Malaysia hủy bỏ dự án 10,5 tỷ USD vì nghi liên quan đến Trung Quốc

Việc Malaysia hủy bỏ dự án 10,5 tỷ USD ở bang Malacca khiến giới quan sát nhận định chính phủ nước này đang giám sát gắt gao hơn hoạt động của các công ty Trung Quốc.

Trên hòn đảo nhân tạo lớn ngoài khơi bờ biển Malaysia, chỉ một vài phương tiện cá nhân được phép đi vào khu vực đang thi công dự án 10,5 tỷ USD.

Bên trong khu thi công dự án Melaka Gateway rộng khoảng 246 ha này, một bến tàu hiện đại dành cho các tàu cực lớn đang được hoàn thiện.

Phần còn lại của khu đất là diện tích dành cho bến phà và các khu thương mại. Các khu vực được khai hoang này thuộc eo biển Malacca, một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới.

Trên đảo, các ụ cát nằm rải rác. Xa hơn, một dự án cải tạo đất khác đang diễn ra trên hòn đảo thứ hai. Toàn bộ dự án dự kiến hoàn thành trong 10 năm.

 Lối vào dự án Melaka Gateway đã bị phong tỏa. Ảnh: Nikkei Asia.

Lối vào dự án Melaka Gateway đã bị phong tỏa. Ảnh: Nikkei Asia.

Tuy nhiên, tiến độ này vẫn chưa đủ làm hài lòng chính quyền bang Malacca. Tiểu bang này là điểm thu hút khách du lịch, nằm cách thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia chưa đầy 90 phút đường bộ.

Vào cuối tháng 11, các nhà chức trách Malacca hủy hợp đồng cải tạo đất vốn được trao cho công ty KAJ Development của Malaysia do sau bốn năm, dự án vẫn "không phát triển".

Động thái này làm dấy lên lo ngại về thời hạn hoàn thành dự án và hình ảnh các công ty Trung Quốc trong mắt chính phủ Malaysia, theo Nikkei Asia.

Hủy bỏ dự án 10,5 tỷ USD

Tờ Utusan Malaysia dẫn lời Thủ hiến Malacca Sulaiman Ali cho biết dự án Melaka Gateway sẽ không bị bỏ rơi mà sẽ được tiếp quản bởi một nhà thầu mới.

"Quá trình thi công sẽ tiếp tục, nhưng chúng tôi có một số vấn đề kỹ thuật cần khắc phục", ông nói.

Đối với nhà thầu KAJ Development, quyết định này không có ý nghĩa gì vì công ty đang cân nhắc kiện chính quyền bang.

Michelle Ong, giám đốc điều hành của KAJ, cho biết: "Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Dự án của chúng tôi bị hủy bỏ sau khi chúng tôi dành hàng triệu nguồn lực của mình để thực hiện các nghiên cứu môi trường khác nhau và trả phí cấp phép".

Trả lời Nikkei Asia, bà Ong, 61 tuổi, cho biết công ty của bà trong hơn ba thập kỷ đã phải bán đi các tài sản khác để có vốn ban đầu cho dự án.

"Chúng tôi thực hiện hợp đồng với chính phủ trong một thời gian dài, và trong suốt chặng đường đó, chúng tôi gây dựng nên sức mạnh tài chính của công ty", bà Ong nói.

Bà Michelle Ong, giám đốc điều hành của KAJ. Ảnh: Nikkei Asia.

Nhiều nhà quan sát nhận thấy việc dự án Melaka Gateway bị tạm đình chỉ là dấu hiệu cho thấy Malaysia đang giám sát gắt gao hơn các công trình liên quan đến Trung Quốc.

Dự án này đã được trao cho cho nhà thầu KAJ của Malaysia vào năm 2016, dưới thời chính quyền của cựu Thủ tướng Najib Razak.

Đến năm 2017, công ty đã liên kết với các công ty Trung Quốc PowerChina International Group, Shenzhen Yantian Port Group và Rizhao Port Group để cùng phát triển dự án. Trong đó, PowerChina là công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc.

Tuy Melaka Gateway hoàn toàn là dự án tư nhân nhưng một số nhà quan sát suy đoán dự án nằm trong nỗ lực đầu tư của Bắc Kinh vào Malaysia, theo định hướng của Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra.

Khi lên nắm quyền vào tháng 5/2018, cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã lên tiếng về sáng kiến này.

Bên cạnh Melaka Gateway, chính quyền Malaysia còn hủy bỏ dự án đường sắt East Coast Rail Link trị giá 16,2 tỷ USD và hai dự án đường ống dẫn khí trị giá 2,3 tỷ USD, vốn được trao cho Cục Đường ống Dầu khí Trung Quốc thực hiện.

Dự án đường sắt sau đó được phép tiếp tục thi công sau khi chi phí xây dựng được cắt giảm đi 5,3 tỷ USD.

Trong quá trình rà soát, chính phủ của ông Mahathir thu hồi giấy phép điều hành cảng của công ty KAJ. Tuy nhiên, sau khi nhà thầu này đệ đơn lên tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại hàng tỷ ringgit, giấy phép nói trên được khôi phục trong vòng 7 tháng.

Vai trò của các công ty Trung Quốc

Bà Ong cho rằng vai trò của các công ty Trung Quốc trong dự án bến cảng đã bị thổi phồng quá mức. Theo bà, ba công ty Trung Quốc chỉ đóng vai trò là đối tác kỹ thuật, mua sắm và xây dựng (viết tắt là EPC) của dự án.

Giám đốc điều hành của KAJ cho biết ba công ty nói trên được cho là nhà đầu tư và đối tác EPC dựa trên thỏa thuận năm 2017. Tuy nhiên, thỏa thuận với PowerChina bị chấm dứt vào năm 2019 do công ty này không hoàn thành các tiêu chí đầu tư.

"PowerChina chỉ duy trì hoạt động với tư cách là nhà thầu EPC, nhưng hợp đồng bị chấm dứt vào năm ngoái vì không hoàn thành nghĩa vụ", bà nói.

Giám đốc điều hành KAJ cho biết Shenzhen Yantian Port Group và Rizhao Port Group cũng đã bị đình chỉ hoạt động từ năm 2018. Hoạt động thi công dự án được nối lại vào năm 2019 do các nhà thầu nhỏ hơn của Trung Quốc đảm nhận.

Bà Ong cho rằng Malaka Gateway chưa bao giờ thuộc Sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc. Dự án này "chỉ nhằm mục đích hưởng lợi từ con đường tơ lụa trên biển do Trung Quốc đề xuất", bà nhấn mạnh.

Công việc cải tạo đất vẫn đang được tiến hành tại khu thi công dự án Melaka Gateway. Ảnh: Nikkei Asia.

"Nếu dự án bị hủy bỏ như đã nói, chúng ta có thể không tận dụng được tác động lan tỏa của Sáng kiến Vành đai - Con đường vì Melaka Gateway nằm ở một vị trí rất chiến lược", Giám đốc điều hành KAJ nhận định.

Nikkei Asia dẫn lời một quan chức cấp cao của chính phủ Malaysia cho biết việc KAJ không thừa nhận mức độ can dự của Trung Quốc vào dự án này đã khiến Melaka Gateway bị các cơ quan nhà nước gán nhãn "dự án của Trung Quốc".

"Nhà thầu này cũng đang trao nhiều hợp đồng hơn cho các công ty Trung Quốc, do đó càng làm tăng thêm nghi ngờ của chúng tôi. Tuy nhiên, việc hủy bỏ dự án không liên quan đến bất kỳ ảnh hưởng nào được cho là của Trung Quốc", quan chức giấu tên này nói.

Bà Ong bác bỏ các tuyên bố nói trên và cho biết các nhà thầu Trung Quốc được chọn dựa trên thành tựu và khả năng hoàn thiện dự án đúng hạn.

Theo bà Ong, Malaysia hiện có nguy cơ mất "ít nhất là hàng tỷ USD" trong các khoản đầu tư nước ngoài nếu dự án bị hủy bỏ, vì một số bên đã cam kết tài trợ cho dự án.

Một trong số các nhà đầu tư này là Royal Caribbean International, công ty du thuyền có trụ sở tại Mỹ.

Ei Sun Oh, thành viên cấp cao tại viện nghiên cứu Singapore Institute of International Affairs, cho rằng Melaka Gateway chủ yếu nhằm thu hút đầu tư quốc tế và kích thích nền kinh tế Malaysia phát triển.

"Khi nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch vẫn đang hoành hành, cần phải cân nhắc liệu còn cơ hội để thu hút các khoản đầu tư như vậy nữa hay không", nhà nghiên cứu này nói.

Hương Ly

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/malaysia-huy-bo-du-an-10-5-ty-usd-vi-nghi-lien-quan-den-trung-quoc-post1159775.html