặt xe đều nhận được thông báo “ngoài vùng phục vụ”.

Lúc sau, anh Duy di chuyển sang địa điểm khác cũng không đặt được dịch vụ của Go-Viet. “Mình thấy rõ ràng có nhiều xe máy trên ứng dụng nhưng khi đặt không được”, anh Duy phản ánh.

Lái xe sử dụng hai ứng dụng song song (Ảnh mang tính minh họa)

Quảng cáo rầm rộ nhưng trên ứng dụng thiếu thông tin thông báo cho khách hàng về mạng lưới phục vụ khiến anh Duy vẫn giữ thái độ thăm dò về ứng dụng này. Trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, dễ dàng gọi xe, tương tác giữa người dùng và tài xế, cùng sự tiện lợi của ứng dụng đang có xu hướng trở thành yếu tố quan trọng.

Trải nghiệm Go-Viet, một khách hàng tên Đức Việt (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, số lượng lái xe còn rất ít. Anh Việt chỉ đặt được xe ở một số vị trí. Trong khi đó, lái xe đang sử dụng song song hai ứng dụng nên khi đón khách không có đồng phục chuyên nghiệp.

Thực tế, Go-Viet mới chỉ hoạt động tại một số quận trung tâm, với sản phẩm dịch vụ đầu tiên là Go-Bike, dịch vụ gọi xe ôm công nghệ tương tự GrabBike của Grab. So với đội ngũ đông đảo của GrabBike thì Go-Viet vẫn ở vị thế lính mới. Tuy nhiên, tân binh mới này tự tin khẳng định có trong tay 35% thị phần xe ôm công nghệ TP.HCM và 1,5 triệu lượt tải tại Việt Nam.

Đi kèm với lễ ra mắt, hãng này cũng tung ra chương trình khuyến mãi dành cho người dùng tại Hà Nội với giá cước chỉ 1.000 đồng/cuốc xe, áp dụng cho các cuốc xe Go-Bike dưới 6 km. Đây là mức giá cước khuyến mại thấp hơn mức 5.000 đồng/cuốc xe mà Grab đang áp dụng tại cùng thời điểm tại Hà Nội.

Dự kiến trong khoảng 4 tháng tới, đại gia này sẽ sớm mở rộng thêm nhiều dịch vụ nữa như giao nhận đồ ăn Go-Food, di chuyển bằng xe hơi Go-Car, thanh toán Go-Pay và thậm chí là gọi phục vụ làm đẹp tại nhà.

Giành giật lái xe

Với những ứng dụng xe ôm công nghệ, việc có được lái xe trong bối cảnh Grab chiếm thị phần như hiện nay là điều không hề dễ dàng. Đi sau, Go-viet đã bố trí cả nhân viên đứng ra lề đường tiếp nhận. Phần lớn người đến đăng ký từng chạy GrabBike. Để thu hút tài xế, ứng dụng này không chỉ miễn phí chiết khấu cho các tài xế chạy ứng dụng mà còn mạnh tay thưởng chuyến thêm cho các tài xế để đảm bảo thu nhập.

Theo chia sẻ của một lái xe, do số lượng đăng ký đông nên hiện tại chưa có đủ đồng phục. Có người được cấp tài khoản Go-Viet vẫn dùng đồng phục cũ của Grab để chạy xe. “Nhiều người vẫn giữ nguyên 2 tài khoản chạy song song. Thời gian đầu họ sẽ chạy vì nhiều khuyến mại nhưng sau đó sẽ đánh giá. Ứng dụng nào kiếm ra tiền thì mới sử dụng”, anh chia sẻ.

Ba ông lớn trong lĩnh vực xe ôm công nghệ

Việc Go-Viet mới chỉ áp dụng ở một số ít quận tại Hà Nội gây khó khăn không nhỏ cho tài xế. Khi tài xế nhận cuốc xe chạy từ quận được áp dụng, sang quận chưa áp dụng trả khách xong thì lại phải quay lại quận có áp dụng mới bắt được cuốc mới.

Sau khi Uber rời bỏ thị trường Việt Nam bằng việc bán mình đổi cổ phần, Grab gần như “một mình một giang sơn”. Grab chiếm lĩnh thị phần ứng dụng gọi xe tại thị trường Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Trước áp lực cạnh tranh, Grab cũng đang có những động thái để giữ chân cả tài xế và khách hàng. Đồng thời hướng đến các nền tảng dịch vụ đa dạng hơn. Grab tiếp tục tung ra nhiều chương trình khuyến mại và thưởng chuyến.

Trong khi đó, ứng dụng gọi xe FastGo cũng liên tục phát đến khách hàng sử dụng ứng dụng các mã giảm giá và tung các chiến dịch thưởng cuốc để thu hút tài xế. Đối thủ khác của Grab hay Go-Viet mới vừa nhận được vốn từ quỹ đầu tư VinaCapital Ventures sau biên bản thỏa thuận đầu tư chiến lược vừa được ký kết.

Hãng này đã ghi nhận gần 15.000 đối tác lái xe đăng ký tham gia và hơn 50.000 khách hàng đăng ký ứng dụng tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM.

Từng tham vọng đánh bật Uber hay Grab, Mai Linh đưa ra khi Mai Linh Bike. Mặc dù có giá cước ngang bằng nhưng số lượng lái xe hạn chế nên hoạt động của Mai Linh Bike ít người biết tới.

Về lâu dài, các chính sách khuyến mãi cho lái xe và người dùng hầu hết đều khiến các công ty phải bù lỗ, để chiếm lĩnh thị phần các đại gia xe ôm công nghệ phải chấp nhận cuộc chơi “đốt tiền”. Nếu không đủ lực, họ sẽ phải nhanh chóng rời bỏ thị trường.

Nam Hải

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/canh-tranh-dich-vu-xe-om-cong-nghe-476624.html